Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu quy định 3 nhóm hàng sẽ phải chịu khung thuế suất mới. Nhóm thứ nhất gồm những mặt hàng đang chịu thuế xuất khẩu, cần tăng mức thuế suất. Nhóm thứ hai là những mặt hàng hiện có khung thuế suất là 0% nay đưa vào diện chịu thuế với mức thuế suất tương ứng đối với từng mặt hàng cụ thể (mặt hàng là tài nguyên khoáng sản như than từ 1-20% tăng lên 5% đến 45%, dầu mỏ thu được từ bitum từ 0-2% tăng lên 0-5%...). Nhóm thứ 3 được coi là nhóm “dự phòng” bao gồm tất cả các loại khoáng sản còn lại hiện có mức thuế suất 0%, nay chịu mức khung từ 0 - 40%, 0 -30%... Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng là đưa tất cả các loại kim loại còn lại vào một đối tượng áp dụng thuế suất từ 0% đến 30% (nhóm 15), tất cả các loại xăng dầu (nhóm 19), khí dầu mỏ (nhóm 20) vào áp dụng mức khung từ 0 - 40%... Trong quá trình thảo luận, nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa nhất trí với khung thuế suất đối với một số nhóm hàng nông sản, khoáng sản kim loại, đồng thời còn nhiều ý kiến khác nhau giữa mức sàn và mức trần của khung thuế suất. Tương tự, khi xem xét, cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên với nội dung chính là tăng thuế khai thác hầu hết các loại tài nguyên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng mức thuế suất trần và mức thuế suất sàn; về biên độ khung thuế suất; việc mở rộng khung thuế suất đối với từng nhóm tài nguyên...
Do đó, mặc dù Nghị quyết và Pháp lệnh đã được thông qua nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp, rà soát các quy định về khung thuế, biểu thuế cho phù hợp với thực tế, sau đó tập hợp lại gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, chậm nhất vào ngày 25/11 tới để Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong tháng 12.
Hồng Thúy