Nghị định 75/2000/NĐ-CP là một trong những văn bản pháp lý quy định vấn đề công chứng, chứng thực tồn tại một thời gian dài nhằm đáp ứng nhu cầu công chứng, chứng thực của người dân. Các quy định của Nghị định 75 điều chỉnh hoạt động công chứng, chứng thực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền góp phần đảm bảo an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và các quan hệ xã hội khác. Một trong các giao dịch phát sinh chiếm tỷ lệ cao trong việc công chứng, chứng thực là các hợp đồng dân sự của công dân theo các quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp lý khác. Một trong các quy định về hợp đồng, giao dịch phổ biến được quy định trong Nghị định 75 là công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 thì hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Quyền và nghĩa vụ của bên được ủy quyền và bên ủy quyền cũng được quy định rõ theo đó bên được ủy quyền được hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc uỷ quyền; bên ủy quyền thanh toán chi phí hợp lý mà bên được uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được uỷ quyền và trả thù lao cho bên được uỷ quyền, nếu có thoả thuận về việc trả thù lao và các quy định này không thay đổi trong Bộ luật Dân sự năm 2005.
Như vậy, hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên giao kết và vấn đề thanh toán thù lao hay không là do các bên tự thỏa thuận. Thực tiễn giải quyết lại có những quy định khác về vấn đề này, đơn cử tháng 8/2008, anh Võ Công L. đến UBND huyện L.V yêu cầu chứng thực hợp đồng ủy quyền giao tài sản chứng nhận quyền sử dụng đất cho em trai là Võ Công B. sử dụng, do là anh em nên chỉ lập hợp đồng ủy quyền để làm cơ sở pháp lý mà không cần thanh toán thù lao. Nhưng sau khi nhận hồ sơ chứng thực hợp đồng ủy quyền nêu trên thì cán bộ phụ trách từ chối thụ lý và giải quyết vì cho rằng hợp đồng ủy quyền phải có thù lao nếu không có thù lao thì lập giấy ủy quyền. Không đồng ý với cách giải quyết trên và cho rằng vấn đề thù lao hay không do hai bên thỏa thuận nên anh L. khiếu nại. Liên quan đến vấn đề này ta thấy, Nghị định 75 quy định đối với việc công chứng, chứng thực hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền thì nếu việc ủy quyền có thù lao, có nghĩa vụ bồi thường của bên được uỷ quyền hoặc để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản phải được lập thành hợp đồng. Do đó, quy định này bắt buộc đối với trường hợp ủy quyền bằng hình thức hợp đồng phải có thù lao cụ thể giữa các bên thì phải thành lập hợp đồng. Điều này về mặt pháp lý trái với quy định của Bộ luật Dân sự vì vấn đề thù lao đối với hợp đồng ủy quyền đều do các bên tự thỏa thuận. Theo quy định tại Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, trong trường hợp trên phải áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Hợp đồng ủy quyền là một trong các giao dịch dân sự tương đối phổ biến đối với công dân trong các giao dịch dân sự đo đó các quy định pháp luật cần có sự thống nhất để công dân thực hiện việc giao kết hợp đồng ủy quyền một cách chính xác đúng luật./.
Nguyễn Thanh Xuân