Tác giả cũng vận dụng cả lý luận và thực tiễn, bao gồm cả việc viện dẫn các vụ việc điển hình để phân tích, so sánh và chỉ ra những điểm còn bất cập của pháp luật trọng tài Việt Nam về hình thức và nội dung của quyết định trọng tài, đề xuất những kiến nghị để sửa đổi, bổ sung các quy định đó cho thêm tính thực tiễn và khả thi, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế về trọng tài thương mại. Hy vọng rằng những phân tích và kiến nghị của bài viết này sẽ được cân nhắc, tham khảo trong quá trình xây dựng Luật trọng tài thương mại của Việt Nam.
1. Hình thức của Quyết định trọng tài:
Về cơ bản, hình thức của quyết định trọng tài được xác định theo 1) Thoả thuận trọng tài; và 2) Luật áp dụng cho trọng tài (the lex arbitri).
Khác với pháp luật về trọng tài của nhiều nước, cũng như quy tắc tố tụng trọng tài của nhiều thiết chế trọng tài quốc tế, pháp luật Việt Nam không có một điều nào quy định về hình thức của quyết định trọng tài. Tuy vậy, các quy định về nội dung của quyết định trọng tài tại Điều 44 Pháp lệnh trọng tài thương mại có thể cho chúng ta lý do để hiểu mặc nhiên rằng hình thức của quyết định trọng tài là bằng văn bản. Khoản 1 Điều 44 quy định “Chữ ký của các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất” hoặc khoản 2 “trường hợp có một trọng tài viên không ký vào quyết định trọng tài …”. Hành vi “ký” ở đây có thể cho chúng ta đương nhiên hiểu rằng quyết định trọng tài phải được lập bằng văn bản. Quy định này cũng tương tự như quy định của Luật trọng tài của Pháp.[1] Tuy nhiên, dù sao đi nữa, việc pháp luật của ta không có điều khoản quy định trực tiếp về hình thức của quyết định trọng tài cũng là vấn đề cần cân nhắc, tránh có những sự tuỳ tiện trong giải thích và áp dụng điều khoản này trên thực tế. Cũng cần nhấn mạnh rằng, pháp luật trọng tài của hầu hết các nước đều đòi hỏi rằng quyết định trọng tài phải được lập thành văn bản và phải có chữ ký của một hay nhiều trọng tài viên. Quy tắc trọng tài UNCITRAL, Điều 32 quy định quyết định trọng tài phải được lập thành văn bản; Quy tắc trọng tài ICSID, tại Điều 47 ; Điều 33 Luật trọng tài Thuỵ sỹ…[2] cũng có quy định tương tự.
Cũng cần kể đến một thực tế là Luật trọng tài năm 1996 của Anh, trong khi đã có quy định tại Điều 52(3) về hình thức văn bản của quyết định trọng tài, cũng như nghĩa vụ của mọi trọng tài viên trong việc ký quyết định trọng tài, vẫn có điều khoản bao trùm tại Điều 52(1) là tôn trọng quyền thoả thuận của các bên trong việc lựa chọn hình thức của quyết định trọng tài “Các bên tự do thoả thuận về hình thức của quyết định trọng tài”. Điều 31 Luật Mẫu về trọng tài, cũng như Điều 823(6) của Bộ Luật tố tụng dân sự Italia quy định rất rõ rằng các bên có quyền tự thoả thuận về địa điểm ký quyết định trọng tài, và rằng, quyết định trọng tài không nhất thiết phải được ký tại nơi xảy ra trọng tài.
Như vậy, có thể nói các bên có thể không áp dụng các yêu cầu mang tính tiêu chuẩn về hình thức bằng văn bản của quyết định trọng tài. Trên thực tế, Điều 52(1) của luật trọng tài Anh năm 1996 đã cho phép các bên có thể tính đến quyết định trọng tài bằng miệng, hoặc được thoả thuận qua điện thoại, hoặc một quyết định trọng tài chỉ do Chủ tịch Hội đồng trọng tài ký. Tuy vậy, trên thực tế thì quyết định trọng tài bằng miệng, theo suy đoán từ Luật trọng tài của Anh, vẫn chưa bao giờ xảy ra.
