Không để lọt lưới bất kỳ hành vi bạo lực nào
Điều 4 của Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi bạo lực gia đình quy định bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi phạm hành chính về phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo và phạt tiền. Mức tiền phạt sẽ giao động trong khoảng từ 1 trăm nghìn đồng đến 30 triệu đồng tuy theo từng mức độ hành vi. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu...
Toàn bộ Chương II của Dự thảo Nghị định là các điều khoản quy định chi tiết các hành vi vi phạm và mức phạt tiền tương ứng. Đơn cử như hành vi đối xử tồi tệ với thành viên trong gia đình, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách... bị phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng; hành vi đe dọa bạo lực buộc các thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ vào ban đêm, hoặc lúc trời mưa bão, gió, rét mức phạt tiền tối đã lên tới 1 triệu đồng...Nhìn chung các điều khoản trong Chương II đã chi tiết hóa, cụ thể hóa ở mức tối đa. Hẳn rằng, khi xây dựng các quy định như vậy, những thành viên Ban soạn thảo luôn hướng tới một mục tiêu duy nhất: không để lọt lưới bất kỳ một hành vi bạo lực gia đình nào.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ lập pháp, thì có một số điều khoản đã tạo ra cho người ta một cảm giác về sự “lấn sân”. Dường như, với các hành vi vi phạm kiểu như vậy, thì cá nhân, tổ chức “tác giả” của nó hẳn phải đối mặt với pháp luật hình sự chứ không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính thông thường. Ví dụ như, Khoản 3 Điều 11 Chương II quy định “phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng ép thành viên gia đình lột bỏ quần áo trước mặt nhiều người hoặc nơi công cộng”, hay Mục d Khoản 2 Điều 12 cá nhân “có hành vi tác động vào cơ thể thành viên gia đình không phải vợ, chồng nhằm kích động tình dục, hoặc lạm dụng thân thể người đó vì mục đích tình dục” thì bị phạt tiền ở mức từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Với những biểu hiện như vậy, các hành vi này đã được Bộ luật Hình sự đề cập đến ở các tội danh mang tên “Làm nhục người khác” hay tội “Dâm ô”...
Phạt tiền chưa hẳn là hiệu quả
Còn nhớ, khi Dự thảo Nghị định này được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, bên cạnh những ý kiến đồng tình, thì cũng đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu các điều khoản trong Dự thảo đã đề cập tới hết được “muôn hình vạn trạng” các chiêu thức bạo lực gia đình? Chị N.T.H, một cán bộ tư pháp trên địa bàn quận Thanh Xuân đặt câu hỏi: tôi đã từng đi hòa giải vụ xin ly hôn của một đôi vợ chồng trí thức, người vợ đứng đơn còn người chồng thì nhất định không muốn ly hôn. Gặng hỏi mãi chị vợ mới tâm sự, lý do xin ly hôn của chị là do chị không thể nào tiếp tục sống chung với người chồng mà cứ hễ lúc nào bực dọc với vợ lại mang nước tiểu đổ vào đồ dùng cá nhân của vợ (!), mặc dù anh ta không hề mắc bất kỳ chứng bệnh tâm thần nào. Liệu đó có phải là bạo lực gia đình hay không?
Cũng trong cùng thời điểm lấy ý kiến đó, đã diễn ra một buổi hội thảo “Tiếng nói của những người trong cuộc” với thành phần tham gia đều là những người đã từng là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình để đóng góp ý kiến cho Nghị định. Tóm lược tinh thần buổi hội thảo, trả lời báo giới, bà Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã bày tỏ quan điểm, đối với nhiều hoàn cảnh, địa phương phạt tiền chưa hẳn đã là cách làm hay nhất. Bởi, trong thực tế đã có người bị phạt tiền lại quay về lấy tiền của vợ - chính là nạn nhân của hành vi bị phạt - để nộp. Như vậy, thay vì để bảo vệ nạn nhân thì quy định lại quay lại “đánh” vào chính nạn nhân.
Theo quan điểm của các đại biểu tham dự buổi hội thảo hôm ấy, cũng như của rất nhiều chị em phụ nữ thuộc nhiều thành phần trong xã hội, thì ngoài việc phạt tiền và cảnh cáo như Dự thảo Nghị định đã đề cập, hình thức phạt bằng việc lao động công ích tại cộng đồng chắc chắn sẽ có tác dụng răn đe, cảnh cáo cao. Thử hình dung xem, một người đàn ông vốn xưa nay được mọi người kính nể, trọng vọng, nhờ có hình thức phạt lao động công ích đã lòi ra cái “đuôi” chuyên bạo hành với vợ con, ngược đãi cha mẹ...
Nhưng, nếu hình thức phạt lao động công ích được áp dụng thì đây cũng là nỗi khó khăn cho những người có thẩm quyền xử phạt nói riêng và địa phương có người vi phạm nói chung, vì để tạo ra các đầu việc phục vụ cho việc lao động công ích cũng là chuyện không đơn giản chút nào.
Minh Dương
Theo thông tin từ Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một loạt các Thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ban, ngành, đoàn thể đã được hình thành để chuẩn bị cho sự ra đời của 2 Nghị định nói trên. Những bất cập của pháp luật mà Luật chưa đề cập tới sẽ được cụ thể hóa trong các Thông tư, để sau khi có hiệu lực đây sẽ là hành lang pháp lý hiệu quả góp phần chặn đứng nạn bạo hành gia đình. Báo cáo tóm tắt “Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006” mới được công bố tháng 6/2008 cho thấy, có khoản 21,2% cặp vợ chồng xảy ra các hiện tượng bạo lực đánh, mắng, chửi, chấp nhận quan hệ tình dục khi không có yêu cầu... Tỷ lệ cặp vợ chồng có 1 trong số các hiện tượng bạo lực trên chiếm khoảng 10,8%, có 2 hiện tượng bạo lực trở lên chiếm 7,3%. Tỷ lệ có hành vi bạo lực gia đình ở nội thành 4 thành phố lớn trên cả nước là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TO.HCM cao hơn các điểm dân cư khác |