Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Đức Chính tham dự Hội nghị khu vực của Chương trình phát triển Liên hợp quốc về Trao quyền pháp lý cho người nghèo

Nhận lời mời của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã dẫn đầu đoàn Bộ Tư pháp và Hội luật gia Việt Nam tham dự Hội nghị khu vực về trao quyền pháp lý cho người nghèo, diễn ra trong các ngày 3-5 tháng 3 năm 2009 tại Bangkok, Thái Lan. Tham dự cùng đoàn Bộ Tư pháp và Hội luật gia, còn có đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam - Ông Christophe Bahuet – Phó Giám đốc quốc gia UNDP cùng các cộng sự.

Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của UNDP khu vực và của Uỷ ban về Trao quyền pháp lý cho người nghèo (Commission of the Legal Empowerment of the Poor”) - một tổ chức do cựu  Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nguyên Đại diện thường trực Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc - Bà Madeleine K.Albright  và nhà kinh tế học người Pê ru Hernando de Solo đồng chủ toạ. Uỷ ban gồm 21 uỷ viên và 16 thành viên Ban Cố vấn, gồm các cựu nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, các luật gia, nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cao cấp từ các quốc gia trên toàn thế giới[i]. Hơn 3 năm qua, Uỷ ban đã tiến hành 22 quy trình lấy ý kiến tại các quốc gia khác nhau với đại diện từ các Chính phủ, giới học giả, xã hội dân sự và các phong  trào cơ sở. Đồng thời 5 nhóm công tác kỹ thuật cũng đã được thành lập và thực hiện một loạt báo cáo chuyên môn. Trong năm 2008 vừa qua, Uỷ ban trao quyền pháp lý cho người nghèo đã hoàn thành báo cáo “Pháp luật cho mọi người” (Making the Law Work for Everyone). Theo báo cáo này, trên toàn thế giới hiện có 4 tỉ người không có cơ hội tiếp cận và không được sự bảo vệ của pháp luật. Báo cáo kêu gọi các Chính phủ, các định chế quốc tế và xã hội dân sự ưu tiên đặc biệt cho vấn đề trao quyền pháp lý cho người nghèo trong chương trình nghị sự về xoá đói giảm nghèo trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo  cũng đã đề xuất bốn trụ cột chính là trọng tâm cần nỗ lực tập trung giải quyết tại cấp quốc gia và quốc tế nhằm trao quyền pháp lý cho người nghèo: 1) quyền tiếp cận công lý; 2)  quyền tài sản; 3) quyền lao động và; 4) quyền kinh doanh. Báo cáo cũng phân tích những ưu điểm kinh tế và chính trị của 4 trụ cột trên,  đề xuất một chương trình nghị sự cho cải cách, các biện pháp chính sách, các giai đoạn và sách lược cũng như các hành động cần triển khai trên tầm quốc tế.  

Tham dự Hội nghị có các đại biểu là quan chức của Liên hợp quốc, quan chức Chính phủ và đại diện các tổ chức xã hội dân sự của một số quốc gia trong khu vực (Campuchia, Lào,  Malayxia, Philipin, Indonexia, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bănglades, Thái Lan), các nhà tài trợ, các thành viên của Uỷ ban trao quyền pháp lý cho người nghèo (CLEP) và các chuyên gia trong lĩnh vực này. Mục đích của Hội nghị là nhằm thiết lập một diễn đàn cấp cao để thảo luận về các vấn đề đã được đề xuất tại Báo cáo của Uỷ ban trao quyền pháp lý cho người nghèo; nâng cao nhận thức của các quan chức Chính phủ cũng như các đối tác quốc gia về những vấn đề do CLEP đưa ra; xác định các nội dung ưu tiên, đề xuất nội dung hợp tác cho các quốc gia và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung đó  trong khu vực; xác định tính khả thi cũng như trách nhiệm của đối tác khu vực nhằm tăng cường hơn nữa việc trao quyền  pháp lý cho người nghèo. 