2. Nội dung của quyết định trọng tài:
Cũng giống như đối với hình thức của quyết định trọng tài, nội dung quyết định trọng tài được xác định chủ yếu dựa trên:
- Thoả thuận trọng tài; và
- Luật áp dụng cho trọng tài (the lex arbitri)
Điều 44 Pháp lệnh trọng tài thương mại Việt Nam quy định khá chi tiết và đầy đủ về nội dung quyết định trọng tài:
- Ngày, tháng, năm và địa điểm ra quyết định trọng tài, trong trường hợp việc giải quyết vụ tranh chấp do Trung tâm trọng tài tổ chức thì quyết định trọng tài phải có tên trung tâm trọng tài;
- Tên, địa chỉ của nguyên đơn và bị đơn;
- Họ, tên các Trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất;
- Tóm tắt đơn kiện và các vấn đề tranh chấp;
- Cơ sở để ra quyết định trọng tài;
- Quyết định về vụ tranh chấp; quyết định về phí trọng tài và các chi phí khác;
- Thời hạn thi hành quyết định trọng tài;
- Chữ ký của các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất.
So sánh với pháp luật của một số nước khác cũng như pháp luật quốc tế về trọng tài thì những yêu cầu về nội dung của Quyết định trọng tài nêu trên là khá đầy đủ. Đặc biệt, quy định về “thời hạn thi hành quyết định trọng tài” là khá mới so với pháp luật trọng tài của nhiều nước. Tuy nhiên, theo tác giả, quy định điều khoản này ở đây có lẽ vẫn hơi thừa, hoặc ít nhất là cũng không cần thiết, bởi lẽ thời hạn thi hành quyết định trọng tài đã được điều chỉnh tại một số văn bản pháp luật chuyên ngành về tố tụng dân sự hoặc thi hành án.
“Cơ sở để ra quyết định trọng tài” và “Chữ ký của các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất” là hai nội dung quan trọng của quyết định trọng tài, vì vậy sẽ được xem xét và phân tích kỹ dưới đây:
a) Cơ sở (hay còn gọi là lý do – reasons) để tuyên quyết định trọng tài:
Khoản 2 Điều 31 Luật Mẫu trọng tài của UNCITRAL quy định: “Trừ khi các bên thoả thuận về việc không nêu lý do hoặc khi phán quyết là quyết định về các điều khoản được thoả thuận theo Điều 30[3], phán quyết phải nêu lý do làm căn cứ để ban hành”.
Đây là nguyên tắc về cơ bản đã được công nhận trong pháp luật về trọng tài của hầu hết các quốc gia. Pháp luật về trọng tài của Liên bang Nga và của Ukraine thậm chí còn không cho phép các bên thoả thuận ngoại lệ về việc không nêu lý do, mà quy định bắt buộc rằng mọi phán quyết đều phải nêu rõ lý do. Trước đây việc nêu hay không nêu lý do của phán quyết trọng tài là sự khác biệt cơ bản trong pháp luật trọng tài của Châu âu lục địa và pháp luật án lệ. Pháp luật án lệ cho phép không cần nêu lý do trong quyết định trọng tài. Tuy nhiên, sự khác biệt đó giữa hai hệ thống pháp luật dần dần đã mất. Luật trọng tài của Anh năm 1996 cũng quy định trong Điều 52 khoản 4 rằng: “Phán quyết trọng tài cần phải nêu rõ lý do, trừ trường hợp các bên thoả thuận bỏ qua điều đó”. Tại Hoa Kỳ, các bang California, Connecticut, Oregon và Texas, pháp luật về trọng tài cũng có cách tiếp cận như Điều 31 khoản 2 của Luật Mẫu nêu trên. Các văn bản pháp luật khác về trọng tài của Hoa Kỳ cũng không yêu cầu phải nêu lý do, nhưng nếu quy tắc tố tụng trọng tài có quy định về việc phải nêu lý do (ví dụ như Điều 32 (3) Quy tắc trọng tài UNCITRAL, trừ phi các bên có thoả thuận khác – thì phán quyết phải nêu rõ lý do. Quy tắc trọng tài ICC tại Điều 25 không quy định trường hợp ngoại lệ không nêu lý do.
Tại một số nước, có sự phân biệt giữa phán quyết trọng tài giải quyết theo luật và phán quyết theo phương thức trung gian hoà giải (amiable composition). Tại Tây Ban Nha, vấn đề này được quy định tại Điều 31 Luật trọng tài năm 1988. Việc nêu lý do chỉ đồi hỏi đối với các phán quyết theo Luật (de jure award). Quy định tương tự có thể tìm thấy tại Luật trọng tài của Peru năm 1996, phần áp dụng cho trọng tài trong nước. Tuy nhiên đối với trọng tài quốc tế thì không có sự phân biệt, việc nêu lý do là bắt buộc đối với cả hai loại phán quyết. Quy định của Điều 32 khoản 2 được nhắc lại tại Điều 120(2) trong luật trọng tài của Peru.
Như vậy, có thể nói, việc nêu rõ cơ sở (hay lý do) của phán quyết trọng tài là bắt buộc và được coi như một trong các nội hàm của trật tự công cộng. Tuy vậy, một vấn đề có thể đặt ra là trật tự công cộng được áp dụng khi hoàn toàn thiếu việc nêu lý do, hay chỉ khi thiếu một phần lý do, hoặc nói cách khác, khi lý do được nêu chưa đầy đủ? Theo cách hiểu của tác giả, chỉ có việc hoàn toàn thiếu lý do mới có thể là cơ sở dẫn đến huỷ quyết định trọng tài. Trường hợp Toà án xem xét xem lý do được đưa ra cho phán quyết đã đầy đủ hay chưa có thể dẫn đến việc xem xét lại nội dung của vụ việc, trong khi điều này lại chính là hành vi vượt quá thẩm quyền của Toà án, trừ trường hợp quyết định trọng tài vi phạm trật tự công cộng.
b) Chữ ký của các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất:
Một trong những yêu cầu về mặt nội dung của Quyết định trọng tài theo pháp luật Việt Nam là cần phải có “chữ ký của các trọng tài viên hoặc trọng tài viên duy nhất”. Đây là yêu cầu được áp dụng phổ biến cho hầu hết pháp luật về trọng tài của các nước. Tuy nhiên, nếu nguyên tắc này được quy định và áp dụng một cách cứng nhắc, sẽ rất có thể xảy ra trường hợp một quyết định trọng tài có thể bị huỷ hoại đơn giản chỉ bằng một hành động của một trong các trọng tài viên cố ý từ chối ký vào quyết định. Vì vậy, bất kỳ pháp luật nước nào quy định “chữ ký” của trọng tài viên là điều kiện bắt buộc mà không tính đến các trường hợp ngoại lệ, sẽ không được coi là phù hợp với trọng tài quốc tế.[4]
Quy tắc trọng tài của các thiết chế trọng tài quốc tế chủ yếu đều quy định gián tiếp hoặc trực tiếp về chữ ký của trọng tài viên trong quyết định trọng tài. Quy tắc trọng tài ICC quy định rõ ràng rằng quyết định trọng tài cần phải được ký, nhưng chỉ cần chữ ký của đa số trọng tài viên, hoặc trong trường hợp không đạt được đa số chữ ký của các trọng tài viên, thì chỉ cần chữ ký của Chủ tịch Hội đồng trọng tài là đủ.[5] Điều 31 Luật Mẫu trọng tài cũng có quy định tương tự tại đoạn 1 rằng “Quyết định phải được lập bằng văn bản và phải được trọng tài viên hoặc các trọng tài viên ký. Trong tố tụng trọng tài gồm nhiều trọng tài viên, chữ ký của đa số các trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài là đủ, nếu như có nêu lý do về chữ ký khuyết.” Điều khoản tương tự cũng có thể tìm thấy tại Quyết định trọng tài LCIA.[6]
Để tránh trường hợp có trọng tài viên cố ý làm hỏng hiệu lực của quyết định trọng tài bằng cách không ký vào quyết định trọng tài, Khoản 2 Điều 44 Pháp lệnh trọng tài Việt Nam đa quy định bổ sung “trường hợp có trọng tài viên không ký vào quyết định trọng tài, chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong quyết định trọng tài và phải nêu rõ lý do.” Tuy nhiên, theo tác giả, tuyên bố ngoại lệ như vậy vẫn là chưa đủ, bởi lẽ vẫn chưa rõ ràng rằng “việc nêu rõ lý do trường hợp có trọng tài viên không ký vào quyết định trọng tài” như vậy đã đủ là căn cứ để quyết định trọng tài có hiệu lực hay không. Thiết nghĩ, pháp luật Việt Nam nên áp dụng cách quy định rõ ràng và rành mạch như quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài quốc tế ICC, LCIA hay Luật mẫu về trọng tài của UNCITRAL, như đã phân tích ở trên, là phù hợp hơn.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, một quyết định trọng tài có thể được trình lấy chữ ký của các trọng tài viên cùng lúc đang có mặt tại nhiều địa điểm khác nhau, và đối với các trường hợp trọng tài quốc tế, thì các trọng tài viên thậm chí có thể đang cùng lúc có mặt tại nhiều quốc gia khác nhau. Quyết định trọng tài không nhất thiết phải được ký tại chính địa điểm tiến hành xét xử trọng tài. Trong trường hợp quyết định trọng tài chỉ rõ địa điểm ký quyết định trọng tài, thì địa điểm đó không có nghĩa là nơi xét xử trọng tài. Các trọng tài viên có thể ký quyết định trọng tài tại bất kỳ một địa điểm nào.
Cách giải thích và áp dụng trên đây là dường như phổ biến và rất có lý, tuy nhiên đã có trường hợp Toà án của Anh trong Vụ Outhwaite v. Hiscox đã có phán quyết hoàn toàn khác.[7] Trong vụ trọng tài được xét xử tại Luân đôn, quyết định trọng tài được tuyên do một trọng tài viên duy nhất có nơi thường trú tại Pháp. Trong phán quyết có chỉ rõ địa điểm ký quyết định trọng tài là Paris. Toà án, căn cứ vào địa điểm ký quyết định trọng tài, cho rằng quyết định trọng tài được “tuyên” (“made”) tại Paris, và kết luận rằng vì lý do đó nên phán quyết trọng tài là của “trọng tài nước ngoài”, thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài . Phán quyết này của Toà án đã bị chỉ trích rất gay gắt vì nó trái với những nguyên tắc đã được công nhận rộng rãi trên tầm quốc tế.
Pháp luật trọng tài của các nước đều quy định sự tự do của trọng tài viên trong việc lựa chọn và định đoạt địa điểm ký quyết định trọng tài, ngoài nơi đã tuyên quyết định đó, có tính đến và hạn chế các trường hợp trọng tài viên từ chối ký quyết định, như đã phân tích ở trên.[8] Tuy nhiên, chỉ có pháp luật Italia là quy định chi tiết hơn cả về vấn đề này, bằng cách phân biệt rõ địa điểm tuyên quyết định trọng tài và địa điểm ký quyết định đó. Theo quy định tại Điều 823(6) Luật tố tụng dân sự Italia, thì quyết định trọng tài cần bao gồm:
“ Chữ ký của mọi trọng tài viên, trong đó chỉ rõ ngày, tháng và năm ký quyết định; các trọng tài viên có thể ký quyết định tại một địa điểm ngoài nơi đã tuyên quyết định trọng tài, kể cả trong trường hợp ở nước ngoài. Trong trường hợp có nhiều trọng tài viên, thì họ có thể ký quyết định trọng tài tại nhiều địa điểm khác nhau mà không cần phải gặp lại nhau thêm một lần nữa.”
Theo tác giả, đây là điều khoản quy định chi tiết và đầy đủ hơn cả về việc ký quyết định trọng tài, và giải quyết chính xác nhất những vấn đề mà thực tiễn trọng tài đang gặp phải. Thiết nghĩ, pháp luật trọng tài của Việt Nam, cụ thể là Luật trọng tài thương mại đang trong giai đoạn soạn thảo, cũng nên có cách quy định tương tự. Ít nhất trong thời điểm hiện tại, cần có cách hiểu và áp dụng thống nhất, tránh trường hợp giải thích tuỳ tiện như trong vụ việc Outhwaite v. Hiscox đã viện dẫn ở trên.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Tư pháp
___________________________________________
[1] Điều 1473 Luật trọng tài của pháp không quy định rằng quyết định trọng tài phải được lập bằng văn bản, mà chỉ quy định về việc ký quyết định trọng tài.
[2] Xem thêm Điều 26 Quy tắc trọng tài LCIA; Điều 27 Quy tắc trọng tài quốc tê Singapore v.v…
[3] Điều 30 Luật Mẫu trọng tài quy định về Quyết định về các điều khoản được thoả thuận thông qua hoà giải.
[4] Xem đã phân tích ở trên, phần về nguyên tắc ra quyết định trọng tài theo đa số. Tương tự, xem thêm các phân tích về Mô hình “truncated tribunal” đã được thảo luận taị Hội nghị ICCA năm 1990. Xem thêm Báo cáo của Schưebel and Bockstiêgl, “Preventing Delay ò Dứuption of Arbitration” ICCA Congress Series No.5 (Kluwer, 1991) tr. 241-247, 270-274. Xem thêm “French-Mexican Claims Commission Cases, được thảo luận tại cuốn “Feller, The mexican Claims Commissions (1935), tr. 70-77; Schwebel, International Arbitration: Three Salient Problems (1987), tr. 144-296; Order of May 17, 1985, in Sedco Inc.et al., Vụ việc No. 129, in lại tại 8 Iran-U.S.C.T.R.34 and concuring opinion of Judge Bower tại tr. 40; Uiterwiyk Corp.et al. v. Islamic Republic of Iran, Award No. 375-381-1 (July 6,1988), 19 Iram-U.S.C.T.R 107, 116 and dissenting letter and supplemental opinion at 161, 169.
[5] Quy tắc trọng tài ICC, Điều 25(1).
[6] Quy tắc trọng tài LCIA, Điều 26.
[7] Outhwaite v. Hiscox, (1991) 3 W.L.R 292 (H.L.), ICCA Yearbook 1992, 599-609.
[8] Quy tắc trọng tài ICC, Điều 25(1); Quy tắc trọng tài LCIA, Điều 26; Luật mẫu trọng tài UNCITRAL, Điều 31 (1).
_________________________________________ Bài viết có liên quan: