Khi tìm hiểu về vấn đề này trong pháp luật một số nước, chúng ta có thể thấy có hai loại thuật ngữ dùng để chỉ khái niệm này như: criminal record hay criminal history record (lý lịch tư pháp hình sự); judicial record hay court record (dùng để chỉ những dữ liệu về các bản án, quyết định của ngành tư pháp, toà án trong đó bao gồm cả các án hình sự và phi hình sự). Để tìm hiểu phương pháp quản lý và cấp lý lịch tư pháp của một số nước từ đó góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam, tham luận bước đầu xin được đề cập đến pháp luật của một số nước, trong đó có chú ý tìm hiểu 02 nước thuộc hệ thống pháp luật Common law(Hoa Kỳ và Vương quốc Liên hiệp Anh) và 01 nước thuộc hệ thống pháp luật Civil law (Cộng hoà Pháp). Do các thông tin và tài liệu tác giả chủ yếu thu thập được thông qua các website, cơ sở dữ liệu pháp luật, một số sách, tạp chí nước ngoài và được tập hợp lại trên dựa vào chủ quan của tác giả, nên chắc chắn không tránh khỏi sai sót. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia để việc nghiên cứu đạt kết quả tốt hơn.
I. Pháp luật một số nước về lý lịch tư pháp
1. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Vấn đề quản lý hệ thống dữ liệu và phạm vi cung cấp lý lịch tư pháp cũng đang là vấn đề hiện gây tranh cãi tại Hoa Kỳ, đặc biệt là trong quan hệ với vấn đề cấm phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động. Theo luật về các quyền dân sự của Liên bang cũng như các bang tại Hoa Kỳ quy định cấm mọi hình thức phân biệt đối xử đối với những người đã bị kết án hình sự và đã chấp hành hình phạt. Từ quy định của luật liên bang, hầu hết các bang đều ban hành các đạo luật nhằm cụ thể hoá quy định về cấm phân biệt đối xử này trong đó hạn chế việc các cá nhân, tổ chức kiểm tra lý lịch tư pháp của một người. Hiện nay, nhất là trong quá trình tuyển chọn lao động làm việc trong các ngành dịch vụ đặc thù, nhu cầu kiểm tra lý lịch tư pháp ngày càng gia tăng và những tổ chức tuyển dụng lao động đã có những kiến nghị với Quốc hội liên bang cũng như Quốc hội của các bang mở rộng hơn nữa quyền của các tổ chức này trong việc kiểm tra lý lịch tư pháp của người lao động.
Trong bối cảnh đó, vấn đề quản lý và cấp lý lịch tư pháp như thế nào cũng đang là vấn đề đặt ra cho các nhà lập pháp Mỹ. Dưới đây chúng ta tìm hiểu một số nội dung chính có liên quan đến quản lý và cấp lý lịch tư pháp, đó là: các cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu và vấn đề tiếp cận đối với hệ thống cơ sở dữ liệu này.
1.1. Các cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp và cơ quan quản lý.
Hoa Kỳ không có một văn bản pháp lý riêng quy định về việc tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý và cấp lý lịch tư pháp của các cá nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản chất của cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là nơi lưu trữ các thông tin có liên quan đến tình trạng pháp lý, các chế tài, hình phạt, biện pháp pháp lý đã áp dụng với một cá nhân thì chúng ta cũng có thể thấy ở Hoa Kỳ hệ thống các dữ liệu này cũng khá phong phú.
Do đặc điểm của quốc gia liên bang, các "kho" dữ liệu về lý lịch tư pháp của công dân Mỹ cũng được lưu trữ ở cả các cơ sở dữ liệu của liên bang cũng như các cơ sở dữ liệu của từng bang. Ngoài ra, căn cứ theo quy định của các đạo luật liên quan đến tư do thông tin công cộng của Hoa Kỳ, nhiều tổ chức tư nhân cũng đã tập hợp những thông tin công khai của chính quyền và xây dựng những hệ cơ sở dữ liệu thông tin của riêng mình nhằm mục đích cung cấp cho những người có nhu cầu.
a/Ở cấp độ liên bang:
- Hệ thống tàng thư căn cước tội phạm của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI.
Có thể thấy cơ sở dữ liệu quan trọng nhất chứa đựng lý lịch tư pháp của các cá nhân là hệ thống thông tin tội phạm của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI. Hệ thống này sử dụng phương pháp lưu trữ các tàng thư căn cước của tội phạm. Đây là một trong những hệ cơ sở dữ liệu nằm trong hệ thống dữ liệu điện tử chính thống của liên bang.
Việc sử dụng vân tay để xác định công dân đã lần đầu tiên được áp dụng tại Mỹ từ năm 1902. Từ việc lưu trữ các dấu vân tay của công dân, các nhà tù của Hoa Kỳ đã sử dụng đặc điểm không thể trùng lắp của hệ thống này để xác định tội phạm. Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20, ngày càng nhiều các cơ quan cảnh sát địa phương ở Mỹ sử dụng hệ thống tàng thư căn cước này để xác định tội phạm và để quản lý thống nhất vào một đầu mối, ngày 1/07/1921 Quốc Hội liên bang Hoa Kỳ đã ban hành một đạo luật thiết lập Phòng quản lý căn cước trực thuộc Cục Điều tra liên bang Mỹ FBI với chức năng thống nhất lưu trữ các hồ sơ căn cước tội phạm. Năm 1933, Uỷ ban về các dịch vụ dân sự Hoa Kỳ (nay là Văn phòng quản lý nhân sự liên bang) đã giao thêm cho Phòng quản lý căn cước của FBI nhiệm vụ quản lý hơn 140.000 hồ sơ căn cước của công chức phục vụ cho bộ máy chính quyền liên bang và bang. Đến năm 1992, Phòng căn cước đã được tái thiết lập lại với tên gọi mới là Phòng về các dịch vụ thông tin tội phạm tư pháp ( Criminal Justice Information - CJIS). Phòng CJIS hiện có hai chức năng chính là duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu về tội phạm (bao gồm cả các lệnh truy nã, các quyết định bắt giam, thi hành hình phạt, các quyết định phóng thích phạm nhân) và cung cấp dịch vụ có liên quan đến kiểm tra, xác định tội phạm và lý lịch tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền của liên bang, các bang và các các cá nhân được quyền tiếp cận hệ thống thông tin này theo quy định của pháp luật. Hệ thống tàng thư căn cước này lưu trữ đến hơn 41 triệu thông tin liên quan đến tội phạm, và hàng ngày có trung bình có khoảng 7.000 thông tin được cập nhật mới.
