1. Liên bang Nga
1.1. Khái quát về pháp luật Liên bang Nga về điều ước quốc tế
Pháp luật Liên bang Nga quy định, điều ước quốc tế của Liên bang Nga là thoả thuận quốc tế, ký giữa Liên bang Nga và một (hoặc các) nước khác hoặc một tổ chức quốc tế dưới hình thức văn bản và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù với bất cứ tên gọi gì và điều chỉnh về bất cứ nội dung nào[1].
Điều ước quốc tế của Liên bang Nga được Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế (Nga là một thành viên), Hiến pháp liên bang và luật Liên bang về điều ước quốc tế năm 1995 điều chỉnh[2]. Theo đó, có ba loại điều ước quốc tế: liên Nhà nước, liên Chính phủ và liên cơ quan. Mỗi điều ước có một quy trình ký kết, gia nhập cụ thể. Đề nghị ký kết điều ước quốc tế nhân danh Liên bang Nga phải được đệ trình lên Tổng thống Liên bang. Những đề nghị như vậy như lại liên quan đến các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được đệ trình lên Chính phủ Liên bang. Đề nghị ký kết điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ cũng phải được đệ trình lên Chính phủ Liên bang.
Các điều ước quốc tế ký kết bởi các bộ, ngành của Liên bang Nga được coi là thoả thuận giữa các bộ, ngành. Theo Luật điều ước quốc tế của Liên bang Nga, chỉ có các cơ quan hành pháp liên bang mới có thẩm quyền ký kết các điều ước quốc tế. Do đó, Toà án tối cao và Văn phòng Tổng Công tố Liên bang Nga không thể ký kết các điều ước quốc tế.
1.2. Chức năng điều ước quốc tế của Bộ Tư pháp Liên bang Nga.
a/ Với chức năng điều ước quốc tế chung.
Tại Liên bang Nga, cơ quan chủ chốt chịu trách nhiệm về việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn và tổ chức thực hiện, giám sát các điều ước quốc tế là Bộ Ngoại giao. Tất cả các thủ tục liên quan đến các công việc nêu trên cần được thực hiện thông qua Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao cũng chịu trách nhiệm quản lý việc đăng ký các điều ước quốc tế. Các bản gốc của các điều ước quốc tế (bản sao có chứng thực, các bản dịch chính thức) được ký kết nhân danh Liên bang Nga hoặc Chính phủ Liên bang Nga đều được đưa vào lưu trữ tại Bộ Ngoại giao trong vòng hai tuần sau khi ký. Đối với các thoả thuận quốc tế cấp bộ, ngành, bản gốc các đi quốc tế liên Bộ, ngành vẫn do các cơ quan này lưu trữ như phải gửi cho Bộ Ngoại giao bản sao có chứng thực.
Bên cạnh Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cũng đóng một vai trò đặc biệt trong việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế ở Liên bang Nga. Vai trò của Bộ Tư pháp được thể hiện ở hai nội dung quan trọng:
- Thứ nhất, đối với các điều ước quy định các điều khoản vượt quá thẩm quyền xem xét của các cơ quan hành pháp và cần được sự phê chuẩn của Tổng thống thì cần được sự đồng ý của Bộ Tư pháp. Trước khi tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế này xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp về những nội dung này.
- Thứ hai, Bộ Tư pháp được giao thẩm quyền phát biểu về mối quan hệ giữa các điều ước quốc tế với nội luật. Quy định này đảm bảo việc thực hiện điều ước quốc tế sau khi điều ước quốc tế đã có hiệu lực. Theo Hiến pháp Liên bang Nga, điều ước quốc tế là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống pháp luật Liên bang Nga. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa nội luật và điều ước quốc tế, điều ước quốc tế sẽ được ưu tiên áp dụng[3].
