Tại Việt Nam - quốc gia được lựa chọn là 1 trong 8 nước thí điểm thực hiện, sáng kiến này đã và đang được Chính phủ tích cực chỉ đạo triển khai. Trong bối cảnh cần tăng cường hợp tác phát triển với các các đối tác nước ngoài, chúng tôi xin giới thiệu chính sách nêu trên của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của LHQ. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về cam kết của Chính phủ và LHQ về hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp mà Bộ Tư pháp là cơ quan điều phối thực hiện.
Tác giả bài viết, với tư cách là người trực tiếp tham gia soạn thảo, đàm phán và ký kết các văn kiện quan trọng định hướng khuôn khổ hợp tác chung giữa các tổ chức của LHQ và Việt Nam[1], đồng thời là người có kinh nghiệm thực tiễn từ công tác điều phối các hoạt động hợp tác pháp luật giữa Việt Nam với các tổ chức của LHQ, ngoài việc trình bày những thành tựu về cải tổ LHQ ( phần 1 của bài viết), sẽ đưa ra các kiến nghị nhằm thực hiện thành công sự hỗ trợ đa dạng của tổ chức lớn nhất hành tinh này tại nước ta (phần thứ 2).
1.“Sáng kiến Một LHQ” tại Việt Nam:
Sáng kiến Một LHQ là một phần trong các đề xuất của Nhóm Cấp cao về Nhất quán trong toàn hệ thống của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ). Năm 2006, sau công bố Báo cáo của Nhóm, tám quốc gia gồm: Albania, Cape Verde, Mo-zam-bich, Pakistan, Rwanda, Tanazania, Uruguay, và Việt Nam đã được chọn thí điểm thực hiện sáng kiến "Một Liên Hợp Quốc". Các quốc gia thực hiện thí điểm đã nhất trí cùng nỗ lực hướng tới một sự hiện diện chung của Liên Hợp Quốc tại đất nước mình dựa trên các thế mạnh và các lợi thế của thành viên khác trong gia đình Liên Hợp Quốc. Việt Nam, với tư cách là một trong 8 nước được LHQ lựa chọn, đã và đang tích cực cùng các tổ chức LHQ thực hiện thí điểm mô hình “Một LHQ tại Việt Nam” với những kết quả bước đầu đáng khích lệ, đóng góp thiết thực vào tiến trình cải cách hoạt động của LHQ trong lĩnh vực phát triển.
Trong năm 2007, tám quốc gia đã thí điểm các mô hình khác nhau về việc thực hiện "Chỉ có Một". Tại Việt Nam, Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện công tác này. Một kế hoạch hành động đã được thiết lập cùng các tiểu nhóm để xây dựng "Năm một": Một kế hoạch, Một ngân sách, Một hệ thống quản lý, Một lãnh đạo và Một nhà LHQ.
Quá trình cải cách LHQ tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2005 với việc Chính phủ Việt Nam thông qua “Tuyên bố Hà Nội về hiệu quả viện trợ” nhằm kêu gọi các nhà tài trợ thích ứng hơn với các chiến lược phát triển và hệ thống quốc gia, giảm chi phí giao dịch đi kèm với việc cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA). Việt Nam luôn ủng hộ tiến trình cải cách Liên hợp quốc và là một trong 8 nước đầu tiên trên thế giới tự nguyện thí điểm thực hiện cải cách Liên hợp quốc ở cấp quốc gia từ cuối năm 2005. Việc Việt Nam chủ động đề xuất và đang tích cực cùng các tổ chức LHQ thực hiện thí điểm mô hình “Một LHQ tại Việt Nam” với những kết quả bước đầu đáng khích lệ, là đóng góp thiết thực của nước ta vào tiến trình cải cách hoạt động của LHQ trong lĩnh vực phát triển. Việt Nam đã nhanh chóng thành lập các nhóm công tác theo chuyên đề để hỗ trợ thực hiện sáng kiến trên. Tháng 2/2006, các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam đã xây dựng đề xuất chiến lược hợp nhất và chia sẻ "lộ trình hợp nhất" với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển. Tiếp theo, một nhóm công tác liên ngành đã soạn thảo "Những nguyên tắc, mục tiêu và công cụ thống nhất" để xây dựng "Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ quá trình phát triển quốc gia vì lợi ích của nhân dân Việt Nam.
