Tuy nhiên, vấn đề pháp luật là rất rộng lớn, tiếp cận các văn bản pháp luật còn khó chứ chưa nói gì đến hiểu và nắm bắt tường tận các quy định của các văn bản pháp luật đã ban hành, dù cho đó là ai đi chăng nữa. Có tài liệu cho rằng ở nước ta từ năm 1945 đến nay các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) như: Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các Bộ, UBND các cấp... đã ban hành được trên 400.000 VBQPPL, chưa kể đến hàng trăm nghìn văn bản cá biệt khác có chứa quy định mang tính QPPL. Do đó, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào cho tất cả người dân biết và hiểu được những nguyên tắc cơ bản, có tính quy luật khách quan của pháp luật mà không vi phạm và chấp hành pháp luật tốt nhất, cho dù họ không biết các quy định cụ thể. Vấn đề này chúng ta đã cơ bản giải quyết được, nhất là ở các thành phố, thị xã nơi có trình độ dân trí cao và ở các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Nhưng ở đây chúng ta mới đề cập được một khía cạnh của pháp luật đó là về nghĩa vụ, còn về quyền thì sao? Có thể khẳng định là tuy có nhiều nỗ lực, nhiều biện pháp để giúp người dân nắm bắt được quyền của mình trong thực thi pháp luật nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém. Minh chứng cho điều này là việc tình trạng khiếu kiện vượt cấp, oan sai của người dân chưa được bảo vệ và một số kẻ lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật để khống chế, lừa đảo nhân dân (điển hình vụ luật sư Lê Quốc Bảo ở Bình Dương...) vẫn còn diễn ra và có chiều hướng gia tăng... Và vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để nhân dân tiếp cận quyền theo quy định của pháp luật. Hiện nay, mặc dù có rất nhiều loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, câu lạc bộ tư vấn pháp luật... nhưng xem ra hiệu quả chưa cao, một mặt do tính hiệu lực, độ tin cậy thấp, mặt khác là do sự tiếp cận, sự hiểu biết về loại hình tư vấn này của người dân còn rất hạn chế. Một trong những biện pháp giúp người dân tiếp cận với pháp luật nhanh nhất, từ đó họ có thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại hoặc họ có thể biết được các quyền, nghĩa vụ của mình trước khi tham gia vào một quan hệ xã hội đó là nhờ sự tư vấn, giải đáp pháp luật của các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là báo chí. Trong thời gian vừa qua, một số cơ quan báo chí như là Báo Người đại biểu nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Đời sống và pháp luật... đã làm rất nhiều việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giải đáp pháp luật, tìm hiểu pháp luật cho bạn đọc, nhất là mục “Giải đáp pháp luật”.
Có thể nói tất cả những vướng mắc pháp luật đều được giải đáp một cách rõ ràng, đầy đủ, đúng pháp luật và rất có trách nhiệm. Rất nhiều người làm việc ở cơ quan pháp luật, có thời gian làm công tác tư vấn pháp luật có kiến thức pháp luật tương đối nhưng cũng phải thừa nhận việc tìm hiểu pháp luật thông qua báo chí nhất là trên mục giải đáp pháp luật là rất cần thiết và bổ ích, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với những quy định pháp luật mới ban hành. Đối với nhân dân thông qua các câu trả lời trên báo chí đã tạo cho họ cơ sở pháp lý, tài liệu sống động và niềm tin tuyệt đối để họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách hợp pháp, đúng quy định pháp luật. Từ đó giảm bớt và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp, tạo niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Qua bài viết này, chúng tôi muốn kiến nghị các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là báo chí, trang tin điện tử quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc giải đáp pháp luật thông qua các mục như: giải đáp pháp luật, bạn cần biết, tìm hiểu pháp luật, văn bản mới, quy định mới... nhằm giúp cho nhân dân, bạn đọc tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, đồng thời hạn chế những mâu thuẩn, xung đột gây mất trật tự an ninh do thiếu tình trạng hiểu biết về pháp luật gây ra./.
Phạm Văn Chung