Trước tiên, có thể thấy rằng mục đích sử dụng của hệ cơ sở dữ liệu này trước hết là nhằm phục vụ cho các công việc đấu tranh và phòng ngừa tội phạm của Cục điều tra liên bang. Do vậy, các thông tin trong dữ liệu cũng được lưu trữ dưới các tiêu chí nhằm phục vụ cho các cơ quan điều tra, công tố của chính quyền là chính, việc sử dụng hệ cơ sở dữ liệu vào mục đích kiểm tra và cấp lý lịch tư pháp hình sự của một cá nhân chỉ là mục đích thứ yếu.
- Hệ cơ sở dữ liệu của ngành tư pháp.
Hầu hết các Toà án liên bang Mỹ đã tiến hành tin học hoá và các bản án, các thống kê về tội phạm được đưa lên trên trang web của các toà án này, trừ những trường hợp đặc biệt không công khai. Đây cũng là một nguồn cơ sở dữ liệu có lưu trữ các thông tin liên quan đến các chế tài, hình phạt và biện pháp pháp lý của một cá nhân do Toà án tuyên và cũng có thể được sử dụng vào mục đích kiểm tra về lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, các vụ việc do Toà án liên bang xét xử chủ yếu là những vụ việc hình sự đặc biệt nghiêm trọng như giết người, buôn bán ma tuý, tội phạm có tổ chức... và theo thống kê chỉ chiếm 10% tổng số tội phạm trên phạm vi toàn nước Mỹ hàng năm.
b/ Ở các bang.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu về tội phạm của bang.
Hiện nay, tại Hoa Kỳ hầu hết các bang (trừ bang Califolia)[1] đã có hệ cơ sở dữ liệu về tội phạm trong phạm vi lãnh thổ của bang mình được cập nhật trong từng năm dựa trên các phán quyết đã được tuyên bởi toà án bang. Hệ thống dữ liệu này là công khai và mọi người đều có thể tiếp cận theo luật về tự do thông tin. Tất nhiên, mục đích của hệ cơ sở dữ liệu này cũng không phải là để quản lý và cấp lý lịch tư pháp cho những tổ chức, cá nhân có yêu cầu mà là nhằm mục đích chính là thống kê tội phạm xảy ra trên từng bang của nước Mỹ.
- Hệ thống lưu trữ của các Toà án cấp bang.
Hầu hết các toà án bang đều có các ghi chép và lưu trữ các thông tin có liên quan đến lý lịch tư pháp, không chỉ trong lĩnh vực hình sự mà còn cả trong các lĩnh vực khác như: các chế tài xử phạt đối với các tội vi phạm giao thông, việc thay đổi họ tên, quyết định ly hôn, vấn đề phá sản... Hệ thống tài liệu này được lưu trữ dưới các hình thức như: tập biên bản làm việc của Toà án (minute book), tập ghi chép các hoạt động (Register of action), tập thông tin về phán quyết (judgment book) và tập các án lệ (case files).
Ngoài các hệ cơ sở dữ liệu chính nói trên, còn có các cơ sở dữ liệu khác cũng lưu trữ các thông tin về lý lịch tư pháp như: cơ sở dữ liệu của cơ quan lưu trữ liên bang và các bang của Hoa Kỳ, cơ sở dữ liệu do các tổ chức tư nhân tự xây dựng dựa trên các hệ cơ sở dữ liệu cho phép tiếp cập công khai (các cơ sở dữ liệu tội phạm của bang, các cơ sở dữ liệu về án lệ của toà án). Theo luật của Hoa Kỳ, các dữ liệu công và các tài liệu khác do các cơ quan Nhà nước ghi lại sau một thời gian nhất định đều phải đưa vào hệ thống lưu trữ của liên bang cũng như của các bang. Do vậy, hệ cơ sở dữ liệu của cơ quan lưu trữ rất phát triển, lưu trữ các thông tin đa dạng từ các quyết định hành chính đến cả quyết định của các cơ quan tư pháp. Các hệ cơ sở dữ liệu của các tổ chức tư nhân cũng ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu thông tin của các cá nhân, tổ chức vì nhiều mục đích khác nhau.
1.2. Phạm vi lưu trữ thông tin của các cơ sở dữ liệu có liên quan đến lý lịch tư pháp.
Qua nghiên cứu, có thể thấy các cơ sở dữ liệu có liên quan đến lý lịch tư pháp ở Hoa Kỳ có phạm vi lưu trữ thông tin khá rộng.