Sáng kiến “Một LHQ” được thực hiện nhằm hài hoá hơn hoạt động của các cơ quan, các quỹ và chương trình của LHQ tại Việt Nam nhằm đạt được sự tập trung, hiệu quả và tác động phát triển rộng lớn hơn.
Quá trình cải cách LHQ ở Việt Nam đầu tiên là nhằm đáp ứng những yêu cầu và ưu tiên quốc gia, đặc biệt là những vấn đề được vạch ra trong Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội”.[2]Điểm mấu chốt trong “Sáng kiến một LHQ” là mục tiêu “Quy về một mối” tất cả các cơ quan LHQ tại Việt Nam thông qua sự kết hợp tốt hơn, sự điều phối hiệu quả hơn và tác động phát triển mạnh mẽ hơn. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, một kế hoạch hành động được đưa ra và các tiểu nhóm được lập ra để xây dựng “Năm một: Một kế hoạch,Một Ngân sách,Một hệ thống thông lệ Quản lý,Một Lãnh đạo và Một Nhà LHQ”.[3]Các sáng kiến “Năm một” này là nội dung chính của Sáng kiến Một LHQ với sự tham gia đầu tiên của UNDP, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA; sau đó là Quỹ Liên hợp quốc về sự Phát triển của Phụ nữ (UNIFEM), Chương trình Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) và Chương trình Tình nguyện viên Liên hợp quốc (UNV). Như vậy, trong tương lai, tất cả các cơ quan LHQ tại Việt Nam sẽ hoạt động dưới sự lãnh đạo chung, trong một chương trình chung, theo một phương thức quản lý chung, với một ngân sách chung và tại một mái nhà chung. Hướng tới mục tiêu hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong việc thực hiện các dự án của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Liên hợp quốc đã xây dựng một ngân sách chung, thành lập một đơn vị truyền thông chung, và soạn thảo một bộ các tiêu chuẩn về dịch vụ và chi phí chung nhằm cho phép tổ chức này tăng cường hiệu quả hoạt động và đáp ứng những ưu tiên của Việt Nam một cách chiến lược hơn. Ngoài ra, công việc hình thành một văn phòng làm việc chung của các cơ quan Liên hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam đang được tiếp tục triển khai. Các tổ chức LHQ, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đều nhất trí rằng việc xây dựng một “ngôi nhà xanh” cho LHQ cho 16 tổ chức đang có mặt tại Việt Nam là điều kiện tiên quyết để có thể hoàn tất sang kiến Một LHQ. Nguồn ngân sách từ các nhà tài trợ quan trọng và các tổ chức LHQ đã được huy động cho “ngôi nhà xanh LHQ” với hy vọng kế hoạch này sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả phát triển thông qua các nhóm công tác và cho phép giảm chi phí, hài hoà hoá và đơn giản hoá các hoạt động nói chung.
Việt Nam đã thực hiện tốt giai đoạn 1 của chương trình thực hiện sáng kiến "Một Liên hợp quốc" với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ , lãnh đạo các cơ quan có liên quan, và sự với 6 tổ chức nêu trên của LHQ. Thành công ban đầu của sáng kiến “Một Liên hợp quốc” tại Việt Nam đã khiến tổ chức này chọn Việt Nam là quốc gia thành viên đầu tiên tham gia một kế hoạch hành động chung nhằm tiếp tục tối ưu hoá các hoạt động của tổ chức đa quốc gia lớn nhất hành tinh này ở Việt Nam. Nhiều tiến bộ to lớn đã đạt được trong năm 2007. Ngày 23/8/2007, Chính phủ Việt Nam và LHQ tại Việt Nam đã ký kết Kế hoạch hành động chung cho giai đoạn từ nay đến năm 2010 (“Kế hoạch chung”). Đây là một cột mốc chính trong tiến trình cải cách của tổ chức này ở Việt Nam, đồng thời đóng vai trò như là trụ cột quan trọng của sáng kiến “Một Liên hợp quốc”. Kế hoạch chung gắn kết tất cả các chương trình của 6 cơ quan LHQ (UNICEF, UNDP, UNFPA, UNAIDS, UNIFEM và UNV) trong một khuôn khổ chương trình thống nhất. Sáng kiến Một LHQ góp phần tạo ra một quá trình mở và dự kiến đầu năm 2008 Kế hoạch chung sửa đổi sẽ được hoàn tất trên cơ sở liên kết tất cả các tổ chức còn lại trong số 14 cơ quan của Liên hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam vào khuôn khổ chung.[4]
Với kinh nghiệm và kết quả đã đạt được trong quá trình triển khai “Sáng kiến một Liên hợp quốc”, Việt Nam sẽ có tiếng nói quan trọng trong quá trình thảo luận, góp phần tạo hướng đi mới cho hoạt động của Liên hợp quốc. Đội ngũ LHQ tại Việt Nam đang nỗ lực làm việc với Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế để có thể hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả, đầy đủ và phù hợp với những ưu thế của hệ thống LHQ nhằm đạt được Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội, các nguyên tắc cũng như Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.[5]
II.KIẾN NGHỊ CHUNG NHẰM THỰC HIỆN THÀNH CÔNG SỰ HỖ TRỢ CỦA LHQ TẠI VIỆT NAM
1.Việc thực hiện “Sáng kiến Một LHQ” tại Việt Nam:
Trong quá trình thực hiện “sáng kiến Một LHQ” tại Việt Nam, đã có nhiều bài học được rút ra, nhưng cho đến thời điểm này điều quan trọng nhất có thể thấy là sự chỉ đạo sâu sắc và sát sao của Chính phủ Việt Nam chính là lý do quan trọng dẫn đến những tiến bộ của tiến trình cải cách LHQ ở Việt Nam như hiện nay.
Tuy nhiên, có không ít những thách thức cần phải vượt qua trong quá trình thực hiện “Sáng kiến một LHQ” tại Việt Nam. Đó là thực tế công việc cải cách cần tiếp tục đầu tư và đầu tư hơn nữa, đòi hỏi đội ngũ nhân viên của “gia đình LHQ” cần dành thêm thời gian và sức lực để thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến. Một khó khăn khác, là cần phải tìm ra cách thức để làm việc trong từng hệ thống và quy trình thủ tục của các cơ quan vì mỗi cơ quan của LHQ lại có phương pháp làm việc khác nhau. Ví dụ, hầu hết các cơ quan LHQ tại Việt Nam đều có hệ thống phần mềm tính toán tài chính riêng và điều đó cản trở các nỗ lực trong việc quy về một mối và làm báo cáo chung. Thách thức nữa là “phải chú ý tới thành quả”, có nghĩa là phải đảm bảo rằng Sáng kiến “Một LHQ” sẽ tối đa hoá ảnh hưởng về chính sách, chủ trương và chuẩn mực mà LHQ có thể có đối với một số vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt.
2.Các vấn đề tác nghiệp và điều phối trong quá trình thực hiện Kế hoạch chung
Đây là vấn đề đóng vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công của các mục tiêu đã đặt ra. Một loạt chính sách, thủ tục mới trong công tác lập chương trình và công cụ quản lý được LHQ thực hiện trên toàn cầu cũng như một số hướng dẫn và công cụ quản lý dự án cần luôn được cập nhật và hoàn thiện, đặc biệt là Sổ tay quản lý chương trình, Sổ tay về theo dõi và đánh giá, Mẫu văn kiện Dự án, hệ thống thông tin về lập kế hoạch, ngân sách và báo cáo từ hệ thống dựa trên đầu vào thành hệ thống dựa trên hoạt động hay kết quả. Nhưng sáng kiến đổi mới quản lý nói trên đòi hỏi cán bộ, nhân viên LHQ cũng như các đối tác quốc gia phải có những thay đổi căn bản về tư duy và cách làm.
