Khi thời gian và quyết định trưng cầu mâu thuẫn nhau...
Khi xảy ra một vụ án TNGT, thì thường các cơ quan tố tụng do chạy theo thời hiệu điều tra theo luật định, nên đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp y rất sớm. Thường là ngay sau khi nạn nhân xuất viện, thương tích chưa ổn định, thậm chí sau một thời gian, nạn nhân còn phải tiếp tục nhập viện để tiếp tục quá trình điều trị như rút đinh xương, ghép xương, vá da... nhưng vẫn phải đi khám giám định.
Ví dụ như, một nạn nhân bị vỡ khớp gối, phải có thời gian điều trị xuyên đinh và cố định khớp gối bằng bó bột. Khi bệnh nhân vừa cắt chỉ, tháo bột chưa lâu thì đã phải đi giám định. Lúc này, chắc chắn khớp gối vẫn còn bị cứng do mổ và bó bột nên bác sĩ giám định viên không thể nào đánh giá được tình trạng của thương tật là tạm thời hay vĩnh viễn. Mà nếu muốn, phải sau ba bốn tháng tập luyện, khớp gối vẫn cứng thì mới kết luận là thương tật vĩnh viễn hoặc ngược lại. Cũng tương tự như vậy, muốn xác định được một thương tích có trở thành cố tật khiến cho nạn nhân không thể trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường như trước hay không thì cần phải có yếu tố thời gian. Chính vì vậy, nên kết quả của những lần giám định sớm này đôi khi không đáp ứng đúng, đủ yêu cầu nên buộc phải tiến hành giám định bổ sung, hoặc giám định lại. Và, cũng vì nguyên nhân này nên tỷ lệ % thương tật giữa các lần giám định “đi” và “lại” này rất khác nhau khiến cho vụ án kéo dài.
Mặt khác, theo TS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, phần lớn những nội dung trưng cầu như xác định thương tật là tạm thời, hay vĩnh viễn, có gây ra cố tật hay không, phương tiện gì gây ra thương tật như vậy... lại không có trong quy định cho kết luận pháp y (?!). Bởi, từ năm 1995 đến nay, các cơ quan giám định pháp y khi xác định tỷ lệ % của thương tật vẫn căn cứ theo Thông tư liên tịch số 12 do liên Bộ Y tế và LĐ-TB&XH ban hành để sử dụng cho thương binh, những người có công, mất sức lao động. Khi áp dụng cho các vụ án, không những Thông tư này quá bất cập không theo kịp sự phát triển của khoa học, không đầy đủ các mục cho tổn thương (như sẩy thai, tổn thương như mô não, khuyết sọ...) mà còn là nguyên nhân đưa đến việc xác định tỷ lệ % khác nhau. Đây cũng chính là kẽ hở để cho các bác sĩ giám định viên không có tâm vận dụng có lợi cho đối tượng thân quen.
Và các nguyên nhân khác
Sự chênh lệch tỷ lệ % giữa các lần giám định trong giám định sức khoẻ của các vụ án TNGT hiện nay đã làm nhiều người đi từ ngạc nhiên đến thắc mắc, thậm chí các cơ quan tố tụng cũng không hiểu nổi lý do vì sao. Có khi cũng con người ấy, cơ quan giám định ấy nhưng hai lần giám định khác nhau cũng đưa đến kết quả khác nhau, hay cùng một cơ quan nhưng hai giám định viên khác nhau khám đôi khi cũng cho kết quả khác nhau, hoặc giữa cơ quan giám định trung ương và cơ quan giám định địa phương tỷ lệ % cũng khác nhau. Vậy, đâu là nguyên nhân của những sự khác nhau khó hiểu này?
Trong bài tham luận tham gia buổi hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác giải quyết án TNGT”, từ góc độ Viện Pháp y quốc gia cũng như kinh nghiệm bản thân, TS Vũ Dương đã chỉ ra một số nguyên nhân chính như: trình độ kém của giám định viên do không chuyên hoặc non tay nghề; thời gian giám định không phù hợp vì có nhiều thương tích theo thời gian mà phục hồi, nhưng cũng có thương tích theo thời gian lại nặng thêm ví dụ như sẹo lồi gây co cơ; mỗi nơi sử dụng trang bị giám định khác nhau, nơi chỉ dùng XQ thẳng nghiêng, nơi dùng máy chụp cắt lớp CT; thiếu quy trình giám định thống nhất giữa các cơ quan giám định, cơ quan này chỉ giám định sức khoẻ đơn thuần, cơ quan kia lại cộng luôn tỷ lệ tâm thần vào tỷ lệ sức khoẻ làm cho tỷ lệ % giám định cao vọt hẳn lên...
Đặc biệt, trong hoạt động giám định sức khoẻ của vụ án TNGT nói riêng và các vụ án khác nói chung, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn như bác sĩ lâm sàng, bác sĩ giám định viên, cơ quan trưng cầu giám định thường không có, nên để xảy ra tình trạng bác sĩ lâm sàng ghi trong bệnh án một đằng, BS giám định hiểu một nẻo, hay bác sĩ lâm sàng không ghi chép tỷ mỷ vào hồ sơ bệnh án vô tình giúp tội phạm xoá dấu vết, hoặc bỏ sót tổn thương khiến cho bác sĩ giám định viên không xác định được cơ chế hình thành dấu vết... đã góp phần làm cho tỷ lệ % thêm khác biệt.
Ngoài ra, yêu cầu giám định lại của đương sự để đạt được một mục đích nào đó thay vì thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, hay chỉ giám định trên hồ sơ... cũng khiến cho tỷ lệ % các kết quả giám định khác nhau, làm kéo dài thời gian kết thúc vụ án.
Tỷ lệ % trái ngược do người được giám định không hợp tác Đứng về góc độ tâm lý, tuy cùng là bác sĩ nhưng khi hầu hết các đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ lâm sàng tiếp xúc đều muốn cộng tác thật thà với thầy thuốc để nhanh khỏi bệnh. Ngược lại, bác sĩ giám định viên pháp y luôn phải đối diện với đối tượng muốn tăng thương giả bệnh, đôi khi còn lợi dụng sự yếu kém chuyên môn, suy thoái đạo đức của bác sĩ pháp y để mượn chính tay bác sĩ trả thù đối phương. Để thực hiện được mưu đồ, họ có rất nhiều kiểu bất hợp tác như giả vờ, trốn tránh, mua chuộc người giám định... Sự thật chỉ có một, mà ý muốn lại đa chiều nên tỷ lệ % cũng vì thế mà trái ngược. |
Án mạng do tai nạn giao thông (TNGT), việc xác định thủ phạm và nạn nhân tuy không phức tạp như án hình sự. Nhưng, nếu đứng về góc độ xác định nguyên nhân gây ra án mạng thì lại rất phức tạp, khó khăn. Bởi, đôi khi điều đó phụ thuộc chính vào quyết định mổ hay không mổ tử thi để giám định.
Không nên đặt ra để tranh luận
Trong một vụ án TNGT, nếu chẳng may có xảy ra thiệt mạng, thì vấn đề gây tranh luận lớn nhất hiện nay là có nên mổ tử thi hay không để phục vụ công tác điều tra. Bởi, rất nhiều người cho rằng vụ tai nạn xảy ra ngay trước mắt mọi người, nạn nhân vỡ sọ, lòi ruột ai cũng thấy, có vụ còn có cả dấu vết bánh xe trên thi thể, bằng chứng đã quá rõ ràng như vậy, cần gì phải phải mổ. Nhưng, dưới góc độ của cơ quan pháp y, theo TS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, thì chính những suy đoán tưởng như chắc chắn từ những dấu vết bên ngoài trên tử thi của vụ án TNGT, đã khiến xảy ra tình trạng oan, sai trong điều tra, tố tụng.
Trước một vụ TNGT diễn ra rất bất ngờ, tuy có rất nhiều nhân chứng nhưng mỗi người lại quan sát từ những góc độ khác nhau và nhận thức cũng không giống nhau nên thông tin mà họ cung cấp cho cơ quan điều tra đôi khi cũng rất trái ngược. Trong khi đó, nhiệm vụ của bác sĩ pháp y là phải trả lời chính xác câu hỏi của cơ quan điều tra về nguyên nhân cái chết của nạn nhân. Và, để có thể trả lời được câu hỏi này, bác sĩ pháp y cũng phải nắm được hàng loạt các thông tin liên quan. Đó là, nạn nhân hay thủ phạm ai đúng ai sai, nguyên nhân thuộc về môi trường (ví dụ trời mưa đường trơn...) hay do phương tiện (xe mất thắng...), con người (không làm chủ tốc độ...). Nếu là con người thì do người điều khiển phương tiện hay nạn nhân, có ai bị bệnh nguy hiểm khi tham gia giao thông, bệnh nan y, sử dụng tân dược chống chỉ định điều khiển phương tiện giao thông... hay không? Đặc biệt, bác sĩ pháp y phải phân biệt được các vụ án mạng giả hiện trường TNGT, các vụ tử tự, bệnh lý đột ngột xảy ra nên TNGT chỉ là hậu quả... Những câu hỏi, phải dựa vào rất nhiều yếu tố mới có thể xác định được, chứ không thể chỉ từ dấu vết suy đoán bên ngoài.
Theo ông Vũ Dương, khuyết điểm lớn nhất trong thời gian qua của hoạt động khám nghiệm tử thi trong các vụ án TNGT, đó là không làm các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định việc có hay không chất gây nghiện, nồng độ bia rượu trong máu cả nạn nhân và người gây tai nạn vì đôi khi đây chính là nguyên nhân chính. Hay bác sĩ pháp y đưa ra kết luận nạn nhân là một người ung thư giai đoạn cuối (điều này ảnh hưởng rất lớn đến mức án mà người gây tai nạn phải chịu trước toà) chỉ vì khi mổ tử thi thấy có nhiều hạch mà không có hình ảnh kết luận về vi thể để chứng minh gây tranh cãi, khiếu kiện, toà tuyên án không mang tính thuyết phục...
Nói tóm lại, không riêng gì vụ án TNGT, mọi sự vật liên quan đến vụ án cần phải được chứng minh một cách khách quan, khoa học, chứ không thể bằng sự xét đoán. Nên, vấn đề mổ hay không mổ tử thi TNGT khi giám định không nhất thiết phải đặt ra để tranh luận, mà cứ tuân thủ theo nguyên tắc chuyên môn, luật định để thực hiện.
Sự phức tạp trong xử lý vụ án TNGT liên quan đến rất nhiều ngành, nhiều người, đến cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đến ý thức tuân thủ pháp luật, trình độ chuyên môn...Với các lý do trên, thì sự đồng nhất tỷ lệ % giữa các lần giám định, hay các kết luận giám định giữa các cá nhân giám định viên, tập thể tham gia giám định là điều không thể. Ngược lại, nó sẽ tồn tại như sự tồn tại của TNGT và chỉ giảm khi pháp luật được hoàn thiện, ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong chuỗi mắt xích đương sự – cơ quan tố tụng – bác sĩ điều trị – bác sĩ giám định viên... được cải thiện và nâng cao.
Minh Dương
Xung đột giám định do cách trưng cầu của cơ quan điều tra Khi tiến hành công việc, các cơ quan điều tra, tố tụng và các giám định viên tư pháp bắt buộc phải dựa vào tính pháp lý của văn bản pháp luật. Theo luật đinh, cơ quan trưng cầu chỉ được trưng cầu cơ quan giám định hoặc đích danh giám định viên đã được bổ nhiệm, được cơ quan giám định cử đến. Trên thực tế, một số cơ quan trưng cầu lại trưng cầu nơi không có chức năng giám định, hay những người không phải giám định viên, bản kết luận giám định “đầu ngô mình sở” (tiêu đề là trung tâm giám định pháp y tỉnh, dưới đóng dấu bệnh viện huyện) không mang tính pháp lý... Chính sự dễ dãi này của cơ quan tố tụng đã góp phần làm cho các vụ án nói chung và án TNGT nói riêng kéo dài, tạo ra xung đột trong giám định. |