Người thi người không có bất công?
Để đảm bảo chất lượng và tính công bằng trong việc tuyển dụng CHV, điểm c khoản 1 Điều 18 Luật THADS qui định một trong những điều kiện để một “công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao” được bổ nhiệm CHV là phải “trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV sơ cấp”. Luật THADS cũng bỏ quy định hiện hành về việc bổ nhiệm CHV theo nhiệm kỳ.
Khoản 1 Điều 18 Luật THADS còn qui định “Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan THADS có thể được bổ nhiệm làm CHV ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển”. Chính qui định đang khiến những người làm công tác THADS cảm thấy có gì đó “không phải” với các cán bộ làm công tác THADS mà chưa được bổ nhiệm là CHV. Bởi đại diện THADS tỉnh Thái Nguyên phân tích rằng, thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên và CHV là các chức danh được bổ nhiệm với những qui định về tiêu chuẩn phù hợp với lĩnh vực công tác. Vậy tại sao các chức danh “ngoại đạo” trên khi chuyển sang CHV lại không phải thi tuyển, trong khi các cán bộ làm công tác THADS lâu năm trong ngành lại phải thi tuyển? Mặc dù ông Nguyễn Thanh Thủy (Phó Cục trưởng Cục THADS) khẳng định, việc thi tuyển sẽ chỉ được tổ chức sau khi Luật có hiệu lực nhưng nhiều đại diện THADS địa phương vẫn băn khoăn về qui định này.
Không những thế, một số CHV cho rằng, qui định về tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV theo khoản 2,3,4 điều 18 Luật THADS là “quá cao” so với thực tế. Trong khi tình trạng thiếu thốn CHV đang là khó khăn cho công tác THADS thì nếu phải tuân thủ đủ các điều kiện theo Luật THADS thì thậm chí còn có nguy cơ “tạo đà” cho tình trạng thiếu trưởng, phó trưởng các cơ quan THADS, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa.
Chuyển đổi sao cho vẹn toàn?
Khoản 1 Điều 17 Luật THADS qui định, CHV có ba ngạch là CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp. Như vậy, Luật THADS không còn qui định CHV theo 2 cấp tỉnh, huyện như Pháp lệnh. Đây là một qui định mới được đánh giá là sẽ đem lại những thuận lợi cho công tác bố trí sử dụng, điều động và luân chuyển CHV giữa các cơ quan THADS địa phương mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trước đây, thực hiện Pháp lệnh THADS 2004, việc điều động, luân chuyển CHV gây ra rất nhiều vướng mắc, thậm chí cả bất công cho các CHV. Tuy nhiên, điều khiến những người làm công tác THADS băn khoăn lại chính là việc chuyển đổi từ CHV cấp tỉnh, cấp huyện sang CHV theo 3 ngạch sơ, trung, cao cấp sau khi Luật có hiệu lực (1/7/2009).
Ông Nguyễn Quang Thái (Cục THADS – Bộ Tư pháp) cho rằng, chuyển đổi CHV là một vấn đề lớn. Trước mắt, nên qui định các tiêu chuẩn như năng lực, thâm niên, mức lương... để làm cơ sở cho việc chuyển đổi sang ngạch CHV mới. Vì thế, đại diện của THADS tỉnh Thái Nguyên cho rằng, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS nên có qui định về tỷ lệ CHV sơ, trung cấp cho mỗi đơn vị THADS địa phương tùy theo lượng việc để tránh sự “tị nạnh” không cần thiết. Bên cạnh đó, theo ông Phạm Văn Đỉnh (THADS tỉnh Thanh Hóa), CHV cấp tỉnh và cấp huyện hiện đang có sự chênh lệch cao. Do vậy, nếu chuyển đổi thì nên để CHV cấp tỉnh và trưởng, phó trưởng THADS cấp huyện được chuyển thành CHV trung cấp, CHV cấp huyện nên là CHV sơ cấp, còn CHV cao cấp thì cần phải đạt được các qui định cụ thể khác. Để chuẩn bị cho công việc chuyển đổi này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã chỉ đạo Cục THADS xây dựng lộ trình và điều kiện bổ nhiệm lại đội ngũ CHV cho phù hợp.
Hương Giang
Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV sơ cấp: Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên; Đã được đào tạo nghiệp vụ THADS; Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV sơ cấp. Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV trung cấp: Có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên; Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV trung cấp. Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV cao cấp: Có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên; Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV cao cấp. (Trích khoản 2,3,4 Điều 18 Luật THADS) |