Đoàn Việt Nam tham dự và chủ trì một phiên thảo luận Nhóm quốc gia khu vực Đông Nam Á với nội dung “xây dựng cơ sở cho việc tăng cường trao quyền pháp lý cho người nghèo”. Nhóm đại biểu khu vực Đông Nam Á sẽ đưa ra các gói đề xuất về trao quyền pháp lý cho người nghèo, dựa trên các nội dung đã thu nhận được từ các phiên họp toàn thể. Đề xuất mà nhóm đưa ra bao gồm 1) các cấu phần nội dung chính kèm theo các kết quả dự kiến sẽ đạt được cũng như các hoạt động cụ thể cần tiến hành; 3) lộ trình, thời gian thực hiện; 4) xác định các thành phần/ đối tượng tham gia; 5) những yêu cầu cần thiết để triển khai các gói đề xuất này và; 5) yêu cầu hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài. 

Tăng cường trao quyền pháp lý là con đường phát triển:   

Uỷ ban tin rằng có thể loại bỏ cảnh đói nghèo, nhưng chỉ có được bằng sự thay đổi căn bản trong tư duy và phương pháp tiếp cận bởi các Chính phủ và các Tổ chức quốc tế. Có quan điểm cho rằng chấm dứt đói nghèo phần lớn phụ thuộc vào các lực lượng thị trường đang hoạt động; trong khi quan điểm khác lại chủ trương dựa nhiều hơn vào sự chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên cả 2 quan điểm truyền thống này đều thiếu một phần vô cùng quan trọng của bức tranh đói nghèo. Phát triển không chỉ phụ thuộc vào các thị trường và chính sách kinh tế; nó còn phụ thuộc vào cách vận hành của pháp luật và thiết chế cũng như sự tác động của nó tới người dân. Nó phản ánh quyền lực và ảnh hưởng của việc quyền lực được phân bổ như thế nào trong xã hội. 

Xoá bỏ đói nghèo là một việc rất khó. Nó đòi hỏi phải có áp lực của quần chúng, tài lãnh đạo chính trị của các cấp, thời gian, và cả những nỗ lực to lớn của chính bản thân quần chúng nhân dân. 

Chương trình nghị sự về Trao quyền pháp lý tập trung vào việc nâng cao tính năng động nội tại của các quốc gia. Bằng việc tăng cường tính năng động nội tại và các khuôn khổ thể chế, thiết chế, Báo cáo của CLEP đã bổ sung cho những nỗ lực viện trợ quốc tế hiện nay. Nếu được thực hiện đồng thời, Chương trình Trao quyền pháp lý cho người nghèo có thể hỗ trợ các quốc gia trong việc chuyển đổi từ xoá nợ và nhận viện trợ sang việc hiện thực hoá các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.[ii]  

UỶ BAN CHUYÊN TRÁCH TRAO QUYỀN PHÁP LÝ CHO  NGƯỜI NGHÈO 

Uỷ ban chuyên trách Trao quyền pháp lý cho người nghèo là sáng kiến toàn cầu đầu tiên tập trung nghiên cứu mối liên hệ giữa (một bên là – ND) tình trạng dân nghèo không được hưởng pháp quyền với (bên kia là - ND) đói nghèo và luật pháp. Sáng kiến do một nhóm các nước phát triển và đang phát triển triển khai, gồm Canada, Đan Mạch, Ai cập, Phần Lan, Guatemala, Na Uy, Thuỵ Điển, Nam Phi, Tanzania và Vương quốc Anh, được Cơ quan trung ương Chương trình phát triển Liên hợp quốc ở New York đăng cai. 

Được cựu ngoại trưởng Mỹ Madaleine Albright và nhà kinh tế học Peru Hernando de Soto làm đồng chủ tịch, Uỷ ban đã tụ hội được nhiều nhà hoạch định chính sách lỗi lạc và cả những thực tập sinh trên toàn thế giới.  

Công cuộc trao quyền pháp lý không phải là quá trình viện trợ, mà là việc giúp dân nghèo tự thoát khỏi cảnh đói nghèo bằng cách phấn đấu để có những cuộc cải cách về chính sách và thể chế nhằm mở rộng cơ hội và bảo vệ về  mặt pháp lý cho họ.  

“Người nghèo” là từ gọi tắt để chỉ rất nhiều người có thu nhập thấp và phải vật lộn với các vấn đề như đói khổ, ốm yếu và chui rúc ở những nơi ổ chuột. Họ sống ở những làng mạc nông thôn xa xôi hẻo lánh cũng như nhà ổ chuột ở thành phố. Họ là những người ở giúp việc trong gia đình, nông dân cày sâu quốc bẫm, những người lao động nông nhàn, những người bán dạo ngoài đường phố và những người gom rác. Nhiều người trong số họ thuộc các dân tộc ít người không có đại diện - thường là những người di cư trong nước và quốc tế. Họ di chuyển tới một nơi mà họ không có tư cách pháp nhân rõ ràng. Nhiều người phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh hoặc loạn lạc dân sự. Còn nhiều người khác là những dân bản địa bị xã hội gạt ra bên lề. Dân nghèo đa số là phụ nữ. 

“Chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực thiết yếu không chỉ là vấn đề thương cảm. Nền kinh tế thế giới sẽ được lợi to lớn từ những đóng góp của những người có khả năng chuyển từ tình trạng phụ thuộc sang tư cách được tham gia đầy đủ… Sứ mệnh của Uỷ ban là rất khó khăn nhưng cũng quan trọng có tính chất sống còn vì đảm bảo quyền pháp lý có thể bổ sung rất nhiều cho kho hậu cần của thế giới trong cuộc đấu tranh đang tiếp diễn nhằm cứu trợ và làm phong phú cuộc sống con người”. 

Madeleine Albright -  Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ

(Nguồn: Making the Law Work for Everyone) 


[i] (Source: Commission of the Legal Empowerment of the Poor”) UỶ BAN VỀ TRAO QUYỀN QUYỀN PHÁP LÝ CHO NGƯỜI NGHÈO 

Đồng chủ tịch 

- Madeleine K.Albright -  cựu Ngoại trưởng Mỹ, nguyên Đại diện thường trực Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc. Hiện nay bà là Lãnh đạo của Alright Group LLC và Chủ tịch của Ban quản trị vốn Albright LLC, một công ty tư vấn đầu tư tập trung vào các thị trường mới nổi.

- Hernando de Soto là Giám đốc Viện Nghiên cứu tự do và dân chủ và tác giả của những tác phẩm còn đang thai nghén Điều bí ẩn về vốnCon đường kia. 

Giám đốc điều hành 

- Naresh C.Singh – nguyên là Tổng giám đốc quản trị và phát triển xã hội tại cơ quan phát triển quốc tế Canada, nguyên cố vấn chính về đói nghèo và sinh kế bền vững tại UNDP. 

Các Uỷ viên Uỷ ban

- Fezle Hasan Abed là người sáng lập và chủ tịch BRAC, một trong những tổ chức Phát triển lớn nhất thế giới có trụ sở tại Bangladesh.

- Lloyd Axworthy hiện là Chủ tịch và phó hiệu trưởng trường đại học Winnipeg. Ông nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao Canada (1996-2000) và hiện đang công tác tại ban lãnh đạo của quỹ MacArthur, tổ chức Human Rights Watch, Hội đồng Thái Bình Dương, và các tổ chức khác.

- El Hassan bin Talal - Chủ tịch diễn đàn Tư tưởng Ả rập; hiện đang soạn thảo một bản Hiến chương Công dân và bản hiến chương Xã hội tiêu biểu cho các hành xử đạo đức và xúc tiến phát triển xã hội ở khu vực Tây Á - Bắc Phi Châu.

