Theo Báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) 2008, việc đề ra và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát làm mục tiêu ưu tiên hàng đầu, đã đạt được những kết quả quan trọng: lạm phát đã được kiềm chế, xuất khẩu 11 tháng tăng 34% so với cùng kỳ, nhập siêu giảm mạnh, đầu tư nước ngoài tăng cao, vốn FDI đăng ký đạt trên 60 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay; kinh tế vĩ mô được ổn định, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, thu ngân sách vượt 23% kế hoạch năm; các lĩnh vực xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%.... Các kết quả khả quan trên nhận được sự ghi nhận tích cực từ nhà tài trợ. “Vổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng. Bên cạnh đó, các đối tác phát triển, đặc biệt là các định chế tài chính và các Quỹ, các tổ chức quốc tế đã thảo luận và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cho Chính phủ Việt Nam về chính sách điều hành kinh tế nhằm
Ông James Adams - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương - đồng chủ toạ Hội nghị, cho rằng Việt Nam đã và đang vượt qua được thách thức trên nhiều lĩnh vực, và sẽ tiếp tục vượt qua được những khó khăn trong thời gian tới. Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh: “Tôi cho là Chính phủ đã điều hành rất tốt kinh tế đất nước trong một hoàn cảnh khó khăn và xin chúc mừng các bạn về điều đó”. Ông James Adams nhận định thêm, các sự kiện kinh tế trên thế giới gần đây đã diễn biến theo hướng xấu đi. Trong năm 2008, Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "việc duy trì tăng trưởng và giảm đói nghèo tại các nước đang phát triển trở nên khó khăn hơn trước". Theo Phó chủ tịch WB, để vượt qua cơn bão này, Việt Nam cần tiếp tục các chương trình cải cách, trong đó đặc biệt chú trọng đến người nghèo và những thành phần dễ bị tổn thương khi kinh tế có khó khăn. “Chúng tôi luôn sát cánh cùng các bạn” - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ.
Nhận xét về việc đưa ra năm nhóm giải pháp lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế trong nước và nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm 2009 và Kế hoạch 5 năm 2006-2010, ông Martin Rama, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, phát biểu: “Tôi đánh giá cao sự chủ động và tính chính xác của Chính phủ Việt Nam khi đưa ra các nhóm giải pháp này”. Ông Martin Rama phân tích, nếu như 8 nhóm giải pháp trước đó được tập trung vào chính sách tiền tệ, thì 5 nhóm giải pháp này tập trung hơn vào chính sách tài khoá, với “điểm nhấn” là lĩnh vực đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án tạo ra sự bảo đảm cho an sinh xã hội. Cũng theo Ông Martin Rama : “Gây rủi ro cho Việt Nam chủ yếu là từ các yếu tố bên ngoài, như kênh thanh toán, xuất khẩu, kiều hối… Trong bối cảnh này, Việt Nam đã nhấn mạnh yếu tố nội lực để cân bằng rủi ro bên ngoài, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước, an sinh xã hội…”
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong, ông Shogo Ishii, Vụ châu Á Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, triển vọng ngắn hạn về kinh tế của Việt nam còn rất nhiều thách thức, và những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn vì thực tế là các nhà chức trách sẽ phải đồng thời đối phó với mức thâm hụt cán cân vãng lai lớn và cả những yếu kém của khu vực ngân hàng lẫn khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Các dự báo gần đây nhất của IMF phản ánh những thách thức này như sau: GDP thực sẽ giảm xuống 5% trong năm 2009 từ mức 6,25% trong năm 2008; lạm phát chung sẽ giảm mạnh xuống một con số vào cuối năm 2009 nhờ việc giảm giá các hàng hoá sơ chế, mặc dù lạm phát cơ bản có thể sẽ giảm từ từ hơn do việc dự kiến tăng lương mạnh sẽ truyền tác động tới nền kinh tế. IMF nhận định, khả năng suy giảm kinh tế là có, bởi xuất khẩu - vốn đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam - sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới. Cũng theo IMF, triển vọng kinh tế Việt Nam còn phục thuộc vào một số rủi ro làm giảm tăng trưởng: 1) một nền kinh tế còn nhỏ và mở cửa, nên khi nền kinh tế toàn cầu suy thoái mạnh, đặc biệt là ở các nước phát triển chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu và tổng lượng kiều hối của Việt Nam, thì sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế nước này; 2) điều kiện về tài chính toàn cầu ngặt nghèo hơn sẽ làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn chảy vào khác, trong khi đây chính là những luồng vốn cần có để tài trợ mức thâm hụt cán cân vãng lai lớn; 3) Các hoạt động kinh tế chậm lại sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương ở các doanh nghiệp trong nước và hệ thống ngân hàng. Chính phủ Việt Nam cần phải đối phó với những thách thức bằng cách đặt ra ưu tiên trước mắt là phải chèo lái nền kinh tế vượt qua được những khó khăn trong ngắn hạn một cách an toàn và phải đảm bảo sự ổn định về tài chính và triển vọng kinh tế vĩ mô, cụ thể 1) đặt ra một Chiến lược cho năm 2009 với các mục tiêu phát triển được cân nhắc thận trọng, đặc biệt là các mục tiêu về tăng trưởng và đầu tư; 2) thiết kế những chính sách vĩ mô phù hợp cân đối đến các rủi ro; 3) hoàn thiện thể chế tài chính, ngân hàng để đối phó với bất kỳ sự tổn thương nào của khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nảy sinh do tác động của suy thoái kinh tế; 4) đổi mới, tăng cường công tác thống kê và thông tin; và; 5) thúc đẩy cải cách thiết chế, đặc biệt là cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng, tài chính.
Cũng theo ông Shogo Ishii, hiện kinh tế thế giới khó lường trước và các dự báo cũng có thể thay đổi theo. Vì thế, mục tiêu về kinh tế của các chính phủ cũng nên thích ứng với các điều kiện đã thay đổi. IMF đề xuất, các chính sách tiền tệ nên được thực hiện một cách thận trọng và việc điều hành chính sách tỷ giá cũng nên linh hoạt.
Đại diện Liên minh Châu Âu hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam đã thi hành những biện pháp hiệu quả nhằm ổn định tình hình và giữ vững lòng tin của các tác nhân kinh tế. Tuy nhiên EU cũng đề nghị bên cạnh những kết quả đã đạt được gần đây trong việc giảm tỷ lệ lạm phát và giảm thâm hụt thương mại, Chính phủ vẫn phải cảnh giác với lạm phát và các chỉ số khác vốn dễ bị tác động bởi biến động của kinh tế thế giới. EU đặc biệt quan tâm tới các cam kết của Chính phủ nhằm duy trì ổn định kinh tế thông qua những biện pháp về tài chính và tiền tệ thích hợp, việc tiếp tục cải cách về cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ cải cách các doanh nghiệp và các ngân hàng quốc doanh, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực có đóng góp nhiều và hứa hẹn nhất của nền kinh tế Việt Nam; kế hoạch nâng cao sự minh bạch tài chính - việc sử dụng những dữ liệu tin cậy để phân tích và điều hành đúng đắn nhất kinh tế vĩ mô.
Phát biểu tại CG 2008, Ông John Hendra, Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt nam hoan nghênh những quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong những tháng vừa qua nhằm giải quyết các thách thức kinh tế nghiêm trọng mà nước này đang phải đối mặt do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Liên hợp quốc cũng đánh giá cao gói 8 giải pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm ổn đinh kinh tế vĩ mô. “Nhìn từ góc độ của LHQ, bảo đảm an toàn những tiến bộ kinh tế của Việt nam gần đây là vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc Chính phủ tiếp tục ưu tiên giải quyết các tác động tiêu cực do tình trạng kinh tế vĩ mô hiện nay tác động lên người nghèo cũng mang ý nghĩa quan trọng không kém. Điều tối cần thiết là cần đảm bảo rằng các hộ gia đình Việt Nam vừa thoát nghèo sẽ không bị tái nghèo trở lại.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đưa ra 10 khuyến nghị được rút ra từ tình hình kinh tế năm 2008. Trong đó, ADB nhấn mạnh sự cần thiết của việc cung cấp, giải thích các dữ liệu kinh tế vĩ mô cho đông đảo người dân để tránh tình trạng đầu tư theo phong trào trên thị trường tài chính và hàng hoá. Ông Konishi lưu ý, cần kiểm soát tốt hoạt động vay vốn và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại sứ Nhật Bản, Ngài Mitsuo Sakaba, trong bài hát biểu của mình tại CG 2008 đánh giá cao những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong kế hoạch phát triển 5 năm. Đặc biệt, ông nhấn mạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng trong quan hệ đầu tư Việt - Nhật, ông đặc biệt đề cao các thoả thuận về nguyên tắc đối với Cam kết Đối tác kinh tế song phương, sẽ sớm được ký kết giữa hai nước. Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn 3 Sáng kiến chung Việt - Nhật với kế hoạch hành động 37 mục tiêu cụ thể trong các lĩnh vực khuôn khổ pháp lý, thuế, lao động, hải quan, sở hữu trí tuệ, công nghiệp và cơ sở hạ tầng sẽ được thực hệin vào tháng 11.2010. “Việt Nam cũng sẽ trở thành một điểm đến FDI ưa thích nhất thế giới” – Ông Đại sứ Nhật Bản tuyên bố.
Phát biểu của các đối tác phát triển còn lại đều đưa ra những nhận xét, đánh giá và kiến nghị chung về tình hình kinh tế phát triển và giải pháp chính sách của Việt Nam như sau:
· Ổn định kinh tế vĩ mô: Mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2009 dường như khá cao với hiện trạng kinh tế toàn cầu. Mục tiêu này cần được xem xét điều chỉnh linh hoạt tuỳ theo tình hình thực tế. Cần phải có nhiều biện pháp nhằm giảm kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, đảm bảo lòng tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh chậm lại của nền kinh tế toàn cầu;
· Chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái: các đối tác phát triển cho rằng nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh có thể khiến cho nền kinh tế bị tổn thương bởi những yếu tố từ bên ngoài, đó là chưa kể đến những lo ngại về tính lành mạnh trong hoạt động của ngành ngân hàng. Các đối tác phát triển đề nghị Chính phủ có những chính sách phù hợp về 1) định hướng chung cho chính sách tiền tệ; 2) tính linh hoạt trong chế độ ngoại hối; 3) các biện pháp tăng cường giám sát ngân hàng; đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế về ngân hàng, tài chính nhằm đem lại cho Ngân hàng Nhà nước sự tự chủ lớn hơn trong hoạt động, và thẩm quyền mạnh hơn để giám sát và giải quyết khủng hoảng nhằm đảm bảo sự lành mạnh trong ngành tài chính.
· Chính sách tài khoá: các đối tác phát triển kiến nghị Chính phủ đưa ra những biện pháp phù hợp để tránh tăng thâm hụt ngân sách. Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra các bảo đảm liên quan đến kiếm soát chi tiêu ngoài ngân sách và các khoản vay lại cho các doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra một khoản ngân sách thích hợp cho các chi tiêu xã hội nhằm bảo trợ người nghèo và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Chính phủ cũng cần xây dựng một khung tài khoá trung hạn tốt nhằm duy trì sự bền vững vay nợ.
· Tiếp tục các nỗ lực cải cách: Các đối tác phát triển ủng hộ các nỗ lực cải cách của Chính phủ, bao gồm cải cách quản lý các doanh nghiệp Nhà nước - dấu hiệu mạnh mẽ cho các nhà đầu tư tiềm năng thấy được cam kết của Việt Nam về nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Chính phủ cần đề ra các kế hoạch nhằm tăng cường giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo khả năng hoạt động bền vững và cải thiện hiệu quả quản lý doanh nghiệp, mà kết quả cuối cùng là giúp Chính phủ giảm bớt các rủi ro tài khoá và nợ bất thường. Việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhá nước và quá trình cải cách quản lý DNNN cũng cần đẩy mạnh hơn.
· Các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Sự lành mạnh của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều trọng yếu đối với sự tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam. Các đối tác phát triển kiến nghị và chờ đợi ở Chính phủ các kế hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư để đảm bảo khả năng bền vững trong hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần phải có các kế hoạch cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời kỳ khó khăn; những kế hoạch về tạo công ăn việc làm, lao động và bảo trợ xã hội.
· Môi trường đầu tư: Các đối tác phát triển dự báo với sự chậm lại trong nền kinh tế toàn cầu, dự kiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chắc chắn sẽ giảm vì các công ty đầu tư có thể gặp phải nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn tài chính hoặc họ có thể thấy việc nâng cao năng lực sản xuất không phải là điều cấp thiết. Chính phủ cần có các biện pháp cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong vai trò là một điểm thu hút đầu tư.
· Cung cấp thông tin và chất lượng dữ liệu thông tin: Các đối tác phát triển đề nghị Chính phủ cập nhật thông tin và cung cấp kịp thời các dữ liệu có chất lượng, nhất là dữ liệu về các hoạt động ngân hàng, tài khoá và doanh nghiệp nhà nước nhằm giảm bớt khả năng biến động và bị tổn thương của nền kinh tế Việt Nam. Việc có sẵn những dữ liệu đáng tin cậy sẽ làm tăng cơ hội đầu tư, tạo ra sự tin tưởng cao hơn trong các nhà đầu tư, đồng thời cũng giúp Chính phủ tăng cường điều phối các chính sách và hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực./.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp
__________________________________________Bài có liên quan: