Trong một cuộc ẩu đả do có hơi men, Nguyễn Văn P. đã dùng tuýp sắt đánh vào đàu Phạm Đức Đ. làm Đ tổn hại sức khoẻ 18%. Cơ quan CSĐT đã tiến hành khởi tố P. về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, do P. đang trong thời gian chữa bệnh nên P. được cho tại ngoại. Từ ngày P. bị khởi tố điều tra, mâu thuẫn giữa hai gia đình bị can, bị hại càng trở nên căng thẳng. Thậm chí có lần đi qua ngõ nhà Đ., P còn bị ném đá vào đầu. Thấy vậy, một người hàng xóm của gia đình Đ. đã mời các tổ viên tổ hoà giải khu phố đến. Tuy nhiên các hoà giải viên đã từ chối do đây là vụ việc hình sự, Công an đang giải quyết nên không được hoà giải.
Theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở và Nghị định 160/CP hướng dẫn thi hành thì hoà giải viên chỉ được tiến hành hoà giải những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cộng động dân cư như tranh chấp sử dụng lối đi chung, điện nước sinh hoạt, việc cãi chửi nhau gây mất trật tự; các mẫu thuẫn trong gia đình như tính tình không hợp, mâu thuẫn trong lối sống…Nói chung là các tranh chấp phát sinh từ những vi phạm pháp luật nhỏ chưa đến mức bị xử lý hành chính. Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 160/CP thì tổ hoà giải không được tiến hành hoà giải các vụ việc như tội phạm hình sự, vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính, kết hôn trái pháp luật, tranh chấp lao động…
Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Tư pháp huyện Duy Tiên, Hà Nam tại một cuộc hội thảo về hoà giải cơ sở thì nên có việc hoà giải về dân sự trước khi xử lý hình sự, bởi lẽ hoà giải là một dịp rất tốt để tuyên truyền pháp luật, giúp cho tội phạm ăn năn hối cải và tự giác khắc phục hậu quả. Mặt khác, hoà giải cũng dỡ được gánh nặng cho công tác thi hành án dân sự sau này (nếu có trách nhiệm bồi thường dân sự trong án hình sự).
Đồng tình với quan điểm nói trên, ông Dương Khánh, quyền Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hoá phân tích: hoà giải trong hình sự không có nghĩa là hoà giải hoá vi phạm hình sự. Khi tội phạm xảy ra một mặt các cơ quan tố tụng vẫn điều tra truy tố, xét xử theo quy định, nhưng mặt khác các hoà giải viên vẫn hoà giải để mâu thuẫn giữa các bên bớt căng thẳng. Thậm chí trong nhiều vụ án, bị cáo giết người đã đi tù, đã bị xử tử hình thì việc hoà giải vẫn cần tiến hành. Việc hoà giải như vậy chỉ có lợi chứ không có hại nên không cần thiết phải đặt ra quy định cấm.
Không nên cấm hoà giải đối với các vi phạm hình sự, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rắng pháp luật chỉ nên khuyến khích hoà giải mà không quy định nó là thủ tục bắt buộc như trong tố tụng dân sự. Cũng bởi trong tố tụng dân sự việc hoà giải do các cán bộ Toà án - những người có chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật tiến hành, còn hoà giải ở cơ sở do các hoà giải viên - những người chỉ có hiểu biết pháp luật nhất định thực hiện.
Một vấn đề khác đặt ra là nếu cho phép hoà giải cả vi phạm hình sự thì giá trị pháp lý của việc hoà giải sẽ như thế nào đối với quá trình giải quyết vụ án? Nhiều ý kiến cho rằng, hoà giải dù có thành hay không thì đều phải lập thành biên bản. Các biên bản đó sẽ được lưu trong hồ sơ vụ án hình sự. Nếu có chứng cứ thể hiện bị cáo ăn năn hối cải thì đó là tình tiết giảm nhẹ, còn nếu không hoà giải thành thì biên bản đó chỉ có giá trị tham khảo. Tất nhiên, việc sử dụng biên bản hoà giải như thế nào sẽ do những người tiến hành tố tụng quyết định. Liên quan đến vấn đề này, nhiều địa phương đề nghị cần phải có một cuộc tổng rà soát về cả số và chất lượng của các hoà giải viên, tiến tới chuẩn hoá đội ngũ này. Bởi khi Luật hoà giải được thông qua, hoà giải viên sẽ được bổ sung thêm những nhiệm vụ mới, nếu họ yếu kém về trình độ pháp luật sẽ không thể kham nổi.
Bình An
Theo quy định của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải cơ sở và Nghị định 160/CP hướng dẫn thi hành thì hoà giải viên chỉ được tiến hành hoà giải những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong cộng động dân cư như tranh chấp sử dụng lối đi chung, điện nước sinh hoạt, việc cãi chửi nhau gây mất trật tự… Tổ hoà giải không được tiến hành hoà giải các vụ việc như tội phạm hình sự, vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính, kết hôn trái pháp luật, tranh chấp lao động… |