- Đối với "kho" dữ liệu lớn nhất là hệ thống tàng thư căn cước của FBI thì ngoài việc lưu trữ về án tính còn lưu trữ cả các thông tin khác như: các lệnh bắt, lệnh truy nã... và cả những thông tin liên quan đến các biện pháp xử lý của Toà án áp dụng đối với các hành vi chưa được coi là tội phạm hình sự như: xử lý các đối tượng gây rối trật tự công cộng, phạt do vi phạm luật lệ giao thông.v.v.. Tóm lại, hệ thống của FBI lưu trữ tất cả những thông tin mà họ thu thập được liên quan đến việc vi phạm pháp luật của các cá nhân để phục vụ cho công tác điều tra khám phá tội phạm. Gần đây, kho dữ liệu về tàng thư căn cước của FBI đã chia làm hai thư mục riêng: một thư mục chuyên lưu trữ các thông tin về án tích phục vụ cho mục đích kiểm tra lý lịch tư pháp và một thư mục là các thông tin liên quan đến tội phạm (lệnh bắt, truy nã, các thông báo tội phạm...) phục vụ cho mục đích điều tra khám phá tội phạm.
Đối với các hệ thống lưu trữ của cơ quan Toà án thì có thể tìm thấy ở đây hầu hết các quyết định của Toà án, từ quyết định phạt tước bằng lái xe, phạt lao động công ích do gây rối trật tự công cộng đến các án hình sự nghiêm trọng như tử hình.
1.3. Vấn đề tiếp cận đối với các cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp.
Các thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp của một người là vấn đề khá nhạy cảm. Ở Hoa Kỳ, giải quyết vấn đề này còn phải giải quyết mối quan hệ giữa hai loại quyền: quyền được tiếp cận các hệ dữ liệu công cộng của quốc gia và quyền giữ bí mật riêng tư, cấm phân biệt đối xử đối với những người đã phải chịu các hình phạt của toà án.
a/ Tiếp cận với hệ cơ sở dữ liệu tàng thư căn cước tội phạm của FBI: việc tiếp cận với cơ sở dữ liệu của FBI được quy định khá chặt chẽ. Các thông tin này hầu hết chỉ được cung cấp cho các cơ quan tư pháp có thẩm quyền (như cơ quan điều tra, toà án) và cho chính những cá nhân có yêu cầu kiểm tra lý lịch tư pháp của bản thân. Quy định này nhằm tránh việc phân biệt đối xử đối với những người đã từng có án tích, đặc biệt trong việc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, mỗi bang của Hoa Kỳ cũng ban hành những luật riêng quy định một số loại đối tượng nhất định khác được tiếp cận vào hệ thống thông tin này vì mục đích tuyển dụng lao động. Ví dụ như tại bang New-York, một số ngành nhất định khi tiến hành tuyển dụng lao động có thể tiếp cận hệ thống này để kiểm tra nhân thân của người xin việc làm như: dịch vụ công cộng (thuộc Nhà nước); chăm sóc trẻ em và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà; có tổ chức tài chính và các bảo tàng; làm việc tại trường học và lái xe chuyên chở học sinh tới trường. Tuy nhiên, để thực hiện quyền này, khi tiến hành tuyển dụng thì các nhà tuyển dụng phải thông báo rõ ràng những trường hợp người phạm tội nào thì không được tuyển dụng cho người lao động được biết.
Hiện nay, FBI đã hoàn thiện hệ thống truy cập điện tử vào hệ thống tàng thư căn cước có tên gọi Intergarated Automated Fingerprint Identification System (IAFIS) khá hiện đại giúp quá trình tìm kiếm và truy xuất thông tin về lý lịch tư pháp được thực hiện một cách nhanh chóng. Chi phí cho việc lấy thông tin lý lịch tư pháp khoảng 24 đô la Mỹ cho một bản kiểm tra lý lịch tư pháp.
b/ Tiếp cận với cơ sở dữ liệu tội phạm của các bang, cơ sở dữ liệu của ngành tư pháp và các cơ sở dữ liệu của cơ quan lưu trữ, của các tổ chức tư nhân: Như trên đã phân tích, các tổ chức tư nhân, các nhà tuyển dụng tư nhân ở Hoa Kỳ không được phép sử dụng hệ thống tàng thư căn cước của FBI để kiểm tra nhân thân của các cá nhân nhằm đảm bảo thực hiện quy định về cấm phân biệt đối xử. Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn có thể kiểm tra lý lịch tư pháp thông qua các kênh khác. Đạo luật về thông báo độ tin cậy (Fair Credit Reporting Act - FCRA[2]) được Quốc Hội Liên bang Mỹ ban hành năm 1998, sửa đổi ngày 7/1/2002 cho phép thành lập các tổ chức tư nhân làm dịch vụ thông báo thông tin về độ tin cậy của cá nhân (Creadit Reporting Agencies). Các tổ chức này được phép làm dịch vụ cho khách hàng (chủ yếu là các nhà tuyển dụng lao động, các ngân hàng...) để cung cấp thông tin liên quan đến những người lao động và khách hàng. Trong trường hợp không tiếp cận được hệ thống tàng thư căn cước của FBI, các tổ chức này sẽ tổ chức tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác nhau như: cơ sở dữ liệu tội phạm của của bang (là công khai), cơ sở dữ liệu về án lệ của toà án.... và thậm chí tự xây dựng một cơ sở dữ liệu cho riêng mình để thực hiện mục đích này. Ngoài ra, để đảm bảo quyền của những lao động, đạo luật FCRA cũng quy định các tổ chức cung cấp thông tin chỉ được cung cấp các thông tin tối đa trong thời hạn 7 năm tính từ thời điểm hiện tại. Một số bang còn có quy định thắt chặt hơn ví dụ như chỉ cho phép cung cấp thông tin đối với những án tích hình sự, không được cung cấp các thông tin liên quan đến các án tính phi hình sự (ở Hoa Kỳ Toà án phán xử cả các bản án hình sự lẫn những vi phạm mà ở Việt Nam coi đó là vi phạm hành chính, chưa đến mức xử lý hình sự như: gây rối trật tự công cộng, vi phạm luật giao thông...).
Hiện nay, dựa vào các quy định của đạo luật về tự do thông tin của Liên bang (The Freedom of information Act 5 U.S.C. § 552), Các tổ chức dịch vụ này ngày càng gây sức ép yêu cầu Quốc Hội phải mở rộng quyền truy cập vào hệ thống tàng thư căn cước của FBI nhưng hiện tại Quốc Hội vẫn chưa cho phép. Ngược lại, các tổ chức bảo vệ người lao động thì gửi rất nhiều yêu cầu cho Quốc Hội đề nghị hạn chế thẩm quyền của các Tổ chức thông tin về độ tin cậy của cá nhân vì theo họ các tổ chức này đã lạm dụng thẩm quyền, có nhiều báo cáo thiếu độ chuẩn xác và vi phạm pháp luật gửi cho các đơn vị tuyển dụng lao động dẫn đến sự đối xử bất bình đẳng trong lĩnh vực tuyển dụng lao động.
2. Vương quốc liên hiệp Anh
Vương quốc Liên hiệp Anh (United Kingdom of Great Britain - sau đây gọi tắt là nước Anh) bao gồm 3 quốc gia trên đảo Anh[3], các đảo tự trị chung quanh, các lãnh thổ tự trị. Khác với Hoa Kỳ, vấn đề quản lý và cấp lý lịch tư pháp hình sự (criminal record) là một vấn đề được quan tâm và Luật cảnh sát năm 1997 (Police Act 1997[4]) của nước Anh đã dành hẳn Phần V để quy định vấn đề này. Phần V của đạo luật về cảnh sát gồm có 15 mục (từ Mục 112 đến Mục 127) quy định khá chi tiết về các vấn đề liên quan đến quản lý và cấp lý lịch tư pháp từ đối tượng được cấp, cơ quan quản lý hồ sơ đến các loại Phiếu lý lịch tư pháp khác nhau cấp cho đương sự.
2.1. Cơ quan quản lý, cơ sở dữ liệu.
Bộ Ngoại giao (The Secretary of State) là cơ quan được giao quản lý và cấp lý lịch tư pháp tại Anh. Giúp việc cho Bộ Ngoại giao có hai cơ quan trung ương quản lý:
- Văn phòng về lý lịch tư pháp hình sự của Scoland. Văn phòng này được thành lập năm 1960 với nhiệm vụ quản lý và cung cấp các thông tin về lý lịch tư pháp cho cảnh sát Scoland và cộng đồng nhằm trợ giúp cho hoạt động ngăn ngừa và phát hiện tội phạm, nâng cao an toàn công cộng. Văn phòng này sẽ cấp lý lịch tư pháp cho công dân của Scoland. Văn phòng của Scoland hiện quản lý hệ thống tàng thư căn cước của Scoland và làm đầu mối cho Hệ thống liên kết thông tin tội phạm của Scoland (The Integration of Scottish Criminal Justice Information Systems- ISCJIS).
- Cục lý lịch tư pháp hình sự (The Crimial Record Bureau - CRB) được thành lập trên cơ sở của Luật cảnh sát 1997. Cục cung cấp thông tin liên quan đến lý lịch tư pháp hình sự của các cá nhân cư trú tại Vương quốc Liên hiệp Anh trừ Scoland. Phiếu lý lịch tư pháp do Cục cấp do cũng thừa uỷ quyền của Bộ Ngoại giao.
2.2. Phạm vi thông tin lưu trữ.
Cơ sở dữ liệu chứa đựng các thông tin về lý lịch tư pháp là hệ thống máy tính của cảnh sát Quốc gia (The Police National Computer - PNC). Hệ thống này chỉ lưu trữ các thông tin về những tội hình sự mà không lưu trữ các thông tin phi hình sự (chẳng hạn các vi phạm về luật giao thông không được ghi nhận trong hệ thống này).
Về nguyên tắc, các tội danh được lưu trữ trong hệ thống Máy tính cảnh sát quốc gia trong thời hạn 10 năm nếu người phạm tội không phạm tội mới trong thời gian đó. Đối với biện pháp phạt cảnh cáo, thời hạn này là 5 năm. Theo quy định của Luật dữ liệu quốc gia và hướng dẫn của Hiệp hội cảnh sát trưởng (ACPO), hết thời hạn trên các án tính sẽ được xoá khỏi hệ thống Máy tính cảnh sát quốc gia (PNC) trừ trường hợp:
- Có nhiều hơn hoặc bằng ba tội của cùng một đối tượng. Trong trường hợp này thì dữ liệu sẽ được lưu trữ trong vòng 20 năm.
- Chịu án phạt tù (kể cả án treo) từ 6 tháng trở lên. Trong trường hợp này dữ liệu sẽ được lưu trữ suốt đời của người đó.
- Liên quan đến các tội danh quấy rối tình dục; buôn bán, tàng trữ ma tuý; tội phạm sử dụng thuốc độc bảng A. Trường hợp này dữ liệu cũng được lưu trữ suốt đời của người phạm tội.
- Bị phát hiện là không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự (bị điên, tâm thần) và phải chịu hình phạt chữa bệnh bắt buộc theo quy định của Luật về sức khoẻ tâm thần (Mental Health Act), dữ liệu cũng được lưu giữ suốt đời.
- Phạm các tội liên quan đến trẻ em và những đối tượng dễ bị tổn thương khác mà lỗi là cố ý, thì dữ liệu cũng được lưu giữ suốt đời.
2.3. Vấn đề tiếp cận đối với các cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin về lý lịch tư pháp.
Theo Phần V Luật về cảnh sát 1997 thì về nguyên tắc, các cá nhân được tiếp cận và đề nghị Cục Lý lịch tư pháp hoặc Văn phòng về lý lịch tư pháp Scoland cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Các tổ chức cũng có thể tiếp cận và đề nghị cấp các Phiếu lý lịch tư pháp nếu được đương sự cho phép.
Có 3 loại Phiếu lý lịch tư pháp với 3 cấp độ khác nhau:
- Loại Phiếu số 1: Phiếu về các tội hình sự đã bị kết án (Criminal conviction certificate) trong đó ghi nhận các tội hình sự của đương sự đã bị kết án. Phiếu này không ghi các tội đã được xoá án tích theo quy định của Luật về Tái hoà nhập cộng đồng của tội phạm năm 1974 (Rehabilitation of Offenders Act 1974). Loại phiếu này được cấp cho bất cứ cá nhân nào nộp đơn vào được gọi là Phiếu cơ bản (Basic Disclosures).
- Loại Phiếu số 2: Phiếu lý lịch tư pháp hình sự (Criminal Record Certificate) ghi nhận bất cứ tội hình sự nào của đương sự, kể cả các tội đã được xoá án tính cũng như hình phạt cảnh cáo. Loại phiếu này cũng được cấp cho bất cứ công dân nào nộp đơn và khác so với việc xin cấp loại phiếu số 1 là người này phải nộp kèm theo bản tuyên bố của tổ chức, người đã yêu cầu đương sự trình Phiếu thứ 2 rằng sử dụng Phiếu này vào mục đích phục vụ cho việc loại trừ người không đủ điều kiện (chẳng hạn như phạm một số tội quy định không cho phép tiếp tục hành một số nghề nhất định). Loại phiếu này được gọi với tên gọi là Phiếu nền (Standard Disclosures).
- Loại Phiếu thứ 3: Phiếu lý lịch tư pháp nâng cao (Enhanced criminal record certificates - còn được gọi tắt là Enhanced Disclosures - Phiếu nâng cao) là loại Phiếu ghi nhận các thông tin gồm: tất cả các thông tin về án tính và hình phạt cảnh cáo; bất cứ thông tin khác có liên quan đến mục đích của việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp này, kể cả ý kiến của Cơ quan lý lịch tư pháp về tính phù hợp giữa nhân thân của người được cấp lý lịch tư pháp và vị trí anh ta đang xin làm (trong trường hợp tuyển dụng lao động). Có khá nhiều điều kiện đặt ra đối với người nộp đơn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nâng cao này. Theo quy định của Mục 115 của Luật về cảnh sát 1997, người nộp đơn đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp nâng cao phải nộp kèm đơn văn bản của người đã yêu cầu họ trình phiếu lý lịch tư pháp nhằm phục vụ việc loại trừ trong các trường hợp sau:
a/ Xin việc vào vị trí liên qua đến chăm sóc, giáo dục, quản lý người vị thành niên. Trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Văn phòng Nhà nước, một số vị trí liên quan đến chăm sóc người trên 18 tuổi (ở trường hợp này thường là những người tàn tật, người già) cũng phải kiểm tra lý lịch tư pháp nâng cao để đảm bảo tránh hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra;
b/ Cấp các chứng chỉ, giấy phép kinh doanh theo luật về đánh bạc 1968 (Gaming Act 1968);
c/ Đăng ký hoặc chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số hoặc các trò vui chơi có thưởng khác theo quy định của Luật về Xổ số và vui chơi có thưởng 1976 (Lotteries and Amusement Act 1976);
d/ Cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Mục 5 và Mục 6 của Luật xổ số quốc gia năm 1993 liên quan đến việc điều hành và quảng bá xổ số;
đ/ Đăng ký hành nghề chăm sóc trẻ em tại nhà;
e/ Mở nhà trẻ theo Luật về Trẻ em 1989.
Đơn của người yêu cầu cấp lý lịch tư phải có có cả chữ ký của người, tổ chức đã yêu cầu họ. Phiếu lý lịch tư pháp nâng cao sau đó sẽ được cấp một bản cho cả người đã yêu cầu người nộp đơn yêu cầu cấp lý lịch tư pháp.
Về lệ phí, về nguyên tắc người nộp đơn phải nộp lệ phí. Có nhiều mức phí khác nhau nhưng trung bình là khoảng 12 bảng Anh cho một Phiếu lý lịch tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay ở Anh theo quy định của Bộ Ngoại giao đối với những trường hợp xin cấp lý lịch tư pháp để chứng minh đủ điều kiện làm tình nguyện viên cho các công việc liên quan đến chăm sóc trẻ em và người già, người tàn tật thì được miễn phí.
Nội dung đơn yêu cầu cấp lý lịch tư pháp thường gồm các mục như:
- Thông tin của người nộp đơn gồm: tên; giới tính; ngày sinh; nơi sinh; địa chỉ hiện tại; ngày đến cư trú tại địa chỉ hiện tại; địa chỉ cũ trong vào 10 năm trở lại đây (bao gồm cả thời gian cư trú); số điện thoại (nếu có); số bảo hiểm xã hội; số hộ chiếu; số bằng lái xe (nếu có); loại Phiếu đề nghị (cơ sở, nền hay nâng cao); lý do xin cấp; tuyên thệ lời khai đúng sự thật; chữ ký; ngày nộp đơn.
- Thông tin của người đã đề nghị người nộp đơn (chỉ áp dụng trong trường hợp xin Phiếu nền và Phiếu nâng cao): loại tổ chức; tên gọi; vị trí mà tổ chức đang cân nhắc tuyển dụng; chỉ rõ quy định của pháp luật trao quyền cho họ yêu cầu đương sự nộp phiếu lý lịch tư pháp; chữ ký.
