Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã có nghĩa là mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện cho người dân trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu người đại diện cho nhân dân điều hành công việc cơ quan hành chính xã. Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã không chỉ phát huy hơn dân chủ trực tiếp mà còn đề cao uy tín và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính do nhân dân trực tiếp bầu ra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở. Còn việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường sẽ tạo ra mô hình chính quyền đô thị khác hẳn với chính quyền nông thôn. Thực tế chứng minh, quản lý đô thị đòi hỏi phải đảm bảo tính thống nhất và tập trung, không thể chia cắt, phân cho nhiều cấp quản lý và điều đó cũng có nghĩa là việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị gồm đủ 3 cấp như hiện nay không còn phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và hoạt động quản lý đô thị. Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường không chỉ tinh gọn được bộ máy chính quyền địa phương, mà còn khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp trong hệ thống cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước.
Thế thì tại sao Quốc hội lại lo đến vậy?
Quốc hội lo phạm vi thí điểm quá rộng trong khi đây là một Đề án quan trọng, liên quan đến hệ thống chính trị của đất nước, liên quan đến quy định của Hiến pháp. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường dự kiến được tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố với 69 huyện, 32 quận và 483 phường; thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã được tổ chức tại 385 xã thuộc 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu kết quả thu được thành công thì đương nhiên sẽ triển khai rộng rãi, nhưng chẳng may kết quả thu được không như mong muốn - giống như thí điểm Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Quốc hội về thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, sau 5 năm lại phải biểu quyết thôi vì gây lãng phí mà hiệu quả không cao – thì lúc đó Chính phủ giải quyết tình huống thế nào?.
Đặt ra tình huống này là vì nhiều đại biểu Quốc hội tính đến các mối quan hệ truyền thống, tình cảm, dòng họ lâu đời ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Liệu một ông Chủ tịch xã do dân bầu trực tiếp có dám vượt qua các mối quan hệ gia đình, dòng họ để làm việc công tâm và liệu có chuyện dòng họ nào lớn nhất làng sẽ mãi có người làm Chủ tịch xã? Rồi đề dân trực tiếp bầu Chủ tịch xã thì có còn giữ được nguyên tắc đảng lãnh đạo toàn diện ở chính quyền cơ sở? Rồi thời hạn thí điểm cụ thể đến bao giờ? Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tính không đồng bộ của Đề án, thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã nhưng lại không thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường, thí điểm bỏ HĐND phường nhưng lại giữ HĐND xã. Việc chuyển giao các nhiệm vụ mà HĐND huyện, quận, phường đang thực hiện cho các cơ quan khác liệu có còn đảm bảo quyền dân chủ đại diện của người dân thông qua các cơ quan dân cử?
Sáng 7/11, giải trình thêm những băn khoăn của đại biểu Quốc hội sau nhiều phiên thảo luận, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn phân tích việc thực hiện thí điểm với phạm vi như Tờ trình của Chính phủ là thích hợp, nhằm đảm bảo tính đại diện các vùng, miền, khu vực trong cả nước và việc đánh giá được khách quan. Nếu thí điểm ít quá thì sau này không đủ điều kiện để trình Quốc hội quyết định phương án nào. Về mốc thời gian kết thúc thí điểm, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cho rằng, trong Dự thảo nghị quyết của Quốc hội xác định từ 2009 cho đến khi Quốc hội ra Nghị quyết mới về việc thực hiện thí điểm là hoàn toàn phù hợp. Sở dĩ xác định thời điểm kết thúc thí điểm như vậy là vì chưa thể khẳng định được kết quả tiến hành thí điểm. Mặt khác khi tổng kết các bước tiến hành sau khi thực hiện thí điểm, hoàn toàn phụ thuộc vào Nghị quyết mới của Quốc hội.
Tiếp lời Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta nghiên cứu và thực hiện Đề án này. Cái khó là ở chỗ chúng tư chưa mạnh dạn, cái khó là ở chỗ chúng ta chưa làm.
La Thành