1. Về kết quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2008 (Điểm b, mục 5, Phần thứ nhất, từ trang 9-11) đề nghị ghi nhận những nội dung cụ thể sau đây:
- Hệ thống pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý tiếp tục được hoàn thiện: Bộ Tư pháp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định (Quy hoạch mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh và Quyết định thành lập Quỹ TGPL); phối hợp các Bộ liên quan ban hành 03 Thông tư liên tịch (hướng dẫn về tổ chức biên chế; kinh phí của Trung tâm TGPL; phối hợp TGPL đối với cựu chiến binh); Bộ Tư pháp ban hành 02 Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ và quản lý nhà nước về TGPL, thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II; 4 Quyết định...
- Chỉ đạo, hướng dẫn kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và chuyên môn, nghiệp vụ TGPL, cho các Trung tâm, Chi nhánh. Đến nay đã có 55/63 địa phương, UBND tỉnh/thành phố phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy, biên chế của Trung tâm. Các mô hình TGPL tại cơ sở được mở rộng, đến nay có 108 Chi nhánh, 151 Tổ cộng tác viên ở cấp huyện và 2.213 Câu lạc bộ TGPL ở cấp xã. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên TGPL được tăng cường, đến nay trong toàn quốc có 515 cán bộ trợ giúp pháp lý, trong đó có 162 Trợ giúp viên pháp lý, 8.489 cộng tác viên;
- Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT, Bộ Tư pháp đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và 48/63 tỉnh/thành phố đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương. Công tác trợ giúp pháp lý ở nhiều địa phương đã được cấp uỷ, chính quyền quan tâm và chỉ đạo kịp thời hơn. Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực TGPL được tăng cường và đạt kết quả cao.
- Phạm vi hoạt động TGPL ngày càng mở rộng, hoạt động TGPL lưu động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa tiếp tục được đẩy mạnh với những sáng tạo, cải tiến về hình thức đem lại hiệu quả thiết thực, đi vào chiều sâu hơn, đáp ứng nhu cầu TGPL đa dạng của các đối tượng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Đến tháng 10/2008 các Trung tâm đã thực hiện trợ giúp được 82.998 vụ việc, trong đó có 76.950 vụ tư vấn, 517 vụ đại diện, 4.997 vụ bào chữa, 334 vụ kiến nghị, 230 vụ hoà giải. Qua đó đã TGPL cho 86.289 đối tượng (22.896 người nghèo, 11.958 người có công với cách mạng, 18.629 người dân tộc, 4.077trẻ em, 28.729 đối tượng khác). Văn phòng TGPL cho phụ nữ thuộc Cục đã thực hiện được 788 vụ việc, tư vấn tại trụ sở 149 vụ việc, tổ chức 26 đợt TGPL lưu động. Nét mới trong việc thực hiện TGPL năm qua là chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu TGPL của đối tượng.
- Tổ chức thành công hội nghị tập huấn toàn quốc về TGPL, tổ chức 28 hội thảo, toạ đàm về các vấn đề chuyên sâu; thực hiện việc chấm sát hạch và cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL khoá II cho 80 người. Chuẩn bị tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cấp chứng chỉ khoá III vào đầu tháng 12/2008, tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách TGPL trong các các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo có hiệu quả. Hàng ngàn Câu lạc bộ TGPL được thành lập và đi vào hoạt động tại các xã nghèo; nhận thức pháp luật của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Dự án “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam” có hiệu quả và theo đúng cam kết với các nhà tài trợ. Tổ chức nhiều đợt kiểm tra, kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Dự án.
- Triển khai hỗ trợ từ Quỹ TGPL cho 35 Trung tâm TGPL có khó khăn; hoàn thiện nội dung, vận hành và sử dụng mạng website trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
- Công tác kiểm tra, tổ chức và hoạt động TGPL được tăng cường. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tại 45 tỉnh và 04 đoàn kiểm tra liên ngành tại 14 tỉnh nhằm đánh giá kết quả triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành và kiểm tra đánh giá chất lượng hoạt động TGPL.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác trợ giúp pháp lý còn một số khó khăn, hạn chế sau:
- Một số địa phương chưa được UBND tỉnh phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức (8/63 Trung tâm), chưa thành lập Hội đồng phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng (15/63 Trung tâm);
- Đội ngũ cán bộ TGPL ở một số địa phương chưa được củng cố, kiện toàn, biên chế ít, chưa tương xứng với yêu cầu TGPL (Bắc Kạn, Hà Nam...);
- Chất lượng vụ việc TGPL ở một số Trung tâm còn chưa cao; việc thành lập Câu lạc bộ TGPL thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II ở một số địa phương còn chậm.
Nguyên nhân: Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực (biên chế, cơ sở vật chất và kinh phí) cho công tác TGPL; công tác quản lý chất lượng vụ việc ở một số Trung tâm TGPL còn chưa chặt chẽ; việc lựa chọn nguồn cán bộ có đủ điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng cấp Chứng chỉ để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý còn chậm so với yêu cầu đặt ra; một số Trợ giúp viên pháp lý còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia tố tụng;
2. Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trợ giúp pháp lý năm 2009 (Điểm 5, Mục II, Phần thứ hai, trang 25), dự thảo cần tập trung vào các nội dung sau đây:
- Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển hoạt động TGPL đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2010. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TGPL.
- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 792/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015 và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đó.
- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Luật TGPL, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các Trung tâm TGPL theo Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV. Phát triển mạng lưới Chi nhánh, Tổ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và Câu lạc bộ TGPL ở cấp xã.
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của các Trung tâm, Chi nhánh, phát triển đội ngũ Cộng tác viên ở cấp huyện và cấp xã.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động ở vùng sâu, vùng xa và hoạt động trợ giúp cho các đối tượng là người dân tộc, đối tượng chính sách. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/TTLT phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.
- Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II.
- Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Dự án, kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án bảo đảm có hiệu quả, đúng cam kết và theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.
Vũ Hồng Anh - Cục TGPL