3. Hoàn thiện khung thể chế về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA
Ngay sau khi Việt Nam nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào tháng 11.1993, nhận thức được trách nhiệm đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA cũng như tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với sự nghiệp phát triển đất nước, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ nguồn vốn này như một nguồn lực công của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam nghiên cứu và xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA. Ngày 15.3.1994, Nghị định đầu tiên về quản lý và sử dụng ODA (Nghị định 20/CP) đã được Chính phủ ban hành. Tiếp theo Nghị định 20/CP, căn cứ vào tình hình thực tế và thực tiễn viện trợ phát triển, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị định 87/CP (ngày 05/8/1997), Nghị định 17/2001/NĐ-CP ngày 04/5/2001 và Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; Nghị định 103/CP ngày 26/12/2008 và Nghị định 78/CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài. Căn cứ vào các Nghị định trên của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, như Thông tư 04/2007/TT-BKH hướng dẫn thực hiện Nghị định 131/2006/NĐ-CP và Thông tư 03/2007/TT-BKH hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Ban Quản lý các chương trình, dự án ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư 108/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính trong nước vốn ODA; Thông tư 01/2008/TT-BNG của Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc ký kết các điều ước quốc tế về ODA... Quá trình không ngừng hoàn thiện khung thể chế về quản lý và sử dụng ODA của Chính phủ đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Các văn bản về quản lý và sử dụng ODA đã thiết lập khung thể chế đồng bộ về thống nhất quản lý ODA, trao quyền cho các đơn vị thụ hưởng và cơ quan chủ quản trong quá trình thực hiện để đề cao trách nhiệm, phát huy sáng kiến và huy động sự tham gia, đồng thời tăng cường hậu kiểm theo tinh thần hài hoà quy trình và thủ tục ODA với nhà tài trợ.
Sang thời kỳ sau năm 2010, khi Việt Nam thoát khỏi tình trạng nước nghèo với thu nhập trên 1000 USD/ đầu người/ năm, thì chính sách của các nhà tài trợ về hỗ trợ ODA cho Việt Nam cũng sẽ có nhiều thay đổi, trong đó có thay đổi về lượng và cơ cấu vốn ODA. Đây chính là lúc mà Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế thiết lập một nền tảng pháp lý để Việt Nam tiếp tục con đường phát triển bền vững, ngay cả khi rất nhiều nhà tài trợ kết thúc chính sách hợp tác phát triển. Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có chính sách mới về thu hút và sử dụng ODA cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới về quản lý và sử dụng nguồn vốn này, phù hợp sự thay đổi về tính chất nguồn vốn ODA tại thời điểm đó.
4.Sáng kiến thực hiện hài hoà và đơn giản hoá của Nhóm các tổ chức phát triển của LHQ (United National Development Group – UNDG) và Nhóm điều phối Chương trình (PCG)
Các sáng kiến của UNDG cũng là một yếu tố không thể xem nhẹ. Ban Chấp hành UNDG luôn khuyến nghị một loạt các biện pháp sẽ được nghiên cứu và từng bước thực hiện, trong đó có việc hài hoà hoá thuật ngữ và cấu trúc văn kiện chương trình, tăng cường mối liên kết giữa UNDAF và các chương trình quốc gia, hài hoà hoá các phương thức thực hiện, chuẩn hoá các mẫu báo cáo, thực hiện hoạt động theo dõi và đánh giá chung, hài hoà các phương thức chuyển vốn, tài chính v.v....
Gần đây, trên cơ sở “Kế hoạch chung” đã được Chính phủ ký kết với 14 tổ chức của LHQ tại Việt Nam, Tài liệu quản lý Kế hoạch chung - một công cụ quản lý nội bộ cũng đã được LHQ soạn thảo. Công cụ này trình bày các cách thức mà LHQ sẽ áp dụng trong việc tăng cường tính hiệu quả và kế nối chương trình thông qua việc hình thành 11 Nhóm điều phối chương trình (Program Coordination Group -PCG). Các Nhóm này có chức năng điều phối việc thực hiện và giám sát kết quả của Kế hoạch chung. Đây là một trong những điểm khác biệt trong Sáng kiến Một LHQ của Việt Nam so với các nước thí điểm khác. Để Kế hoạch chung được thực hiện hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động của các Nhóm điều phối chương trình, cần tăng cường năng lực chỉ đạo, điều phối của Ban Chỉ đạo Kế hoạch chung (đã được thành lập - bao gồm thành viên từ Chính phủ và LHQ)[6]. Bên cạnh đó, còn cần phải đẩy nhanh việc phê duyệt và thực hiện rất nhiều văn kiện Thoả thuận khác giữa các tổ chức của LHQ (ví dụ như Quy tắc ứng xử và Tài liệu Tham chiếu cho các tổ chức LHQ (đã được thông qua), Cơ chế giải quyết tranh chấp v.v...). Ngoài ra, vai trò của LHQ trong việc điều phối việc đối thoại công khai về các vấn đề chính sách phát triển quan trọng cùng cần được duy trì và phát triển với sự hỗ trợ của Nhóm truyền thông LHQ.
