Sau một thời gian soạn thảo, đến nay Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp đã bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để chuẩn bị trình Bộ trưởng phê chuẩn và ban hành. Quy tắc gồm 03 phần, ngoài các vấn đề chung được quy định tại Phần 1 và 3, nội dung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp được quy định tại Phần 2, gồm 6 điểm tập trung vào các mối quan hệ cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp như: ứng xử trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; ứng xử khi giải quyết các yêu cầu của cơ quan, đơn vị, tổ chức, công dân; ứng xử với cán bộ lãnh đạo, đồng nghiệp; ứng xử nơi công cộng; ứng xử với nhân dân nơi cư trú và ứng xử trong gia đình. Mỗi tình huống ứng xử này đều bao gồm 2 nội dung là những việc cán bộ, công chức, viên chức phải làm và những việc không được làm.
Ứng xử trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ: giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, lãnh đạo và đồng nghiệp
Trước hết, cũng như cán bộ, công chức các ngành khác, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải mặc trang phục (đối với chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự), đeo thẻ công chức theo quy định, đeo phù hiệu của các lĩnh vực đã được pháp luật quy định, giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, lãnh đạo và đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải chấp hành quyết định của cấp quản lý trực tiếp, phối hợp với cán bộ, công chức, viên chức khác trong cùng cơ quan, đơn vị và các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác có liên quan để thực hiện nhiệm vụ, công vụ có hiệu quả. Trong những trường hợp có quyết định của cấp trên cấp quản lý trực tiếp thì cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền cao nhất, đồng thời có trách nhiệm báo cáo cấp quản lý trực tiếp của mình về việc thực hiện quyết định đó.
Quy tắc ứng xử cũng quy định trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tuyệt đối không được mạo danh để giải quyết công việc, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc cá nhân; trốn tránh đùn đẩy trách nhiệm khi nhiệm vụ, công vụ do mình thực hiện làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức khác hoặc vi phạm quyền lợi chính đáng, danh dự và nhân phẩm của công dân...
Ứng xử với nhân dân nơi cư trú và ứng xử trong gia đình: tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Với nhân dân nơi cư trú, quy tắc ứng xử yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp bên cạnh việc tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải nhiệt tình tham gia các hoạt động của chính quyền, cụm dân cư, đoàn thể..., và tuyệt đối không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú, không tham gia, bao che, xúi giục, kích động các hành vi trái pháp luật
Trong gia đình, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải thể hiện vai trò “người giữ cửa pháp luật” của mình qua việc tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người thân gương mâu chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp không được để bố mẹ, vợ chồng hoặc con, anh chị em ruột lợi dụng danh nghĩa bản thân để vụ lợi cho gia đình, bản thân. Bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp cũng không được lợi dụng các hình thức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia... xa hoa, lãng phí với mục đích vụ lợi.
Bên cạnh việc thực hiện các quy định của Quy tắc ứng xử, mỗi cán bộ, công chức, viên chức còn có trách nhiệm vận động cán bộ, công chức, viên chức khác cùng thực hiện. Nếu cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định của Quy tắc ứng xử tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hồng Minh