Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Lý lịch tư pháp

“Việc hình thành Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp gắn với việc cấp phiếu lý lịch tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sự của công dân nên cần thiết phải ban hành Luật. Cũng không nên lo “phình” bộ máy vì nếu việc mở rộng bộ máy mà giúp ích nhiều hơn cho người dân, cho công tác quản lý nhà nước thì không nhất thiết cứ phải “co” lại, giống như Quốc hội, cứ “tự ta bó ta” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thể hiện quan điểm về dự án Luật Lý lịch tư pháp được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 23/12.

 

Không mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với “tiền sự”

Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan soạn thảo nhận thấy, mục đích của quản lý nhà nước về lĩnh vực LLTP là đáp ứng nhu cầu của cá nhân chứng minh người đó có hay không có án tích; ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người từng bị kết án tái hoà nhập cộng đồng, hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự. Thực tiễn việc cấp phiếu LLTP thời gian qua cho thấy, khi cơ quan, tổ chức ở trong nước hoặc nước ngoài có nhu cầu cần biết nhân thân tư pháp của một người để phục vụ quản lý nhân sự, làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh... thì điều mà cơ quan, tổ chức quan tâm là án tích và tình trạng thi hành bản án của người đó. Vì vậy, phạm vi quản lý LLTP được xác định bao gồm án tích và tình trạng thi hành bản án. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, phạm vi quản lý LLTP cũng chỉ là án tích. Ngoài ra, để góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh, bảo đảm sự lành mạnh của môi trường kinh doanh, bên cạnh các hình phạt bổ sung về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc  nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì phạm vi quản lý LLTP cần bao gồm cả việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Phá sản.

Giải thích thêm về lý do không đưa “tiền sự” vào phạm vi quản lý LLTP, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: người có tiền sự được hiểu là người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý vi phạm hành chính. Đối với các loại quyết định này, hiện do nhiều cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng với nhiều mức độ và hình thức xử lý, xử phạt khác nhau. Hơn nữa, các quyết định xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành thì sau một năm kể từ ngày ra quyết định cũng không được coi là có tiền sự, đồng thời, việc theo dõi, cập nhật, quản lý các thông tin về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hiện nay trong phạm vi cả nước là chưa thể thực hiện. Do đó, việc mở rộng phạm vi quản lý LLTP bao gồm cả tiền sự là không khả thi và cũng không phù hợp với mục đích quản lý LLTP.

Thống nhất không “phình” bộ máy

Vấn đề được quan tâm nhất và cũng còn nhiều tranh cãi nhất khi Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật LLTP chính là tổ chức quản lý LLTP. Bộ Công an hay Bộ Tư pháp sẽ là đầu mối quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP? Theo quy định hiện hành, từ năm 1993, Bộ Tư pháp có chức năng giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về LLTP, các Sở Tư pháp có nhiệm vụ cấp phiếu LLTP. Dự thảo luật quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu LLTP để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo quy định của Chính phủ.

 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba khẳng định: “Ở nước ta hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP nên một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Luật LLTP là tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về LLTP nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý LLTP”. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Ba cũng nhấn mạnh: việc giao cho cơ quan nào quản lý hệ thống dữ liệu LLTP thì cũng cần phải có tổ chức bộ máy và xây dựng từ đầu. Nguyên nhân do hiện nay có rất nhiều đầu mối nắm thông tin về LLTP như Toà án, Viện Kiểm sát, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhưng không nơi nào có hệ thống dữ liệu đầy đủ về LLTP. Ngay Bộ Công an có Hệ thống tàng thư căn cước can phạm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cũng không thể đồng nhất hệ thống này với hệ thống dữ liệu LLTP vì cơ sở dữ liệu LLTP là hồ sơ pháp lý chứng minh nhân thân tư pháp của cá nhân, vừa phải bảo đảm tính hợp pháp, vừa phải công khai, minh bạch.

Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng: “Nên lấy đơn vị hành chính để quản lý LLTP thì tốt hơn vì như vậy sẽ tạo tâm lý nhẹ nhàng hơn cho người dân khi xin cấp phiếu LLTP và thuận tiện hơn trong cơ chế phối hợp cung cấp thông tin giữa các cơ quan liên quan. Tôi đồng tình với quy định ở cấp tỉnh thì giao cho Sở Tư pháp còn cấp Trung ương thì giao Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP”.

Tuy nhiên, về mô hình tổ chức cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự án Luật trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 23/12 quy định theo hướng chỉ thành lập Trung tâm LLTP quốc gia tại Bộ Tư pháp. Trung tâm này có nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP quốc gia. Nhiệm vụ cập nhật thông tin và cấp phiếu LLTP tại các địa phương được giao cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP do Chính phủ quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng quy định hai cấp và giao cho Bộ Tư pháp như vậy là phù hợp và cũng không nên câu nệ về việc có “phình” bộ máy hay không, vì nếu “phình” mà thuận lợi hơn cho người dân thì cũng là điều nên làm.

Hồng Thuý