Thẩm định các dự thảo VBQPPL do chính Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chủ trì

Tuy số lượng không nhiều và phạm vi không rộng, nhưng hàng năm Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các địa phương vẫn phải trực tiếp soạn thảo hoặc chủ trì soạn thảo các dự thảo VBQPPL liên quan đến những lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan tư pháp. Cùng một lúc thực hiện luôn cả hai nhiệm vụ soạn thảo và thẩm định, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ...

Báo cáo thẩm định bằng... miệng

Theo thống kê của Sở Tư pháp Thái Bình, các VBQPPL do Sở Tư pháp trực tiếp soạn thảo bao gồm: các Chỉ thị của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện một số luật; một số Nghị quyết của HĐND tỉnh về quản lý và thực hiện hương ước, quy ước, ban hành và bãi bỏ những khoản phí, lệ phí liên quan đến công tác hộ tịch, công chứng...; một số Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy chế hoặc quy định. Về phía Phòng Tư pháp, qua tập hợp thống kê, báo cáo của 8 huyện, thành phố thuộc tỉnh thì trong 10 năm qua, những VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện do chính Phòng Tư pháp soạn thảo chủ yếu là một số Chỉ thị tổ chức triển khai hoặc tăng cường quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực thuộc hoạt động tư pháp ở địa phương.

Hầu hết các VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp soạn thảo là đều do đề xuất của Sở Tư pháp vào Chương trình ban hành VBQPPL của tỉnh nên Sở Tư pháp đã chủ động ngay từ những khâu đầu tiên như căn cứ nội dung văn bản để giao cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc trực tiếp soạn thảo, cho tới khâu cuối cùng là thẩm định. Khâu thẩm định sẽ do Phòng Kiểm tra văn bản pháp quy của Sở tiến hành theo đúng luật định. Tuy nhiên, kết quả thẩm định, thay vì thể hiện bằng Báo cáo thẩm định, sẽ được Phòng Kiểm tra văn bản pháp quy báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo Sở. Được sự đồng ý của lãnh đạo Sở, Phòng Kiểm tra văn bản pháp quy sẽ trực tiếp chỉnh lý dự thảo văn bản lần cuối cùng để trình sang UBND tỉnh. Tương tự, những dự thảo VBQPPL do Phòng Tư pháp soạn thảo thì cũng chính Phòng Tư pháp tự thực hiện tất cả các khâu từ đề xuất,khởi thảo cho tới thẩm định và hoàn thiện văn bản. Giống như Sở Tư pháp, việc thẩm định văn bản do chính mình soạn thảo của Phòng Tư pháp cũng không thể hiện bằng Báo cáo thẩm định mà lồng vào trong nội dung Tờ trình. Và, quy trình tự làm, tự kiểm này được áp dụng ở rất nhiều các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các địa phương, chứ không riêng gì tỉnh Thái Bình.

Không dễ gọt được chuôi

Điều đáng nói ở đây là theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004, Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp đều không có điều khoản nào quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền và thủ tục thẩm định những dự thảo VBQPPL do chính Sở Tư pháp hoặc Phòng Tư pháp trực tiếp soạn thảo. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thì các Sở, Phòng này bao giờ cũng kiêm luôn cả công việc “đá bóng” lẫn “thổi còi”.

Để cho ra đời một VBQPPL thì các khâu soạn thảo và thẩm định, mà nhất là khâu thẩm định phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nhân lực. Và, đây cũng là câu chuyện đáng bàn của các Phòng Tư pháp và Phòng Kiểm tra văn bản pháp quy thuộc Sở Tư pháp hiện nay. Bà Đặng Thị Thoa, Trưởng Phòng Kiểm tra văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Lào Cai cho biết cán bộ của Phòng luôn luôn ở trong tình trạng mỏng và yếu. Số cán bộ vững tay nghề, kinh nghiệm dần xin chuyển công tác vì nhiều lý do, chỉ còn lại hầu hết số chuyên viên đang trong thời gian công chức dự bị, chưa hết tập sự. Công việc bộn bề nhưng Phòng Xây dựng và Kiểm tra Văn bản, Sở Tư pháp Yên Bái chỉ vỏn vẹn có 5 người. Ít người nên không thể chia mảng miếng, ai cũng phải làm đều các khâu. Chất lượng công việc cũng vì thế mà không thể đòi hỏi “tinh” và “chuyên” được.

Về vấn đề kinh phí, theo ý kiến của Phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, hiện nay pháp luật không có quy định UBND huyện phải xây dựng chương trình ban hành VBQPPL nên không dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác soạn thảo, thẩm định văn bản dẫn đến việc Phòng luôn phải làm “chay” các khâu từ soạn thảo tới  thẩm định đối với những VBQPPL mà UBND, HĐND huyện giao cho. Và, theo quy định hiện hành, Phòng Tư pháp có thể mời các luật sư, chuyên gia am hiểu vấn đề chuyên môn thuộc nội dung dự thảo cùng tham gia thẩm định kể cả với những văn bản do Phòng xây dựng. Nhưng, kinh phí lại không được bố trí và cũng không quy định phải chi trả thế nào... 

Cần bổ sung thêm một quy định về thẩm quyền và quy trình thẩm định VBQPPL

Hiện nay, đối với công tác thẩm định các dự thảo VBQPPL do chính Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chủ trì, nhiều Sở, Phòng đang có kiến nghị bổ sung thêm một quy định về thẩm quyền và quy trình thẩm định VBQPPL do chính Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp soạn thảo theo hướng: đối với các văn bản đơn giản có phạm vi và nội dung điều chỉnh hẹp, ít liên quan đến các cấp, các ngành thì giao cho cơ quan tư pháp thẩm định luôn và không phải báo cáo bằng Báo cáo kết quả thẩm định. Đối với văn bản phức tạp, có phạm vi và nội dung điều chỉnh rộng, ít liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành thì giao cho Giám đốc Sở Tư pháp hoặc Trưởng phòng Tư pháp thành lập Hội đồng thẩm định. Kết quả được thể hiện bằng Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng. Quy định như vậy sẽ chặt chẽ và chất lượng của dự thảo VBQPPL do chính cơ quan tư pháp soạn thảo được đảm bảo.

Bài II: Vai trò của cơ quan tư pháp xã (phường) trong việc tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo VBQPPL do UBND, HĐND cấp xã ban hành: 

QUAN TRỌNG NHƯNG...NẶNG GÁNH 

            Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là một hoạt động chủ yếu trong chức năng, nhiệm vụ của UBND và HĐND. Để VBQPPL do các cơ quan này ban hành đúng thẩm quyền, đúng thủ tục, pháp lý thì vai trò soạn thảo và tham gia ý kiến của Ban Tư pháp xã (phường) là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là gánh nặng đặt lên vai các Ban Tư pháp xã (phường), nhất là trong điều kiện hiện nay.

Vai trò không thể thiếu

            Theo luật định, cấp xã (phường) được phép ban hành 3 loại VBQPPL: Nghị quyết của HĐND, Chỉ thị và Quyết định của UBND. Việc ban hành các VBQPPL đảm bảo đúng thể thức và nội dung là rất quan trọng vì nó thể hiện trình độ quản lý và kiến thức pháp luật của người làm công tác quản lý hành chính.

            Xác định được tầm quan trọng của Ban Tư pháp trong việc đảm bảo tính thể thức và pháp lý của văn bản, tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, khi tiến hành trình tự soạn thảo VBQPPL, thì ngoài việc lấy ý kiến của các thành viên UBND theo quy định tại Điều 45,46 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004, Chủ tịch UBND phường đã ra yêu cầu nhất thiết phải lấy ý kiến của các thành viên Ban Tư pháp. Sự nhất thiết này xuất phát từ nhận định người tham gia xây dựng văn bản luật cần nắm vững đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức về khoa học pháp lý, quản lý và thực tiễn. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, tại phường Hoàng Văn Thụ, những VBQPPL do UBND, HĐND phường ban hành với sự tham gia của các thành viên Ban Tư pháp đã có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương.

            Với tư cách là người chắp bút, người đặt “viên gạch” đầu tiên cho những dự thảo VBQPPL của UBND, HĐND, Ban Tư pháp Thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị một dự thảo. Trước khi soạn thảo văn bản, Ban Tư pháp thường tiến hành khảo sát, thăm dò dư luận, quần chúng, lắng nghe phản hồi từ người dân, nguyện vọng của người quản và đối tượng bị quản lý... để giúp cho nội dung dự thảo có tính khả thi, tính thực tiễn cao. Ngoài ra, cán bộ tư pháp cũng đầu tư nghiên cứu kỹ các văn bản nguồn và điều kiện cụ thể của địa phương mình để đưa vào nội dung dự thảo. Nội dung, từ ngữ của dự thảo được cán bộ tư pháp lựa chọn kỹ sao cho rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với chính cán bộ công chức cũng như các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Lực bất tòng tâm

            Tuy có tiếng nói và vai trò khá quan trọng trong công tác soạn thảo và ban hành VBQPPL của UBND, HDND nhưng công bằng mà nói, đây cũng là gánh nặng đặt trên vai các Ban Tư pháp xã (phường), nhất là trong điều kiện còn eo hẹp về nhân lực như hiện nay.

            Thị trấn Phố Lu có tổng số dân trên 6 nghìn người nên không cần nói cũng có thể hình dung những công việc mà Ban Tư pháp và cán bộ tư pháp-hộ tịch hàng ngày phải thực hiện. Từ đăng ký quản lý hộ tịch, tuyên truyền phố biến pháp luật, cho tới thi hành án dân sự, chứng thực...Công việc nào cũng trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, nhân dân nên đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của cán bộ tư pháp cấp trong khi đó thực tiễn hoạt động biên chế chỉ có đúng một người. Chính vì vậy, thời gian, chất lượng, hiệu quả của việc tham gia xây dựng dự thảo, tham gia ý kiến về mặt pháp lý, xin ý kiến tham gia của tổ chức và công dân cho nội dung dự thảo...còn rất nhiều hạn chế.

            Như nhiều phường khác thuộc các thành phố lớn, cơ số cán bộ làm công tác tư pháp của phường Hoàng Văn Thụ luôn bị động vì cấp trên điều chuyển công tác hoặc bản thân cán bộ xin chuyển công việc. Vì vậy, tuy làm công tác tư pháp nhưng có cán bộ chưa nhận thức được thế nào là văn bản quy phạm và văn bản thông thường, nói gì đến chuyện tham gia soạn thảo và góp ý kiến.

            Bên cạnh vấn đề nhân lực, thì hiện nay ranh giới giữa “quyền” và “trách nhiệm” tham gia góp ý kiến cho nội dung dự thảo VBQPPL do UBND, HĐND ban hành của các tổ chức, cá nhân khác cũng chưa được luật làm rõ. Khoản 1 Điều 4 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 mới chỉ đề cập đến “quyền” của MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân. Là “quyền” nên các tổ chức này có thể tham gia hoặc không tham gia. Như vậy, tính công khai, minh bạch, chất lượng khi xây dựng văn bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

            Xuân Hoa

Đại diện Ban Tư pháp phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng:

            Đối với tình hình thực tế hiện nay, chúng tôi đề nghị Nhà nước nghiên cứu và bổ sung các quy định pháp luật sao cho việc ban hành các VBQPPL đơn giản, gọn nhẹ về thủ tục nhưng vẫn đề cao trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản trên cơ sở thực hiện nguyên tắc rõ người, rõ trách nhiệm