Đây là một trong các giấy tờ ghi nhận tình trạng nhân thân của một người thông qua đó chứa đựng sự quản lý của nhà nước đối với cá nhân và có mối quan hệ về nội dung lẫn nhau. Ngày nay, thông qua việc cải cách hành chính của Nhà nước các thủ tục về đăng ký các giấy tờ nêu trên đã được đơn giản hoá, thông thoáng hơn thông qua các quy định pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn. Nhưng do chưa có sự thống nhất về thủ tục đăng ký, mỗi cơ quan lại có sự hướng dẫn thủ tục khác nhau dẫn đến nhiều sai sót không thống nhất về nội dung các giấy tờ nêu trên gây ra nhiều hệ quả phức tạp cho người dân khi tham gia các giao dịch.
Điển hình, vào năm 1998 ông Nguyễn Văn Khang đến đăng ký hộ khẩu tại Công an xã T.P, thủ tục đăng ký hộ khẩu không yêu cầu xuất trình giấy khai sinh các thành viên trong hộ gia đình. Do khai nhầm tên con mình từ Nguyễn Ngọc Giàu thành Nguyễn Ngọc Giao nên hệ quả kéo theo Giấy chứng minh nhân dân cũng sai sót tương tự trong khi bản chính giấy khai sinh mang tên Nguyễn Ngọc Giàu. Nay đến kỳ thi tốt nghiệp THPT con ông có khả năng bị cấm thi vì tên trong các giấy tờ nêu trên không thống nhất với nhau.
Hiện nay các quy định pháp luật hiện hành về thủ tục đăng ký hộ khẩu, chứng minh nhân dân không quan tâm đến giấy khai sinh trong khi giấy khai sinh là giấy tờ được lập đầu tiên của một cá nhân từ khi sinh ra các giấy tờ đăng ký sau này đều phải có nội dung phù hợp với giấy khai sinh. Do đó nếu thủ tục đăng ký hộ khẩu, chứng minh nhân dân không yêu cầu xuất trình giấy khai sinh thì rất dễ gây ra nhiều sai sót từ phía người đăng ký cũng như cán bộ tiếp nhận xử lý hồ sơ.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần có sự thống nhất về các thủ tục pháp lý khi công dân có yêu cầu đăng ký các giấy tờ nêu trên nhằm hạn chế các sai sót cũng như đảm bảo cho người dân có sự thống nhất nội dung nhân thân khi tham gia vào các giao dịch, quan hệ xã hội./.
Thanh Xuân