- Fernando Henrique Cardoso, Nguyên tổng thống Brazil (1995-2002) và Cựu chủ tịch Câu lạc bộ Madrid (2003-2006).

- Shirin Ebadi -  luật sư Iran, đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền, người đã nhận được giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2003.

- Ashraf Ghani là Chủ tịch Viện Hiệu năng Nhà nước, nguyên bộ trưởng tài chính Afghanistan.

- Medhat Hassanein là Giáo sư kinh doanh ngân hàng và tài chính công tác tại khoa quản trị trường Đại học Kinh doanh kinh tế học và thông tin tại trường Đại học Hoa kỳ ở Cairo, Nguyên bộ trưởng tài chính Ai cập.

- Hilde Frafjord Johnson, Nguyên bộ trưởng quốc tế Na Uy và đại biểu Quốc hội, đã từng công tác 2 nhiệm kỳ trong Chính phủ, nhiệm kỳ thứ nhất cũng là Bộ trưởng nhân quyền. Trong một chức vị khác, Bà Johnson hiện còn là Phó giám đốc điều hành Quỹ nHi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF).

- Anthony Mcleod Kennedy là Phó Chánh án Toà án tối cao Hoa Kỳ. Trong toàn bộ sự nghiệp pháp lý của mình ông đã giảng dạy về luật, trong nhiều năm đã giảng dạy tại Châu Âu bộ môn các quyền cơ bản của con người.

- Allan Larsson, nguyên Bộ trưởng Tài chính Thuỷ Điển và nguyên đại biểu Quốc hội nước này. Ông cũng từng là Tổng giám đốc ban quản lý thị trường lao động Quốc gia Thuỵ Điển và là Tổng giám đốc trong Uỷ ban Châu Âu. Hiện nay ông là Hiệu trưởng trường Đại học Lund và là cố vấn của Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu về năng lượng và thay đổi khí hậu.

- Clotilde Aniouvi Médégan Nougbodé là Chủ tịch của Toà án tối cao Benin. Bà là Chánh văn phòng Bộ trưởng Tư pháp và  pháp chế Benin và uỷ viên sáng lập hiệp hội Phụ nữ Hành nghề Luật Benin, một tổ chức phi lợi nhuận.

- Benjamin Mkapa, nguyên tổng thống Tanzania. Hiện ông là chủ tịch của Trung tâm Miền Nam, Đồng chủ tịch của tổ chức về môi trường đầu tư đối với Châu Phi và là một nhà hoạt động tích cực trong các cuộc đàm phán hoà bình ở vùng Hồ Lớn Châu Phi.

- Mike Moore, cựu Thủ tướng New Zealand và nguyên tổng giám đốc WTO (1999-2002). Ông là Uỷ viên tích cực của một số ban thương mại, trường Đại học và cũng là Uỷ viên Uỷ ban Liên hợp  quốc phụ trách về di trú quốc tế.

- Milinda Moragoda, nguyên Bộ trưởng Cải cách kinh tế, khoa học công nghệ và nguyên Thứ trưởng về Kế hoạch và thực thi ở Sri Lanka. Ông hiện là Bộ trưởng Du lịch

- S.Tanwir H.Naqvi đã nghỉ hưu thuộc biên chế quân đội Pakistan, quân hàm Trung tướng tháng 12-1995, đã từng là Bộ trưởng liên bang, với chức vị Chủ tịch văn phòng tái kiến thiết đất nước, một tổ chức do ông sáng lập và lãnh đạo trong 3 năm (1999-2002) và tái cơ cấu các thiết chế quản trị của Pakistan để các thiết chế này đáp ứng tốt hơn với những yêu cầu của thế kỷ 21.

- Mary Robinson, nguyên là Tổng thống Ái Nhĩ Lan và nguyên là Cao uỷ Liên Hợp  quốc về nhân quyền. Hiện nay bà là Chủ tịch ban Thực hiện quyền: Ban sáng kiến toàn cầu hoá đạo đức (EGI).

- Arjun Sengupta, nguyên Giáo sư trường Đại học Quốc tế học thuộc  trường Đại học Tổng hợp Jawaharlal Nehru và trợ lý giáo sư tại trường Đại học Harvard về y tế công cộng. Hiện ông là Chủ tịch trung tâm phát triển và nhân quyền ở New Delhi và Chủ tịch nhóm công tác liên chính phủ của Liên hiệp quốc về quyền phát triển tại Geneva. Ông cũng là đại biểu Quốc hội.

- Lindiwe Sisulu, hiện là Bộ trưởng phụ trách nhà ở và đại biểu Quốc hội Cộng hoà Nam Phi.

- Lawrence H.Summers, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Harvard, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ. Hiện ông là giám đốc kinh doanh của D.E.Shaw, một công ty đầu tư tuỳ chọn.

- Erna Witolar, nguyên Bộ trưởng Định cư và Phát triển Khu vực và là thành viên của Quốc hội Indonesia. Bà là đặc sứ của Liên hiệp quốc phụ trách các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ ở Châu Á và Thái Bình Dương đến cuối năm 2007 và hiện nay là Uỷ viên của nhiều ban quản trị CSO về phát triển bền vững và cải cách hành chính.

- Ernesto Zedillo, cựu tổng thống Mexico và hiện là giám đốc trung tâm nghiên cứu toàn cầu hoá, Giáo sư trong lĩnh vực Kinh tế học và Chính trị học quốc tế, trợ lý giáo sư về lâm nghiệp và nghiên cứu môi trường của trường Đại học Yale. 

Uỷ viên ban cố vấn. 

- Robert Annibale, Giám đốc Toàn cầu về Vi tài chính, Citigroup.

- Marek Belka, Thư ký Điều hành, Uỷ ban Kinh tế Liên hiệp quốc về Châu Âu.

- Diego Hidalgo, sáng lập viên câu lạc bộ Madrid.

- Donald Kaberuka, Chủ tịch, Tập đoàn phát triển ngân hàng Phi Châu.

- Jean Lemierre, Chủ tịch ngân hàng Châu Âu về Tái thiết và Phát triển

- Louis Michel, Bộ trưởng về Phát triển và viện trợ nhân đạo, Uỷ ban Châu Âu.

- Luis Alberto Moreno, Chủ tịch, Ngân hàng phát triển Liên Mỹ

- Kumi Naidoo, Tổng thư ký CEO, CIVICUS

- Sheela Patel, Giám đốc sáng lập, Hội xúc tiến các nguồn lực khu vực

- Jan Peterson, Uỷ viên sáng lập và Chủ tịch, Uỷ ban Huairou.

- Juan Somavia, Tổng giám đốc, Tổ chức Lao động quốc tế.

- Anna Tibaijuka, Giám đốc điều hành, tổ chức Habitat Liên hiệp quốc.

- Victoria Tauli-Corpuz, Chủ tịch, diễn đàn thường xuyên về các vấn đề bản địa LHQ.

- John Watson, Nguyên chủ tịch, Care Canada

- Francisco Garza Zambrano, Chủ tịch, Cemex Bắc Mỹ.

- Robert Zoellick, Chủ tịch, Ngân hàng thế giới.

     (Source: Commission of the Legal Empowerment of the Poor”)  

[ii] Vào đầu thế kỷ 21, Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ Liên hợp quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ và đề ra 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Những mục tiêu này đánh dấu một cam kết toàn cầu chưa từng có từ trước tới nay nhằm xoá đói giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển con người: an ninh lương thực tốt hơn và chăm sóc y tế tốt hơn, cải thiện tiếp cận giáo dục, giảm bớt phân biệt đối xử, và tính bền vững môi trường lớn hơn… 

Đăng Hoàng Oanh  -  Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp

____________________________________

Bài viết có liên quan: