Thứ nhất, đó là vai trò của người tham mưu giúp Chính phủ đề xuất chiến lược và các chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật, tư vấn về chính sách pháp luật, thẩm định, kiểm tra chất lượng soạn thảo pháp luật. Con số hàng chục đạo luật, pháp lệnh, hơn một trăm nghị định và hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật khác do các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành mỗi năm cho thấy khối lượng rất lớn công việc soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát mà Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương và pháp chế các bộ, ngành đã thực hiện, góp phần quan trọng phòng ngừa, phát hiện và loại trừ (trước và sau khi ban hành văn bản QPPL) các vi phạm nhằm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính khả thi, dễ tiếp cận, dễ áp dụng của các văn bản pháp luật cũng như đảm bảo tính định hướng, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, minh bạch và ổn định tương đối của cả hệ thống pháp luật. Với Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm giúp Chính phủ không chỉ quản lý nhà nước việc xây dựng pháp luật mà cả việc thực hiện pháp luật. Đây là tiền đề quan trọng để Bộ Tư pháp đóng góp vào việc hình thành một chu trình quản lý, điều hành thông suốt, nhanh nhạy, hiệu quả của Chính phủ từ khâu hoạch định chính sách, xây dựng, ban hành thể chế đến tổ chức thực hiện pháp luật, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu toà án xử lý các vi phạm pháp luật theo trình tự tư pháp, thi hành các bản án, quyết định nhằm bảo vệ và khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm hại.
Thứ hai, đó là vai trò của người quản lý một nguồn lực phát triển xã hội quan trọng. Từ góc độ kinh tế học pháp luật, pháp luật đã được thừa nhận là một nguồn lực của phát triển, là một nguồn vốn xã hội đồng thời là công cụ quản lý sự phát triển xã hội. Nếu ta nhìn nhận pháp luật như một nguồn vốn xã hội cho sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước thì với Nghị định số 93/2008/NĐ-CP, có thể nói, Nhà nước đã tin cậy giao phó cho ngành Tư pháp không chỉ trách nhiệm quan trọng trong việc tạo ra và phát triển nguồn vốn sạch và mạnh- tức là xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tốt mà còn phải giúp Chính phủ quản lý việc sử dụng nguồn vốn đó sao cho có hiệu quả nhất, phát hiện để hạn chế thất thoát, sai lệch trong sử dụng, để mỗi đồng vốn- mỗi đạo luật được làm ra bởi bao nhiêu công sức, trí tuệ, tâm huyết và cả đồng tiền của người dân, phải được cả xã hội sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích vì nước, vì dân.
Muốn dùng nguồn vốn có hiệu quả thì người dùng phải tiếp cận được đến nguồn vốn, phải có hiểu biết và phải có kỹ năng để sử dụng nguồn vốn. Đó cũng là trách nhiệm và vai trò của ngành Tư pháp. Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hướng về cơ sở, phát triển hệ thống dịch vụ pháp lý với hàng trăm văn phòng luật sư, công ty luật và mạng lưới trung tâm, chi nhánh, tổ trợ giúp pháp lý đến tận thôn xã để đưa pháp luật đến với người dân có nhu cầu, giúp họ biết sử dụng công cụ pháp luật để tổ chức làm ăn một cách an toàn, hiệu quả, để phòng tránh, xử lý những rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh, lập nghiệp cũng như trong đời thường của mỗi người, mỗi gia đình, góp phần duy trì và củng cố trật tự xã hội trong quá trình phát triển.
Một định hướng quan trọng khác liên quan đến tính hiệu lực của pháp luật và hiệu quả của thực hiện pháp luật, đó là vai trò của Bộ và ngành Tư pháp trong việc huy động tiềm lực của người dân, của xã hội vào các hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Đó là việc dân chủ hoá, công khai và minh bạch hoá quá trình xây dựng pháp luật để có thể thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội có quyền và lợi ích liên quan, từ đó tạo được sự quan tâm và đồng thuận rộng rãi trong xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, tạo thuận lợi và giảm đáng kể chi phí cho việc thực hiện sau khi đạo luật được ban hành. Việc xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp mà thực chất là trao lại cho xã hội làm những dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển có tính đột phá về số lượng và nâng cao đáng kể chất lượng phục vụ của các tổ chức nghề nghiệp luật sư, công chứng , giám định tư pháp. ...Nhờ đó, sự tham gia của luật sư, giám định viên, trợ giúp viên pháp lý vào hoạt động tố tụng ngày càng nhiều hơn, thực chất hơn, góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp đồng thời giúp cho người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ này với chất lượng tốt hơn, đáng tin cậy và thuận lợi hơn.
Đã đến lúc chúng ta phải lượng hoá dần từng bước hiệu quả sử dụng nguồn vốn pháp luật trong xã hội để cũng lượng hoá được sự đóng góp và hiệu quả hoạt động của ngành Tư pháp.
Đẩy nhanh quá trình thực hiện chiến lược cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp
Đảng và Nhà nước giao cho ngành Tư pháp nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng của Chiến lươc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, Chương trình tổng thể Cải cách hành chính đến năm 2010 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trong những năm qua, toàn ngành Tư pháp với tinh thần sáng tạo, trách nhiệm đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ cải cách và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng càng làm, càng đi sâu vào công cuộc cải cách, chúng ta càng nhận thấy những khó khăn, thách thức mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách nghĩ, cách làm mới không chỉ của mỗi người trong cuộc mà của cả mỗi tổ chức, mỗi cấp lãnh đạo, chỉ đạo hay tổ chức thực hiện và sự ủng hộ, hỗ trợ của xã hội. Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền, Bộ và ngành Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần tập trung vào các trọng tâm sau:
Thứ nhất, tham mưu và giúp Chính phủ sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết số 48 –NQ/TW, đánh giá tổng thể nhu cầu và cụ thể hoá tầm nhìn trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020 với các định hướng ưu tiên là thể chế kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc pháp quyền, bảo vệ quyền con người trong phát triển. Trên cơ sở đó, đưa các mục tiêu, nội dung về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền thành một bộ phận không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời nghiên cứu đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992 làm nền tảng cho việc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, toàn ngành tập trung triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 với những yêu cầu đổi mới cơ bản về quy trình và chất lượng xây dựng pháp luật, đảm bảo mọi công đoạn đề xuất, soạn thảo, thẩm định và trình thông qua văn bản từ năm 2009 đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Luật về tính khoa học, dân chủ, công khai, thực tiễn. Tiếp tục triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất về việc hợp nhất hai đạo luật này để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch của hệ thống pháp luật phù hợp với lộ trình đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước trung ương và chính quyền địa phương các cấp.
Các cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương, pháp chế các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai đề án Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1976 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với hoạt động pháp điển hoá, việc thực hiện tốt đợt tổng rà soát này sẽ là một bước tiến rất quan trọng đến mục tiêu làm cho hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta trở nên gọn nhẹ, minh bạch, hiệu lực cao hơn đồng thời dễ tiếp cận và dễ sử dụng hơn, đảm bảo vị trí thượng tôn của luật theo nguyên tắc pháp quyền.
Thứ ba, kiên trì và giữ vững mục tiêu, định hướng chiến lược trong quá trình thực hiện các đề án, nhiệm vụ cải cách thể chế và tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức tư pháp, bổ trợ tư pháp. Khẩn trương triển khai Luật Thi hành án dân sự nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện về vị trí, hệ thống tổ chức, năng lực cán bộ và hiệu quả thi hành án. Tổ chức nghiên cứu thấu đáo cơ sở lý luận và thưc tiễn Việt Nam, tham khảo chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và hoàn thiện Đề án “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”.
Thứ tư, xây dựng Chiến lược phát triển ngành Tư pháp và Quy hoạch tổng thể ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2020; đồng thời xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển tổ chức và đội ngũ luật sư, công chứng viên, trợ giúp pháp lý và các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp cho cùng thời kỳ nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân, đáp ứng các yêu cầu của nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ tư pháp