Tuy nhiên, pháp luật Liên bang Nga cũng thừa nhận cả hai hình thức áp dụng điều ước quốc tế, đó là áp dụng trực tiếp và áp dụng gián tiếp. Một số điều ước không yêu cầu phải nội luật hoá, có khả năng áp dụng trực tiếp sẽ được Chính phủ hoặc Tổng thống thông qua trước khi ký kết. Còn đối với các điều ước quốc tế quy định rõ về nghĩa vụ của quốc gia thành viên chuyển hoá và nội luật hoá tất nhiên sẽ không có hiệu lực trực tiếp mà các điều ước này cần được Quốc hội phê chuẩn, ban hành văn ban thi hành dưới hình thức là Luật liên bang. Ở đây, chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp trong việc xác định điều ước quốc tế nào có thể áp dụng trực tiếp, điều ước quốc tế nào cần nội luật hoá và nội luật hoá điều ước đó như thế nào.
b/ Với chức năng điều ước quốc tế chuyên ngành:
Luật điều ước quốc tế Liên bang Nga quy định các Bộ, ngành thuộc hành pháp được quyền khởi xướng việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế trong phạm vi quyền hạn của mình và phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao. Với chức năng của mình, Bộ Tư pháp Liên bang Nga cũng đã chủ trì đàm phán, ký kết một số các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về quyền con người.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Liên bang Nga cũng có thẩm quyền ký kết các thoả thuận quốc tế nhân danh mình với các cơ quan hữu quan của nước ngoài. Các thoản thuận này thường là những thoả thuận về hợp tác pháp luật, hợp tác tư pháp giữa Liên bang Nga và các nước.
2. Cộng hoà Inđônêxia:
2.1. Khái quát pháp luật Inđônêxia về điều ước quốc tế:
Quy định cơ bản về quy trình xây dựng điều ước quốc tế trong pháp luật Inđônêxia được quy định trong Hiến pháp. Điều 10 Hiến pháp Inđônêxia năm 1945 quy định Tổng thống có thể ký kết điều ước quốc tế với nước ngoài khi được Quốc hội thông qua. Các vấn đề chi tiết của việc đàm phán, ký điều ước quốc tế được quy định trong Luật về quan hệ quốc tế và Luật về điều ước quốc tế. Theo các văn bản luật này, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối về điều ước quốc tế. Các cơ quan của Nhà nước và Chính phủ có dự định ký kết điều ước quốc tế phải tham khảo trước ý kiến của Bộ Ngoại giao.
a/ Quy trình ký kết điều ước quốc tế: theo Luật điều ước quốc tế, quy trình ky skết điều ước quốc tế phải được tiến hành qua các giai đoạn khảo sát, đàm phán, dự thảo và ký.
Khảo sát là giai đoạn đầu được các bên liên quan tiến hành về khả năng ký kết một điều ước quốc tế. Trong giai đoạn này, một cuộc họp liên ngành giữa các cơ quan của Chính phủ sẽ được tổ chức để xem xét khả năng đó. Bộ Ngoại giao sẽ đóng góp ý kiến về mặt chính trị.
Giai đoạn tiếp theo là đàm phán. Trong giai đoạn thứ hai này, cả hai bên thảo luận và xây dựng các vấn đề thực chất cũng như kỹ thuật sẽ được thoả thuận trong điều ước quốc tế. Bộ trưởng hoặc các quan chức cao cấp cuả Nhà nước sẽ lãnh đạo nhóm đàm phán. Trong khi tiến hành đàm phán, những người tham gia đàm phán phải lưu ý đường lối của Bộ Ngoại giao. Việc uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho trưởng đoàn đàm phán người sẽ thay mặt Inđônêxia chấp nhận hoặc ký văn bản điều ước cũng được yêu cầu.
b/ Quy trình phê chuẩn: quy trình chung và cơ bản theo Hiến pháp là mọi điều ước được Chính phủ ký kết phải được Quốc Hội thông qua. Tuy nhiên, trên thực tiễn, không phải mọi điều ước được Inđônêxia ký kết đều được phê chuẩn[4]. Vì vậy, Luật điều ước quốc tế đã đưa ra những quy tắc cở bản hợp hiến, quy định một số điều ước quốc tế nhất định được Inđônêxia ký kết phải phê chuẩn. Luật này cũng quy định việc phê chauản phải được thực hiện bằng "luật" do Quốc hội hoặc bằng "sắc lệnh tổng thống".