5.Năng lực quốc gia trong việc thực hiện chính sách quốc gia điều hành:
Đây là vấn đề luôn được Chính phủ và LHQ nỗ lực nâng cao. Các khoá tập huấn về quản lý Dự án và thủ tục của Cẩm nang quốc gia điều hành (NEX) thường xuyên được tổ chức cho các Dự án của LHQ nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý Dự án. Việc kiểm toán các Dự án NEX được tiến hành hàng năm theo các thủ tục và chính sách hiện hành đã đưa ra các báo cáo kiểm toán cùng những kiến nghị nhằm khắc phục những tồn tại và cải thiện hiệu quả hoạt động của Dự án.[7]Ngoài ra, cần phải quan tâm xây dựng mô hình quản lý Dự án ODA một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn bằng cách đẩy mạnh phân cấp mạnh từ TW xuống địa phương, tăng cường năng lực tiếp nhận và quản lý ODA của các địa phương và các cơ quan chuyên ngành.
6.Cơ chế điều phối giữa các bên tham gia chương trình, Dự án:
Cơ chế điều phối giữa các bên tham gia chương trình, Dự án cũng là một yếu tố quyết định thành công của hợp tác phát triển. Hiện đã có một số cơ chế điều phối tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện trao đổi thông tin trong các đối tác phát triển và qua đó khuyến khích sự thống nhất ngày càng cao trong việc xây dựng các chương trình, Dự án. Các cuộc họp Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, được tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần, là những diễn đàn chính để thức đẩy đối thoại chính sách tích cực giữa Chính phủ và các nhà tài trợ. Một số nhóm quan hệ đối tác cũng đã được thành lập, có sự tham gia của Chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức phi Chính phủ. Các tổ chức của LHQ cũng là những thành viên tích cực của những nhóm này. Diễn đàn các nhà tài trợ họp hàng tháng do UNDP tổ chức là một cơ hội thường xuyên để các nhà tài trợ gặp gỡ và trao đổi các vấn đề phát triển quan trọng. Trong nội bộ LHQ, Trưởng đại diện các tổ chức đã có những cuộc họp chính thức hàng tháng. Các nhóm Phó đại diện cũng như cán bộ hành chính, chương trình đều gặp gỡ thường xuyên để thúc đẩy các tổ chức LHQ hoạt động ngày càng hiệu quả.
Các cuộc trao đổi thường xuyên cũng đã được tổ chức giữa UNDP và các cơ quan Chính phủ nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án, đưa ra quyết định về những vấn đề lớn, vào bảo đảm sự điều phối tốt giữa các bên. Những cuộc trao đổi này là rất bổ ích cho cán bộ LHQ và các cơ quan Chính phủ nhằm khuyến khích các kết quả đã đạt được hoặc sớm có biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh. Các cuộc kiểm điểm Dự án hàng năm đã tiếp tục tỏ ra rất hữu ích đối với tất cả các bên, không chỉ thông qua các cuộc họp chính thức mà còn qua các cuộc tham khảo nội bộ của phía Chính phủ. Tuy nhiên, về quy mô/ hình thức, những cuộc kiểm điểm này cần vượt ra ngoài khuôn khổ kiểm điểm ba bên truyền thống (giữa nhà tài trợ, cơ quan thực hiện Dự án và các cơ quan quản lý viện trợ của Chính phủ) để trở thành các cuộc kiểm điểm đối tác hàng năm. Về nội dung, để các cuộc kiểm điểm thực sự có hiệu quả và tạo ra một cách nhìn đúng đắn hơn về khía cạnh quản lý Dự án, cần phải quan tâm đúng mức đến hiệu quả hoạt động chứ không chỉ đến các kết quả đạt được. Trách nhiệm giải trình, ý thức trách nhiệm, nguyên tắc tuân thủ, đến việc cùng tham khảo ý kiến về những vấn đề có ý nghĩa về mặt chính sách cũng là vấn đề cần quan tâm.[8]Tăng cường hệ thống quản lý, theo dõi và và đánh giá dựa trên kết quả là một xu thế tích cực cho hợp tác phát triển.
