“Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Đó vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Để thực thi những mục tiêu và nguyên tắc này, chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức và đảm bảo thi hành các quy định của Hiến pháp và pháp luật tại địa phương, thông qua đó bảo đảm thực thi các quyền cơ bản của công dân đã được pháp luật quy định. Đây là chức năng cơ bản của chính quyền địa phương được Hiếp pháp năm 2013 quy định, và là nhiệm vụ “hàng đầu” của chính quyền địa phương được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Để “đo lường” kết quả thực thi chức năng và nhiệm vụ của chính quyền địa phương
(tức là đánh giá kết quả tổ chức và bảo đảm thi hành các quy định của Hiến pháp và pháp luật tại địa phương, đặc biệt tại cấp cơ sở), công tác xây dựng các xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, nhất là đối với thời điểm hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương xây dựng một
“Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động” và nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân.
Với ý nghĩa đó, ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hiện nay, nhiệm vụ này là một nội dung quản lý nhà nước do Bộ Tư pháp chủ trì, hướng dẫn thực hiện trên phạm vi toàn quốc
[1]; ở địa phương, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) có trách nhiệm giúp UBND cùng cấp triển khai thực hiện
[2]; đặc biệt, kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh[3] - đây là những Chương trình mục tiêu, phong trào lớn đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
02 năm nhìn lại
Ở tỉnh Đắk Lắk, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh, thông qua việc ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đánh giá thực hiện hàng năm
[4], tổ chức quán triệt, phổ biến, tập huấn về công tác này cho cán bộ, công chức có liên quan của cấp huyện, cấp xã.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, có thể khái quát kết quả đạt được như sau:
- Về kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
Qua thống kê từ báo cáo của các địa phương
[5], kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các địa phương đạt được trong năm 2017 và 2018 như sau:
Năm 2017: trên địa bàn tỉnh có
72/184 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ:
39,13%.
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 160/184 đơn vị cấp xã đã tiến hành đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, có
129/184 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ
70,1%, cụ thể xem bảng thống kê dưới đây:
Stt |
Tên đơn vị hành chính
cấp huyện |
Năm 2017
|
Năm 2018 |
Tăng/giảm/giữ nguyên |
1 |
Thành phố Buôn Ma Thuột |
2/21 |
20/21 |
Tăng |
2 |
Thị xã Buôn Hồ |
7/12 |
10/12 |
Tăng |
3 |
Huyện Buôn Đôn |
0/07 |
0/07 |
Giữ nguyên |
4 |
Huyện Cư Mgar |
13/17 |
17/17 |
Tăng |
5 |
Huyện Cư Kuin |
04/08 |
08/08 |
Tăng |
6 |
Huyện Ea Hleo |
5/12 |
6/12 |
Tăng |
7 |
Huyện Ea Kar |
08/16 |
11/16 |
Tăng |
8 |
Huyện Ea Sup |
0/10 |
06/10 |
Tăng |
9 |
Huyện Krông Ana |
04/08 |
05/08 |
Tăng |
10 |
Huyện Krông Bông |
01/14 |
07/14 |
Tăng |
11 |
Huyện Krông Buk |
01/07 |
03/07 |
Tăng |
12 |
Huyện Krông Năng |
04/12 |
11/12 |
Tăng |
13 |
Huyện Krông Pắk |
12/16 |
14/16 |
Tăng |
14 |
Huyện Lắk |
11/11 |
11/11 |
Giữ nguyên |
15 |
Huyện M’ Đrăk |
0/13 |
0/13 |
Giữ nguyên |
Bảng: thống kê số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật/tổng số đơn vị hành chính của các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh
Ngoài ra, trong năm 2018, có 31 đơn vị cấp xã (của 13 đơn vị cấp huyện, trừ Buôn Đôn và M’Đrăk) đã tiến hành đánh giá nhưng không được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu là vì các đơn vị này không có đủ thành phần hồ sơ theo quy định, hoặc không tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính; hoặc chưa đảm bảo điều kiện xem xét, hoặc có công chức bị xử lý kỷ luật công vụ.
- Về việc đề ra các giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 7 Quyết định số 619/QĐ-TTg thì ngoài việc phải báo cáo kết quả công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Chủ tịch UBND cấp huyện phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các giải pháp đối với cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu hết các địa phương chỉ mới đề cập tới các giải pháp chung đối với công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (như: nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về ý nghĩa, tác động của công tác xây dựng, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật; tiếp tục tuyên truyền về vai trò, vị trí của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác này cho cán bộ, công chức có liên quan…) chứ chưa đề ra giải pháp cụ thể đối với từng đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như các biện pháp cải thiện, nâng cao kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo quy định trên.
- Về việc niêm yết kết quả đánh giá, công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
Theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 619/QĐ-TTg thì UBND cấp xã phải niêm yết công khai kết quả chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và UBND cấp huyện phải công bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Trang thông tin điện tử của địa phương. Tuy nhiên, trong báo cáo của các địa phương đều không đề cập đến việc thực hiện niêm yết kết quả đánh giá, công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; đồng thời, qua theo dõi các Trang thông tin điện tử của các địa phương, chúng tôi nhận thấy các địa phương cũng chưa thực hiện việc công bố, công khai danh sách cấp xã đạt chuẩn, chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2017, 2018 theo quy định.
Kết quả đạt được
Như vậy, qua kết quả triển khai thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh, có thể nhận thấy về cơ bản việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày được lãnh đạo các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời, do đó, kết quả đạt được của năm 2018 cao hơn so với năm 2017, cụ thể là: số lượng đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhiều hơn 57 đơn vị, tăng 31% (năm 2017 là: 72/184 đơn vị). Trong đó, nhiều địa phương có số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ cao, như: huyện Cư M’gar (17/17 đơn vị, đạt 100%), huyện Lắk (11/11 đơn vị, đạt 100% liên tục trong 2 năm), huyện Cư Kuin (8/8 đơn vị, đạt 100%), thành phố Buôn Ma Thuột (20/21 đơn vị, đạt 95,2%), huyện Krông Năng (11/12 đơn vị, đạt 92%), huyện Krông Pắk (14/16 đơn vị, đạt 87,5%), thị xã Buôn Hồ (10/12 đơn vị, đạt 83,3%).
Kết quả này đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ; ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật của cán bộ và người dân ở địa phương; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, góp phần xây dựng nông thôn mới, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
Và những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Một là, lãnh đạo một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định, cụ thể như: tại huyện Buôn Đôn và M’Đrắk, trong 2 năm liền triển khai công tác này, các xã vẫn chưa thực hiện đánh giá, dẫn đến không có kết quả báo cáo.
- Hai là, việc đánh giá kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa thực sự phản ánh đúng với tình hình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của địa phương; nhiều địa phương thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật chỉ nhằm mục đích đạt chuẩn nông thôn mới, chứ chưa phải nhằm kịp thời đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền nhà nước ở cơ sở trong việc tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật tại địa phương như đúng mục đích của công tác này.
- Ba là, đa số các địa phương chưa thực hiện việc niêm yết kết quả đánh giá, công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định; đồng thời, chưa đề ra được giải pháp, phương án khắc phục cụ thể đối với những xã chưa đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền một số đơn vị cấp huyện, xã vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nên thiếu quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này.
- Thứ hai, nhiều đơn vị cấp xã chưa phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng công chức trong việc theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc phạm vi quản lý hoặc có phân công nhưng các công chức cấp xã chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ riêng của công chức Tư pháp – Hộ tịch.
- Thứ ba, một số công chức cấp xã năng lực còn hạn chế, chưa nắm rõ các quy định về các tiêu chí tiếp cận pháp luật và quy trình thực hiện, do vậy, việc tham mưu đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật chưa thực sự chính xác.
- Thứ tư, một số Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch chưa chủ động, kịp thời tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện đầy đủ công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.
Kiến nghị một số giải pháp cơ bản cần quan tâm
Từ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như nêu trên, tác giả thấy rằng để nâng cao hiệu quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, UBND cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan này (Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã) cần sâu sát quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc liên quan nghiêm túc tham mưu đánh giá, công nhận, công bố xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo đúng yêu cầu, quy định của Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ Tư pháp; tuyệt đối không vì thành tích mà bỏ qua hoặc làm tắt các bước đã được pháp luật quy định.
Để thực hiện tốt nội dung này, vai trò tham mưu của các Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã (đầu mối giúp UBND cùng cấp huyện quản lý về công tác này) là hết sức quan trọng, do đó cần xác định rõ trách nhiệm của Trưởng Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp-Hộ tịch cấp xã trong việc chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp triển khai công tác này trên địa bàn.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục công khai kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này tại các địa phương, gắn liền với việc làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan trong trường hợp không triển khai thực hiện đúng theo quy định. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tuyệt đối không xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, không công nhận phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh đối với các đơn vị chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.
Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đơn thuần chỉ là một nhiệm vụ công tác, mà còn là phương tiện để đánh giá, kiểm chứng hoạt động, năng lực của chính quyền địa phương cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Do vậy, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần quan tâm và có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để công này thật sự trở thành thước đo mức độ tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương, là công cụ hữu hiệu góp phần giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở./.
Hoàng Trọng Hùng
[1] Được quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
[2] Được quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.
[3] Theo khoản 3, Điều 3, Quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
[4] Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh (
ban hành kèm theo Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 27/6/2017); Công văn số 6459/UBND-NC ngày 17/8/2017 hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017; tham mưu công bố Danh sách các đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2017, 2018 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang tin điện tử của Sở Tư pháp…
[5] Báo cáo số 175/BC-STP ngày 17/9/2018 và Báo cáo số 91/BC-STP ngày 25/4/2019 của Sở Tư pháp