3. Cộng hoà Pháp
3.1. Lịch sử hình thành và phát triển của cơ quan quản lý lý lịch tư pháp. Ngay thời kỳ cổ đại ở Châu Âu, việc xem xét đương sự đã lần nào bị tuyên án hình sự chưa đã được đặt ra. Ngược dòng lịch sử để nhìn lại những hình thức khác nhau ghi nhớ các án hình sự thì phải nói rằng trong thời kỳ lịch sử xa xưa, Pháp đã áp dụng những biện pháp rất nặng đối với các tội phạm chẳng hạn như hình thức nung thanh sắt đỏ rồi đóng dấu lên cơ thể kẻ phạm tội. Việc đóng dấu này vừa là một hình thức ghi nhớ vừa là một hình thức tra tấn đối với kẻ phạm tội. Điều đó có nghĩa là bằng cách này hay cách khác, người ta có thể ghi lại dấu ấn để khi kẻ phạm tội đi lại trong thành phố với những dấu ấn đó, người ta có thể nhận ra đó là kẻ tội phạm. Điều này rất có ích vì thời đó, người ta ít đi du lịch và như vậy, tất cả mọi người có thể nhận ra kẻ cắp của thành phố nơi mình ở.
Trong thời đại giao lưu quốc tế mở rộng, cách thức này không còn hiệu quả nữa và được thay thế bởi một cách thức mới. Cách thức ghi lý lịch tư pháp ban đầu được tổ chức theo đơn vị là các Toà án, mỗi Toà án có một sổ bộ để ghi lại các án tích mà Toà án đã tuyên trong năm; các bản án được ghi lại theo trình tự và có đề tên người bị kết án. Tất nhiên, với các ghi chép có mục lục, việc tra cứu dễ dàng hơn vì dựa vào mục lục, người ta có thể sớm tìm kiếm được trong những năm ấy, một người đã bị kết án nhiều lần hay chưa. Nhưng cách ghi lý lịch tư pháp theo Toà án cũng không ổn trong trường hợp đương sự thay đổi nơi cư trú thường xuyên chứ không sống tĩnh tại ở một thành phố hay một địa phương. Cái mà người ta mong muốn là có được lý lịch tư pháp tổng hợp và đầy đủ về một cá nhân mình muốn có. Để làm được việc này, mỗi Toà án, song song với việc ghi lý lịch tư pháp tức là những án tích tại Toà, phải gửi một bản sao đến trung ương để tổng hợp. Như vậy, ở cấp trung ương, người ta có thể tra cứu các án tích liên quan đến một cá nhân căn cứ vào mục lục của sổ bộ ghi nhớ các án tích của các Toà án địa phương đã được tổng hợp lại. Ở thời kỳ đó, có đến hàng trăm Toà hình sự mà làm theo cách ghi nhớ từ năm này sang năm khác thì rất khó tổng hợp một khối lượng thông tin án tích lớn. Để tránh tình trạng chồng chất các án tính, một thẩm phán người Pháp đã có sáng kiến thành lập lý lịch tư pháp. Ý tưởng thứ nhất đến bây giờ cũng không thay đổi lắm, sổ bộ ghi chép lý lịch tư pháp được thay bằng các phiếu động. Các phiếu ghi hàng năm được xếp theo thứ tự bảng chữ cái alphanbe theo từng cá nhân thì thuận tiện cho việc tra cứu lý lịch tư pháp của từng người. Ý tưởng thứ hai là việc phân bổ theo địa hạt đối với lý lịch tư pháp, bởi vì ở thời kỳ đó, không thể quản lý hàng triệu phiếu viết tay tại một cơ quan trung tâm được.Vì không thể làm tập trung tại một nơi nên phải làm phân tán, có nghĩa là phân bổ lý lịch tư pháp theo địa hạt, cụ thể là theo nơi sinh của đương sự. Ở Pháp, các giấy tờ về hộ tịch do Thị trưởng lập ra, một bản được lưu lại, một bản được gửi cho các Toà án. Như vậy, ở thời kỳ đầu, việc phân bổ theo địa phương, theo nơi sinh của đương sự quy định rằng lý lịch tư pháp được quản tại Toà án nơi sinh của đương sự, bên cạnh bộ quản lý các giấy tờ về hộ tịch. Việc chọn Toà án nơi sinh của đương sự bảo đảm sự ổn định lâu dài và cho phép trong trường hợp cần thiết, có thể tập trung được thông tin một cách dễ dàng. Dù đương sự thay đổi nơi cư trú, nhưng các án tích, các quyết định của Toà án sẽ được tập trung về Toà án nơi người đó sinh ra. Như vậy, để tra cứu các tiền án của đương sự, chỉ cần yêu cầu Toà án ở địa phương nơi người đó sinh ra cung cấp thông tin. Đó là nguồn gốc của lý lịch tư pháp theo phát minh của một thẩm phán người Pháp cách đây 150 năm.
Ngày nay, nhu cầu sử dụng lý lịch tư pháp ngày càng phổ biến ở Pháp. Không chỉ có Toà án mới có yêu cầu sử dụng lý lịch tư pháp mà còn có cả các cơ quan quản lý Nhà nước và những người chủ lao động. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng lý lịch tư pháp để quản lý một số nghề cần giám sát. Tuy nhiên, các tổ chức ghi chép, quản lý lý lịch tư pháp theo lối thủ công không đáp ứng được nhu cầu lâu dài. Hạn chế đầu tiên của cách ghi lý lịch tư pháp bằng các phiếu rời là các phiếu rất dễ bị thất thoát hoặc bị xáo trộn. Việc quản lý lý lịch tư pháp theo nơi sinh của đương sự sẽ có bất lợi trong trường hợp đương sự là một người Pháp nhưng không sinh ở Pháp. Để tránh những kiếm khuyết đó, Pháp đã thành lập Cơ quan lý lịch tư pháp để quản lý lý lịch tư pháp.