Hình thức phê chuẩn do Quốc hội được áp dụng đối với các điều ước quốc tế điều chỉnh các vấn đề sau: chính trị, hoà bình, quốc phòng, an ninh quốc gia; phân định lãnh thổ; chủ quyền quốc gia và quyền chủ quyền; nhân quyền và môi trường; vay vốn nước ngoài, viện trợ; điều ước liên quan đến xây dựng điều ước, luật (ví dụ: Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế).
Các điều ước quốc tế không thuộc loại trên có thể được phê chuẩn bằng "sắc lệnh tổng thống". Việc phê chuẩn bằng sắc lệnh tổng thống sẽ được thực hiện đối với những điều ước chứa đựng các vấn đề mang tính thủ tục đòi hỏi phải thực hiện ngay mà không ảnh hưởng đến luật quốc gia. Mặc dù không cần thông qua Quốc hội, Chính phủ phải trình bản sao sắc lệnh tổng thống phê chuẩn điều ước cho Quốc hội.
2.2. Vai trò của Bộ Tư pháp và nhân quyền Cộng hoà Inđônêxia với công tác điều ước quốc tế:
Như trên đã trình bày, Bộ Ngoại giao Inđônêxia đóng vai trò đầu mối trong công tác điều ước quốc tế.
Bộ Tư pháp và nhân quyền Inđônêxia với tư cách là một cơ quan thuộc Chính phủ có hai vai trò quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế:
- Thứ nhất, chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế chuyên ngành trong phạm vi chức năng của mình như: nhân quyền, tương trợ tư pháp, hình sự quốc tế.
- Thứ hai, trong việc thực hiện các điều ước quốc tế. Điều ước quốc tế ở Inđônêxia được thực hiện theo thuyết "nhị nguyên luận". Khi bày tỏ sự chấp thuận bị ràng buộc qua việc phê chuẩn, gia nhập điều ước quốc tế, Chính phủ Inđônêxia có thể ban hành luật hoặc sắc kệnh để chuyển hoá các quy định của điều ước. Bộ Tư pháp và Nhân quyền là cơ quan sẽ phát biểu ý kiến về việc ban hành các văn bản luật này.
3. Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào:
Theo quy định của Hiến pháp, việc ký kết các điều ước quốc tế và các thoả thuận quốc tế với các quốc gia khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Quốc hội có thẩm quyền quyết định việc phê chuẩn hay bãi bỏ các điều ước hoặc thoả thuận quốc tế phù hợp với các quy định và luật pháp quốc tế.
Đối với thủ tục xem xét để trở thành thành viên của một điều ước quốc tế, kể cả việc đàm phán, gia nhập, chấp nhập, phê chuẩn, các bộ ngành quản lý Nhà nước trực tiếp về lĩnh vực đó là cơ quan chủ trì. Cơ quan chủ trì sẽ xem xét đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế, đưa ra đề xuất cụ thể và trình nó lên cho Chính phủ thông qua Bộ Ngoại giao hoặc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chủ trì phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Tư pháp Lào.
Bộ, ngành chủ trì đàm phán ký, gia nhập điều ước quốc tế là cơ quan được Chính phủ thực hiện điều ước quốc tế đó. Tuy nhiên, việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải có sự tham gia của một số cơ quan khác. Quốc hội, Bộ Tư pháp, Toà án tối cao và Viện kiểm sát tối cao là những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện điều ước quốc tế./.
Đặng Trung Hà - Vụ PLQT
[1] "Kinh nghiệm và thực tiễn của Liên bang Nga về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế"- Vladimir E.tarabin - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Ngoại giao Liên bang Nga. Tài liệu Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Hà nội 4-5/11/2004)"
[2] Luật được Duma thông qua ngày 6/6/1995 và có hiệu lực ngày 21/07/1995.
[3] Điều 15 Khoản 4 Hiếp pháp Liên bang năm 1993
[4] Quy định pháp luật và thực tiễn ở Inđônêxia về quy trình xây dựng điều ước quốc tế -Adulkadir Jailani - Bộ Ngoại giao Cộng hoà Inđônêxia Tài liệu Hội thảo về "Kinh nghiêm quốc tế về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế", Hà nội 04/11/2004.