Cuối cùng, vai trò của cán bộ chương trình, Trung tâm dịch vụ và cán bộ dự án cũng nên được phân định rõ ràng để có những phối hợp hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ các hoạt động của Dự án. Các cán bộ chương trình của Liên hợp quốc cần được giải phóng khỏi việc xử lý các thủ tục hành chính truyền thống để chuyển sang chịu trách nhiệm về các mặt nội dung, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và kết quả đạt được. Các vấn đề hành chính cần được xử lý một cách minh bạch, dựa trên sự vận dụng thống nhất các tiêu chí, nguyên tắc và thủ tục đã được thống nhất.
Tóm lại,vai trò của LHQ tại Việt nam tập trung hỗ trợ việc thực hiện những biện pháp cải cách cũng như các chiến lược quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu bao trùm là xoá đói, giảm nghèo cho người dân Việt Nam. Việc phân tích đúng đắn, chia sẻ thông tin và đối thoại thường xuyên với các bên liên quan có ý nghĩa rất quan trọng trong mọi giai đoạn của chương trình hợp tác, từ lập kế hoạch chiến lược và xây dựng chính sách ở cấp quốc gia, sự tham gia của cấp cơ sở và xây dựng năng lực, đến công tác điều phối viện trợ. Hoạt động của Liên hợp quốc tại Việt nam được dựa trên nền tảng của công tác phân tích, đối thoại thường xuyên và cởi mở, sự trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ các nước khác – một quá trình mà chính những thành công của Việt Nam hiện đang đóng góp một phần lớn./.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp
___________________________________________
[1]Trong số đó có CCA - Báo cáo đánh giá chung của LHQ về Việt Nam (xuất bản năm 2004); UNDAF - Khuôn khổ Hỗ trợ của LHQ cho Việt nam giai đoạn 2006-2010; CPAP – Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia Hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) giai đoạn 2006 – 2010; CDP Văn kiện Chương trình của UNDP với Việt Nam; One Plan/ Kế hoạch chung giữa 14 tổ chức của LHQ và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2006-2010 (Kế hoạch chung). Nội dung của Kế hoạch chung và UNDAF sẽ được trình bày trong các bài viết tiếp theo.
[2]Tháng 3.2005, tại Diễn đàn cấp cao lần thứ 2 về hiệu quả viện trợ họp tại Paris, đại diện cấp Bộ trưởng của hơn 100 nước đang phát triển, các nước tài trợ, những người đứng đầu các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế đa phương và liên Chính phủ đã nhất trí thông qua Tuyên bố Paris về hiệu quả viện trợ, trong đó đưa ra các nguyên tắc, cam kết chính trị và những chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả viện trợ cần đạt được vào năm 2010. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về nguyên tắc Tuyên bố này và giao cho các cơ quan Việt Nam phối hợp với các nhà tài trợ triển khai thực hiện. Dựa trên nền tảng Tuyên bố Paris, Việt Nam và các nhà tài trợ đã “Việt Nam hoá” Tuyên bố này thành Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ để tính đến những điều kiện phát triển cụ thể và hiện trạng viện trợ phát triển ở Việt Nam. Việc làm này tuơng tự như chúng ta đã “quốc gia hoá” nhũng Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ quốc tế (MDGs) thành những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam (VMDGs). Tuyên bố Paris và Cam kết Hà Nội thể hiện cam kết của cộng đồng phát triển trong việc đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí giao dịch và tăng tác động của viện trợ phát triển chính thức.
[3]Lời Ông John Hendra - Điều phối viên của LHQ tại Việt Nam: “Tất cả “năm cái chung” này bổ sung, hỗ trợ cho nhau và thực hiện cùng nhau thì sẽ giúp tăng cường năng lực của Liên hợp quốc trong việc ra các quyết định chiến lược”.
[4] Ông John Hendra, điều phối viên LHQ tại Việt Nam cho biết: “Khi Việt Nam đang tiến dần tới đích các nước có thu nhập trung bình, chúng tôi cũng đồng hành cùng Chính phủ, với sự hỗ trợ của nhóm tài trợ, hiện thực hoá tầm nhìn chung về một LHQ ở Việt Nam nhằm tối đa hoá các lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ một cách hiệu quả nhất cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam
[5]Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc năm 2000, 189 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Tuyên bố Thiên niên kỷ và cam kết đạt được tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) vào năm 2015. Đây là sự đồng thuận chưa từng có của các nhà lãnh đạo trên thế giới về những thách thức quan trọng toàn cầu trong thế kỷ 21 cũng như cam kết chung về việc giải quyết những thách thức này.
Tuyên bố Thiên niên kỷ và các MDG là lộ trình tiến tới xây dựng một thế giới mà ở đó không còn nghèo đói, tất cả trẻ em được học hành, sức khoẻ của người dân được nâng cao, môi trường được duy trì bền vững và mọi người được hưởng tự do, công bằng và bình đẳng.
Tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) bao gồm từ mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực tới chặn đứng sự lây lan của HIV/AIDS và đạt phổ cập giáo dục tiểu học, tất cả đều phải hoàn thành vào năm 2015. Các MDG đã được tất cả các nước cũng như tất cả các cơ quan/tổ chức phát triển hàng đầu trên thế giới nhất trí. Các mục tiêu này đã thúc đẩy những nỗ lực to lớn chưa từng có nhằm đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất trên thế giới.
Các MDG là nhằm phục vụ con người và đảm bảo rằng:
· Mọi người đều có đủ lương thực
· Tất cả trẻ em học hết tiểu học
· Phụ nữ có các cơ hội và được tôn trọng như nam giới
· Có thêm nhiều trẻ em dưới 5 tuổi lớn lên khoẻ mạnh
· Ngày càng có ít bà mẹ bị tử vong khi sinh con
· Số người bị mắc các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS và sốt rét liên tục giảm
· Chúng ta để lại cho các thế hệ con cháu mai sau một môi trường trong lành và đẩy lùi tình trạng gây hại đối với môi trường
· Cộng đồng toàn cầu liên hiệp và phối hợp với nhau để xây dựng một thế giới bình đẳng và công bằng hơn
[6]Ngày 15/7/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Kế hoạch chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức Liên Hợp Quốc giai đoạn 2006 - 2010. Theo quyết định này, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc các cơ quan, địa phương liên quan trong việc triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch chung hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức Liên Hợp Quốc (LHQ). Ban Chỉ đạo có trách nhiệm rà soát các phương thức thực hiện Kế hoạch chung, phân công trách nhiệm quản lý từng lĩnh vực tương ứng cũng như xác lập các biện pháp khuyến khích, nhân rộng các mô hình, cách tiếp cận thành công và các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Kế hoạch chung. Ban này cũng sẽ xác định những điều chỉnh cần thiết và nhu cầu về nguồn lực để thực hiện Kế hoạch chung cho những năm tiếp theo, đồng thời tiến hành kiểm điểm hàng năm và giữa kỳ, giám sát tiến độ thực hiện và tổ chức đánh giá Kế hoạch chung. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư VN và Điều phối viên thường trú các tổ chức LHQ tại Việt Nam làm đồng Trưởng ban. Các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện cấp vụ của Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư và Trưởng đại diện của một số tổ chức LHQ tại Việt Nam. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng/lần và quyết định các vấn đề trên cơ sở đồng thuận. Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau, 2 đồng Trưởng ban trao đổi để thống nhất đưa ra quyết định cuối cùng.
[7]Các báo cáo kiểm toán gần đây đã đưa ra những nhận xét tích cực về năng lực quốc gia trong việc thực hiện chính sách quốc gia điều hành.
[8]Khái niệm accountability (trách nhiệm giải trình) đôi khi bị nhầm lẫn với khái niệm responsibility (ý thức trách nhiệm). Không những Chính phủ và UNDP đều cùng phải chịu trách nhiệm về giải trình chất lượng chuyên môn cũng như việc sử dụng đúng đắn các nguồn lực được phân bổ cho Dự án, mà ngay chính Dự án cũng có cùng mức độ và trách nhiệm giải trình. Tương tự, khái niệm ownership không nên được hiểu nhầm như một đặc quyền của đối tác trong việc sử dụng các nguồn lực được phân bổ cho Dự án, mà cần phải nhận thức đây là tính chủ động hoặc sự cam kết của đối tác quốc gia trong việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động dự án và sử dụng kết quả dự án để cải tiến các quy trình và chính sách quốc gia nếu phù hợp.
_______________________________________
Các bài có liên quan:
Kế hoạch triển khai Nghị đính số 78/2008/NĐ-CP về Quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật