Người cao tuổi hiện nay chiếm gần 10% dân số cả nước. Đời sống cho người cao tuổi những năm qua đã được cải thiện nhiều song, theo Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh vẫn còn đến 1/3 số người thuộc diện nghèo và cận nghèo. 80 ngàn người đang phải ở nhà tạm và nhiều người chưa đủ áo ấm trong mùa đông. Tỷ lệ người có sức khỏe kém chiếm con số đến 23%, chỉ có 5-7% có sức khỏe tốt, trong đó có nhiều người mắc 2-3 bệnh. Đời sống tinh thần của người cao tuổi cũng chưa được quan tâm nhiều, thực tế còn đơn điệu và hạn chế.
Chăm sóc cho người cao tuổi là truyền thống đạo lý tốt đẹp từ xưa đến nay. Và một trong những truyền thống đó thể hiện trong Dự thảo Luật người cao tuổi là liên quan đến lợi ích của nhóm đối tượng này. Người cao tuổi sẽ được giảm giá một số dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ, văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao, giải trí và dịch vụ vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, Dự thảo Luật lại chưa quy định những ai được hưởng các ưu đãi này? Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội lấy ví dụ, một cán bộ nghỉ hưu ở thành phố có điều kiện kinh tế, hàng ngày lái xe riêng, đi chơi golf…sao lại phải giảm giá vé cho họ? Trong khi có những người nông dân cả đời chưa ra khỏi cánh cổng làng, dịch vụ vui chơi như nhà hát thì chả bao giờ họ được đặt chân tới vì nhà hát chỉ có ở thành phố. Vậy, người cao tuổi ở nông thôn sẽ không bao giờ được hưởng chính sách ưu đãi này.
Cùng quan điểm, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhấn mạnh: hỗ trợ, ưu đãi là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng. Đem tiền mà đi hỗ trợ cho người giàu có còn bị người ta mắng cho. Do đó, không thể ưu đãi cào bằng các đối tượng với nhau.
Hỗ trợ đúng đối tượng nhưng cũng phải tính đến phương thức hỗ trợ, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng giảm bao nhiêu phần trăm là hợp lý, trong Luật có nên quy định cụ thể hay không. Vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Trịnh cho rằng, nên để Chính phủ quy định nhằm đảm bảo tính linh hoạt cũng như đồng bộ với các biện pháp, chính sách khác có liên quan.
Ủng hộ về mặt chủ trương, nhưng nguồn lực để thực hiện các chính sách ưu đãi này lấy từ đâu? Sẽ tác động vào kinh tế như thế nào?. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm đặc biệt. Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội nêu ý kiến: Có thể buộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước giảm giá dịch vụ cho người cao tuổi không, điều này là không thực tế. Ông Ksor Phước lý giải: ngay cả các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp tự làm tự ăn cũng không có cách gì bắt họ giảm giá.
Cho rằng, chủ trương ưu đãi, hỗ trợ trên một số lĩnh vực cho người cao tuổi là cần thiết, là thể hiện sự tôn trọng của thế hệ đi sau với người đi trước, tuy nhiên các ý kiến thảo luận đều nhấn mạnh Luật phải bám sát thực tiễn, phải căn cứ hoàn cảnh kinh tế của đất nước để đảm bảo tính khả thi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi nói về Dự thảo này cũng lưu ý: Các chính sách về lợi ích cho người cao tuổi, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến ngân sách thì phải cân nhắc kỹ. Ngoài nguồn lực của nhà nước cần sự đóng góp, hỗ trợ của toàn xã hội.
Đây là lần đầu tiên Dự án Luật người cáo tuổi được đưa ra Thường vụ lấy ý kiến song các đại biểu đều ghi nhận đây là một Dự thảo được xây dựng khá công phu, song còn cũng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục chỉnh lý trước khi đưa ra Quốc hội cho ý kiến.
Thu Hằng
Tính đến hết năm 2008, cả nước có 527.866 người cao tuổi từ 85 trở lên được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng với mức 120 ngàn/ người/tháng. Số người bị tàn tật cô đơn, không nơi nương tựa từ 60 tuổi đến dưới 85 tuổi được hưởng trợ cấp theo Nghị định 67/CP là 121.032 người. Tuy nhiên, cũng theo số liệu của Hội người cao tuổi Việt Nam vẫn còn đến 1/3 số người thuộc diện nghèo và cận nghèo. 80 ngàn người đang phải ở nhà tạm và nhiều người chưa đủ áo ấm trong mùa đông. Tỷ lệ người có sức khỏa kém chiếm con số đến 23%, chỉ có 5-7% có sức khỏe tốt, trong đó có nhiều người mắc 2-3 bệnh |