Cơ quan lý lịch tư pháp quốc gia Pháp trực thuộc Bộ Tư pháp. Hiện có khoảng 350 viên chức làm việc trong Cơ quan lý lịch tư pháp, trong đó hai phần ba trong số nhân viên làm việc trong lĩnh vực xử lý, lưu trữ lý lịch tư pháp. bên cạnh phòng các vấn đề pháp lý, còn có hai bộ phận khác, một bộ phận có trách nhiệm nhận các hồ sơ, giấy tờ gửi đến, chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ gửi đi, đây đích thực là một "xưởng" quản lý đầu vào, đầu ra của Cơ quan lý lịch tư pháp. Mỗi ngày, Cơ quan lý lịch tư pháp quốc gia nhận được trên 5.000 thông tin mới cần lưu vào lý lịch tư pháp và cấp ra khoảng 20.000 thông tin. Với số lượng thông tin nhập vào và cấp ra lớn như vậy, có thể tưởng tượng khối lượng giấy rất lớn cần phải sử dụng. Phòng thứ tư của Cơ quan lý lịch tư pháp là phòng tin học, nhưng làm việc ở đây không phải là các kỹ sư máy tính mà là các luật gia, các cán bộ pháp lý am hiểu lĩnh vực tin học và họ làm việc với các chuyên gia máy tính để cùng xử lý các vấn đề tin học của cơ quan.
2.1.2. Nội dung những thông tin ghi nhận trong cơ sở dữ liệu.
Bản chất từ xa xưa của lý lịch tư pháp cho đến nay vẫn không thay đổi nhiều với khoảng trên 90% các thông tin được lưu trữ là các thông tin về bản án hình sự. Đối với tội vi cảnh, chúng tôi chỉ ghi những tội vi cảnh mức nặng nhất vào lý lịch tư pháp, tức là những tội theo đó Toà án có thể tuyên bố treo hoặc truất một quyền nào đó của đương sự, ví dụ như: truất quyền lái xe, cấm tiếp tục hành nghề thương mại trong tương lai...
3.2. Cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ở Pháp có 3 loại phiếu lý lịch tư pháp cấp cho 3 đối tượng khác nhau: Phiếu số 1 cấp cho các cơ quan tư pháp; Phiếu số 2 cấp cho các cơ quan hành chính; Phiếu số 3 cho các cá nhân.
a/ Phiếu số 1: Phiếu số 1 chủ yếu cấp cho các cơ quan điều tra nhằm mục đích điều tra, truy tố tội phạm. Phần trên của phiếu này ghi nguồn gốc của tài liệu nghĩa là Cơ quan lý lịch tư pháp ở Pháp và loại tài liệu: Phiếu số 1. Phía bên trái ghi ngày tháng tài liệu được cấp, sau đó ghi họ tên ngày tháng năm sinh, nơi sinh của người mà tài liệu có liên quan. Phía bên phải, đối diện với phần ghi căn cước là phần ghi địa chỉ của người nhận, đối với Phiếu số 1, người nhận luôn là một cơ quan tư pháp và thường là Viện Công tố. Sau đó là các dữ liệu về cơ quan tư pháp này. Tiếp theo trang đầu tiên là các phiếu kèm theo ghi lại lý lịch tư pháp của đương sự. Thông tin trên các trang này được ghi lại theo thứ tự thời gian, không phải là thời điểm đưa thông tin đó vào lý lịch tư pháp mà là thời gian thực tế trong đời sống tư pháp của đương sự.
b/ Phiếu số 2: Phiếu số 2 chủ yếu được cấp cho các cơ quan hành chính nhà nước. Mục đích cấp phiếu số 2 là giúp cho các cơ quan hành chính kiểm tra xem đương sự có thể trở thành viên chức, có thể hành một số nghề nhất định theo quy định của pháp luật hay không.
Phiếu số 2 không lưu ý đến tính tổng thể của các thông tin như trong Phiếu số 1. Những xử phạt vi phạm hành chính, những án tích nhẹ nhất thì không được ghi trên Phiếu số 2. Kể cả những bản án được tuyên đối với trẻ vị thành niên cũng không được ghi trên phiếu này, bởi vì trong hệ thống pháp luật Pháp, Toà án không thể tuyên cấm hành nghề đối với trẻ vị thành niên.
c/ Phiếu số 3: Phiếu số 3 được cấp cho cá nhân. Mỗi công dân Pháp có quyền được thông tin một cách đầy đủ về lý lịch tư pháp của mình. Họ có thể đến Viện Công tố tại Toà án nơi mình cư trú xin tra cứu tổng thể lý lịch tư pháp của bản thân. Trong trường hợp này, có thể tra cứu phiếu số 1 tại Toà án nhưng phiếu này không được cấp cho đương sự. Đó là một biện pháp gián tiếp bảo vệ quyền lợi của đương sự đối với những người lẽ ra không có quyền tiếp cận phiếu 1 nhưng do bảo quản không tốt của đương sự mà có thể đến tay họ. Để xin phiếu số 1, đương sự có thể trực tiếp đến Cơ quan lý lịch tư pháp quốc gia hoặc gửi đơn qua đường bưu điện.
II. Một số kinh nghiệm áp dụng vào việc xây dựng Luật về lý lịch tư pháp của nước ta.
1. Về quản lý và cấp lý lịch tư pháp.
Bước đầu tìm hiểu hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề lý lịch tư pháp, điều đầu tiên dễ nhận thấy là các nước có những cách tiếp cận khác nhau.
Về cơ sở dữ liệu, Hoa Kỳ không xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu riêng phục vụ cho việc cung cấp lý lịch tư pháp như ở Anh mà sử dụng các thông tin từ Hệ thống tàng thư căn cước tội phạm do Cơ quan cảnh sát cảnh sát liên bang lưu trữ. Cơ quan quản lý lịch tư pháp ở Anh cũng được tổ chức quy mô hơn với hai văn phòng về lý lịch tư pháp ở cấp Trung ương (Văn phòng lý lịch tư pháp hình sự của Scoland và Cục về lý lịch tư pháp).
Về phạm vi lưu trữ của cơ sở dữ liệu, có vẻ như Cục Điều tra liên bang Mỹ lại làm tốt hơn công việc này với việc lưu trữ một khối lượng dữ liệu khổng lồ bao gồm cả các lệnh bắt, lệnh tạm giam, lệnh truy nã... Ngoài ra, hệ thống các cơ sở dữ liệu khác như Cơ sở dữ liệu về tội phạm của các bang, các Cơ sở dữ liệu về án lệ của Toà án... phát triển hơn tại Anh.
Về cách tiếp cận các hệ cơ sở dữ liệu và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, giữa hai nước cũng có nhiều điểm khác. Nếu như ở Anh chỉ có một cơ quan duy nhất có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp là Bộ Ngoại giao thì ở Mỹ ngoài Cục điều tra liên bang thì còn có các phiếu lý lịch tư pháp do các Tổ chức tư nhân cung cấp theo Luật về thông tin độ tin cậy. Mẫu phiếu lý lịch tư pháp tại Anh cũng được chia thành nhiều loại với nhiều mức độ thông tin khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy liên quan đến vấn đề này cả hai hệ thống pháp luật này đều chú trọng đến một số vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, đều quan niệm đây là một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến quyền công dân, do đó cần được quản lý chặt chẽ.
- Thứ hai, đều chú trọng đến quyền của các bên có liên quan. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tuyển dụng lao động làm công việc chăm sóc trẻ em, thì mối quan hệ giữa quyền của trẻ em, quyền của tổ chức tuyển dụng và quyền của người lao động cần phải được tính đến. Dưới góc độ quyền trẻ em và quyền của tổ chức tuyển dụng, họ phải được biết những thông tin có liên quan đến nhân thân người xin việc, có quyền từ chối những người đã có tiền án về những tội liên quan đến trẻ em nhằm tránh rủi ro. Về phía người lao động, họ có quyền không phải công khai về các hành vi vi phạm pháp luật nhưng đã được xoá án hoặc không liên quan đến công việc họ đang xin việc (chẳng hạn như vi phạm luật giao thông bị tước bằng lái xe, ăn cắp vặt tại siêu thị...).
2. Cân nhắc một số quy định có thể áp dụng vào pháp luật Việt Nam về lý lịch tư pháp.
Do những đặc điểm hết sức khác nhau về địa lý, hoàn cảnh xã hội cũng như chính bản thân hệ thống pháp luật, chúng ta không thể áp dụng một cách máy móc các quy định về lý lịch tư pháp của Hoa Kỳ hay của nước Anh vào hệ thống pháp luật Việt Nam mà phải tìm ra những quy định phù hợp trên cơ sở sự phát triển của các quan hệ trong chính xã hội chúng ta. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cũng hết sức cần thiết.
Bước đầu nghiên cứu vấn đề quản lý và cấp lý lịch tư pháp của một số nước theo hệ thống pháp luật Ănglô-Xắc xông, so sánh với dự thảo Luật lý lịch tư pháp hiện vừa được Quốc hội cho ý kiến, chúng tôi thấy có một số quy định có thể cân nhắc để áp dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam, cụ thể là:
a/Về cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp: hầu hết các nước đều xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về vấn đề này và sử dụng tin học hoá (dữ liệu điện tử) vào việc lưu trữ. Trong dự thảo Pháp lệnh đã quy định về hệ cơ sở dữ liệu này, tuy nhiên vẫn chưa có quy định về việc tin học hoá như thế nào.
b/Về thời hạn lưu trữ thông tin: nước Anh có quy định khá chi tiết về vấn đề này. Theo chúng tôi đây là một quy định hay, vừa đảm bảo khả năng lưu trữ và cập nhật thông tin của cơ sở dữ liệu vừa đảm bảo quyền của những người phạm tội nhưng đã được xoá án tích.
c/Về việc tiếp cận và cấp Phiếu lý lịch tư pháp:
- Cân nhắc việc phân chia các loại Phiếu cấp cho người nộp đơn với các mức độ thông tin khác nhau như quy định tại luật của Anh.
- Cân nhắc quy định về các trường hợp được quyền yêu cầu đương sự phải xuất trình phiếu lý lịch tư pháp để kiểm tra. Hiện nay, pháp luật nước ta tại một số lĩnh vực pháp luật cũng đã quy định việc này (chẳng hạn như: kết hôn với người nước ngoài, xin cấp giấy phép lao động...). Tuy nhiên, cần thiết phải tập trung các quy định này trong Pháp lệnh về lý lịch tư pháp. Quy định này cũng cần bao hàm của nội dung nếu được quyền kiểm tra lý lịch tư pháp thì phải thông báo rõ các loại tội danh nào mà nếu bị ghi nhận trong lý lịch tư pháp thì đương sự sẽ không đủ điều kiện cho vị trí đó để đảm bảo tính minh bạch. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi của các bên có liên quan, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của trẻ em, những người dễ bị tổn thương trong xã hội tránh phải những rủi ro đáng tiếc do đạo đức của những người làm công việc chăm sóc, giáo dục họ đem lại./.
Đặng Trung Hà,- Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp