Hội thảo giới thiệu về Dự án Khu vực châu Á về phòng chống buôn bán người và vai trò, trách nhiệm của Nhóm công tác kỹ thuật quốc gia

Dự án khu vực châu Á về phòng chống buôn bán người (ARTIP) được hình thành từ một sáng kiến của Chính phủ Ôxtrâylia từ năm 2003, đó là Dự án hợp tác khu vực châu Á phòng chống buôn bán người (ARCPPT), nhằm tăng cường yêu cầu về tư pháp hình sự đối với hoạt động buôn bán người trong khu vực châu Á.

ARTIP được hình thành từ tháng 8/2006 dự kiến thực hiện trong thời gian 5 năm, sẽ tập trung vào đáp ứng về tư pháp hình sự chống buôn bán người, đặc biệt chú trọng nhằm chấm dứt tình trạng các đối tượng buôn bán người mà không bị xử lý, đồng thời đảm bảo các yêu cầu tư pháp đối với nạn nhân. ARTIP được bắt đầu ở Campuchia, Thái Lan, Lào và Myanmar và có thể được mở rộng với các nước ASEAN trong quá trình thực hiện Dự án. Việt Nam tham gia vào giai đoạn hai và đã khai trương Dự án tối 4/12 tại Hà Nội.

ARTIP được hình thành trên cơ sở tin tưởng cho rằng đáp ứng tư pháp hình sự hiểu quả là cần thiết để chấm dứt tình trạng không xử lý được đối tượng buôn bán người và đảm bảo an ninh, tư pháp cho nạn nhân bị buôn bán, trong đó yếu tố quan trọng là khuôn khổ pháp lý khả thi, lực lượng trực tiếp và các cơ quan thực thi pháp luật chuyên trách, có năng lực; hệ thống xác định nạn nhân nhanh chống, chính xác và cơ chế tăng cường hợp tác hiệu quả trong và ngoài nước. ARTIP công tác trong các lĩnh vực gồm: (1) tăng cường đáp ứng thực thi pháp luật chung và chuyên trách đấu tranh chống buôn bán người, trong đó kiến thức, kỹ năng và phối hợp của lực lượng cảnh sát chung và cảnh sát chuyên trách được xác định là yếu tố quan trọng; (2) tăng cường đáp ứng trong truy tố và xét xử, hỗ trợ nâng cao nhận thức và hiểu biết về buôn bán người đối với công tố viên và thẩm phán nhằm đảm bảo những đối tượng buôn bán người đều bị xử lý; (3) tăng cường khuôn khổ chính sách và pháp lý, với việc xác định pháp luật chặt chẽ là nền tảng đáp ứng tư pháp hình sự, ARTIP tư vấn, hỗ trợ Chính phủ trong xây dựng khuôn khổ tư pháp quốc gia liên quan đến đấu tranh chống buôn bán người, hỗ trợ triển khai chính sách ở quốc gia và khu vực.

Theo báo cáo của Chuyên gia ARTIP, những đáp ứng của các cơ quan tư pháp hình sự Khu vực châu Á đối với hoạt động buôn bán người nhìn chung chưa phát huy hiệu quả, nhiều đối tượng buôn bán người phạm tội nhưng chưa được xử lý, nạn nhân ít khi nhận được bồi thường hay được bảo vệ thông qua hệ thống tư pháp hình sự, những hạn chế này bắt nguồn từ các nguyên nhân:

Thứ nhất, sự không đồng nhất về khuôn khổ pháp lý trong xử lý hoạt động buôn bán người: các nước đã ban hành luật về đấu tranh chống buôn bán người, tuy nhiên các luật ít phát huy hiệu quả do công tác triển khai kém, ngoài ra những quy định trong các luật liên quan hỗ trợ giải quyết nạn buôn bán người như quy định về lao động nhập cư, cưỡng bức lao động, mại dâm, rửa tiền, lao động trẻ em, phạm tội có tổ chức…còn nhiều yếu điểm, trong khi đó ở các khu vực khác đã áp dụng quy định gián tiếp này rất thành công để truy tố các đối tượng buôn bán người.

Thứ hai, năng lực tư pháp hình sự còn kém, buôn bán người là một loại tội phạm phức tạp, tuy nhiên lực lượng thực thi pháp luật còn hạn chế. Theo báo cáo của các chuyên gia thì sự yếu kém này gần như cả hệ thống tư pháp từ cảnh sát thực thi đến công tố viên và thẩm phán, đó là không có kỹ năng và nguồn lực cần thiết để xác định, truy tố và xét xử một cách nhanh chống, chính xác và hiệu quả. Đấu tranh phòng chống buôn bán người không được sự ưu tiên ở phần lớn các quốc gia trong khu vực.

Thứ ba, hạn chế trong hợp tác khu vực và xuyên biên giới, hợp tác tư pháp hình sự hiện có giữa các nước chủ yếu về tương trợ tư pháp và dẫn độ, chưa có truyền thống hợp tác đấu tranh chống buôn bán người ở cấp khu vực và song phương, sự hạn chế về trong hợp tác bắt nguồn bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, pháp lý, thực tiễn, nhận thức và chính sách liên quan.

Nhóm công tác kỹ thuật quốc gia (TWG)

TWG do Chính phủ mỗi nước thành lập để hướng dẫn việc triển khai Dự án ở cấp quốc gia với đại diện của một số Bộ, ngành liên quan. TWG có vai trò cung cấp kiến thức chuyên môn và giám sát công việc thực tế để hoàn thành mục tiêu của ARTIP, trách nhiệm của TWG là tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập thông tin liên quan đến mục tiêu của dự án, góp phần phát triển kế hoạch của mỗi nước; giám sát, đánh giá và cố vấn về hoạt động và tiến độ thực hiện của dự án; xác định và phân tích rủi ro có thể xảy ra, phương pháp xử lý và quản lý; tham gia điều phối hoạt động của các nhà tài trợ trong lĩnh vực mà dự án hoạt động.

TTT