Khi chỉ còn một hình thức văn bản duy nhất
Nếu như trước đây, để ban hành một văn bản có chứa quy phạm, Bộ và cơ quan ngang Bộ có hai hình thức văn bản đó là Quyết định và Thông tư. Nhưng kể từ khi Luật Ban hành VBQPPL có hiệu lực, Thông tư là hình thức VBQPPL duy nhất của Bộ và cơ quan ngang Bộ. Với việc rút gọn như vậy, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 sẽ tránh cho cán bộ pháp chế các Bộ, ngành khỏi bị sa vào “mê cung” hình thức văn bản, khó phân biệt, phân loại như trước đây, cũng như giúp cho tiến trình từng bước “phát quang” dần “rừng luật” của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc rút gọn còn một hình thức VBQPPL duy nhất như vậy, cũng khiến cho khá nhiều các tổ chức pháp chế Bộ, ngành lúng túng khi thực thi luật. Cụ thể, trong thời điểm trước đây ngày 1/1/2009, Quyết định là một trong những hình thức VBQPPL khá phổ biến của Bộ và cơ quan ngang Bộ. Nhưng kể từ nay, khi Thông tư là hình thức VBQPPL duy nhất của Bộ và cơ quan ngang Bộ thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ muốn ra một quy chế trong lĩnh vực nào đó sẽ như thế nào?
Nếu chiểu theo luật, tất cả những người làm công tác pháp chế Bộ, ngành đều hiểu rằng, không cứ gì việc ban hành quy chế, mà bất kỳ một vấn đề nào đó, bất luận phạm vi lớn nhỏ, cần phải được điều chỉnh bằng quy phạm, thì Thông tư là hình thức duy nhất. Rõ ràng là vậy, nhưng sau hơn 1 tháng thực thi luật, không ít tổ chức pháp chế vẫn gặp khá nhiều khó khăn, lúng túng (về mẫu văn bản, về cách thức thể hiện nội dung...) khi ban hành những Thông tư như vậy, nhất là khi Nghị định hướng dẫn Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 vẫn còn trong quá trình chờ đợi ban hành.
Vậy, theo đề nghị của nhiều cán bộ pháp chế, nên chăng trong thời gian chờ đợi, Bộ Tư pháp có một hướng dẫn tạm thời cho các tổ chức pháp chế Bộ, ngành về mẫu của một số loại Thông tư áp dụng phổ biến trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Về cơ bản, việc làm này khá cần thiết vì Bộ và cơ quan ngang Bộ là một trong những chủ thể ban hành VBQPPL rất quan trọng do chức năng quản lý cấp Nhà nước cao nhất của một ngành, lĩnh vực.
Những hình thức văn bản đang tồn tại vẫn tiếp tục có hiệu lực bình thường
Theo quy định Khoản 2 Điều 1 của Luật Ban hành VBQPPL thì văn bản do cơ quan Nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức... được quy định trong Luật sẽ không được coi là VBQPPL. Đây cũng chính là một “nút” vướng của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, vì nếu hiểu theo tinh thần của điều luật thì những hình thức văn bản của Bộ và cơ quan ngang Bộ có chứa quy phạm đã được ban hành trước thời điểm luật có hiệu lực sẽ... vô hiệu. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt, Vụ trưởng Vụ Hình sự-Hành chính, Bộ Tư pháp khẳng định từ ngày 1/1/2009, những hình thức văn bản đang tồn tại nếu theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 không phải là VBQPPL nhưng vẫn chứa quy phạm (ví dụ như “Quyết định”) thì vẫn có hiệu lực bình thường cho đến khi hết hiệu lực hoặc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Khi tiến hành sửa đổi bổ sung, sẽ dùng hình thức “Thông tư” để thay thế. Thông tư đó sẽ chứa đựng những nội dung quy phạm đã có trong hình thức văn bản cũ, và những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung mới.
Còn các hình thức văn bản cá biệt và văn bản áp dụng pháp luật khác vì không chứa đựng quy phạm nên vẫn được sử dụng bình thường. Hình thức văn bản để giải thích hay yêu cầu một cá nhân, tổ chức, địa phương cá biệt nào đó thực hiện những vấn đề của pháp luật thì không được coi là VBQPPL.
Để có được những sản phẩm pháp luật tốt
Có thể nói, kinh phí xây dựng VBQPPL là một trong những vấn đề bất cập, vướng mắc nhất hiện nay của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành. Điều 94 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 chỉ quy định một câu rất ngắn gọn “kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do ngân sách Nhà nước cấp”. Từ trước tới nay, vấn đề kinh phí cho công tác xây dựng VBQPPL vẫn được thực hiện theo Thông tư số 100/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng VBQPPL. Theo đó, kinh phí cho xây dựng tối đa 5 triệu hoặc 7 triệu đồng/văn bản hướng dẫn cấp Bộ, mức chi tối đa với Nghị định của Chính phủ (là loại VBQPPL thường do Bộ chấp bút) là 10 hoặc 15 triệu đồng... Từ thực tế công việc nhiều lãnh đạo pháp chế các Bộ, ngành cho rằng khoản kinh phí này là quá eo hẹp, chung chung thiếu cụ thể từng phần việc nên không thể phát huy vai trò nuôi dưỡng chất xám nhằm cho ra những sản phẩm pháp luật tốt. Không những thế, các tổ chức pháp chế cũng không được quyền tự phân bổ khoản kinh phí này nên công việc luôn gặp nhiều vướng mắc vì tình trạng “thiếu thực không vực được đạo”. Trong khi đó, tốc độ và số lượng VBQPPL pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành ngày càng nhiều.
Vì thế, cùng với việc Luật Ban hành VBQPPL có hiệu lực thổi một luồng tư duy mới trong công tác văn bản, tới đây Bộ Tư pháp sẽ sớm nghiên cứu, phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra một cơ chế tài chính đủ mạnh nhằm đảm bảo hoạt động xây dựng văn bản đạt hiệu quả tối đa cả về nhân lực, vật lực và sản phẩm là mong muốn của tất cả những cán bộ pháp chế Bộ, ngành hiện nay.
Xuân Hoa
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Thông tư là hình thức VBQPPL ở cấp thấp nhất, vì thế đòi hỏi nội dung phải được xây dựng hết sức cụ thể và chi tiết để tạo thuận tiện tối đa cho người thực hiện. Có thể sẽ có những Thông tư chỉ chứa đựng duy nhất một quy phạm để sửa đổi hoặc bổ sung vấn đề đã được quy định ở Thông tư ban hành trước đó. Nhưng, dù nội dung nhiều hay ít, ngắn hay dài các quy phạm chứa đựng trong Thông tư phải được xây dựng một cách rõ ràng, minh bạch, công khai và tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuyệt đối tránh sử dụng những cụm từ không rõ nghĩa, ví dụ như: “những quy định đã ban hành trước đây, nếu trái với....thì bị hủy bỏ”... Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây: Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; Quy định biện pháp để thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao. Điều 16 Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 |