Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những phương thức hữu hiệu để đưa pháp luật vào cuộc sống, đây được coi là khâu đầu tiên, quan trọng của quy trình tổ chức thực hiện pháp luật, trở thành cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống. Bởi vì khi được PBGDPL, mỗi công dân nắm bắt được nội dung, tinh thần của pháp luật, nhận thức được giá trị của pháp luật từ đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN), quản lý xã hội bằng pháp luật.
Long An là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 4.491,9 km2 (gần 4.500 km2) dân số gần 1,5 triệu người. Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ, có ranh giới chung với thành phố Hồ Chí Minh, đường biên giới chung với Vương Quốc Campuchia dài 136 km. Những năm qua, kinh tế Long An luôn đạt tăng trưởng cao, văn hóa xã hội phát triển; quốc phòng an ninh luôn đảm bảo. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên những thành quả đó là công tác PBGDPL. Việc đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống luôn được ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, thì Long An cũng tồn tại không ít những mặt trái đó là tình hình vi phám pháp luật, tệ nạn xã hội còn phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân còn hạn chế.
Năm 2013, đánh dấu sự phát triển mới của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Long An khi Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL nói chung và triển khai Luật PBGDPL nói riêng, từ đó đã góp phần sớm đưa Luật PBGDPL đi vào cuộc sống. Nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân được nâng lên; người dân được thông tin pháp luật. Công tác thi hành và bảo vệ pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nội dung PBGDPL luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương; thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL, cán bộ và Nhân dân trong tỉnh đã bước đầu hình thành ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật và từ đó nâng cao hiểu biết, tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Trong bối cảnh cuộc cánh mạng 4.0, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL góp phần đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL theo yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân là rất cần thiết.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An đã thực hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL đạt được một số kết quả như:
- Đăng tải thông tin pháp luật, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật trên Trang thông tin điện tử và duy trì hoạt động: Hiện nay, tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã và thành phố đều thành lập Trang thông tin điện tử nhằm phục vụ kịp thời đăng tải thông tin hoạt động của ngành, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ... của địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thông tin, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành hoặc soạn thảo trên Trang thông tin điện tử để phục vụ nhu cầu của cán, công chức, viên chức, người lao động và người dân; ứng dụng công nghệ thông tin trong trao đổi, gửi, nhận văn bản qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản của các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An;
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai văn bản pháp luật mới ban hành bằng hình thức trực tuyến đến các đối tượng trên địa bàn, nhất là cán bộ công chức, người được giao làm công tác PBGDPL ở cấp huyện, cấp xã;
- Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chữ ký số trong các văn bản chỉ đạo, điều hành; 100% cán bộ, công chức truy cập Internet để khai thác tài liệu phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
- Báo Long An online có chuyên mục “Bạn đọc - Pháp luật”, “pháp luật” và “Hỏi đáp & Văn bản” được đăng tin, cập nhật thông tin pháp luật liên tục, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, Nhân dân và đọc giả…
Để tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, Long An đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như:
Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021”, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3333/QĐ-UBND ngày 11/9/2019 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn tỉnh Long An.
Theo đó, từ năm 2020 trở đi, các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục hoàn chỉnh, nâng cấp Trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị, địa phương mình để cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; liên kết, chia sẻ với Cổng thông tin điện tử PBGDPL của Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp; đến năm 2021, hoàn thiện chia sẻ cơ sở dữ liệu PBGDPL, Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia; tăng cường, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp qua hình thức đối thoại trực tuyến, các hình thức PBGDPL phù hợp khác… Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL khác trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở; rà soát, củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, nhất là đội ngũ Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật, công chức pháp chế các sở, ngành tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp - Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện; tổng kết thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh và tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp, UBND tỉnh theo thời gian quy định./.
Phòng PBGDPL.STPLA