- Thưa ông, trên cương vị lãnh đạo Vụ VĐCXDPL, xin ông cho biết đôi dòng thông tin về bối cảnh thành lập Vụ cũng như cụ thể thêm về nhiệm vụ “xây dựng pháp luật” mà Vụ Các VĐCXDPL thực hiện là những việc gì, trong khi từ trước tới nay xây dựng pháp luật vốn là nhiệm vụ chung của Bộ Tư pháp, do hầu hết các đơn vị trong Bộ thực hiện?
- Ông Lê Thành Long: Trước hết, xin nói một chút về bối cảnh ra đời của VụVĐCXDPL. Không phải tất cả nội dung công việc mà Vụ VĐCXDPL được giao theo Nghị định 39 là những công việc mới hoàn toàn. Trong số 03 mảng việc xây dựng pháp luật, pháp chế và theo dõi thi hành pháp luật thì 02 mảng đầu về cơ bản đã thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp từ trước, nay được củng cố, bổ sung và hệ thống lại để thực hiện theo hướng chuyên sâu hơn. Chỉ có mảng việc về theo dõi thi hành pháp luật là mới hoàn toàn đối với Bộ Tư pháp. Như vậy, việc củng cố chức năng nhiệm vụ truyền thống của Bộ và quy định thêm những nhiệm vụ mới vừa có tính chất kế thừa, vừa là kết quả của sự phát triển và trưởng thành tự nhiên của Bộ và ngành Tư pháp trong điều kiện cải cách, hội nhập, khẳng định vị thế, vai trò và năng lực ngày càng tăng của Bộ và ngành.
Còn nhiệm vụ “xây dựng pháp luật” của Vụ thì sẽ có công việc mang tính vĩ mô như giúp Bộ Tư pháp xây dựng và theo dõi thực hiện Chiến lược xây dựng pháp luật, tư vấn về những vấn đề pháp luật nói chung; và công việc mang tính cụ thể như dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; dự thảo Bản phân công các Bộ, ngành thực hiện và đôn đốc việc thực hiện chương trình khi được thông qua, chủ trì thẩm định các dự thảo văn bản pháp luật do Bộ Tư pháp soạn thảo, ban hành.... Một trong những thách thức đặt ra với chúng tôi phải hiện thực hoá một số quy định mà trong một chừng mực nào đó còn mang tính “lý tưởng” của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, và khó hơn nữa là dung hoà giữa những yêu cầu lý tưởng đó với cách làm luật rất ồ ạt của chúng ta từ trước đến nay.
- Từ trước đến nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, chưa có một Bộ, ngành nào được phân công làm đầu mối giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành pháp luật. Chính vì thế, nên có thể nói, nhiệm vụ làm đầu mối theo dõi công tác thi hành pháp luật trong tất cả các lĩnh vực trên phạm vi cả nước là nhiệm vụ rất mới không chỉ với Vụ VĐCXDPL nói riêng, mà cả với Bộ Tư pháp nói chung. Xin ông cho biết ý tưởng để triển khai thực hiện nhiệm vụ này?
- Ông Lê Thành Long: Việc giao một Bộ làm đầu mối giúp Chính phủ theo dõi thi hành thi hành pháp luật không chỉ mới đối với Bộ Tư pháp Việt Nam mà còn mới đối với cả thực tiễn ở các nước. Như vậy, đây là một thách thức lớn đối vớiBộ Tư pháp. Để triển khai công việc, cần có sự chuẩn bị để xác định bước đi và cách làm, cùng thực hiện một số việc trước mắt cũng như lâu dài. Trước mắt, Vụ đang chuẩn bị thực hiện thí điểm việc theo dõi một số luật có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân hoặc có ý kiến trái chiều; phối hợp một số đơn vị trong Bộ như Cục Kiểm tra văn bản, Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Bổ trợ tư pháp tổ chức một số đoàn khảo sát tại Bộ, ngành, địa phương về việc thi hành các văn bản đó; xây dựng mẫu báo cáo, bản hướng dẫn để các Bộ, ngành, UBND tỉnh cung cấp thông tin về công tác thi hành pháp luật; theo dõi việc thi hành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phát hiện những bất cập; xây dựng báo cáo 6 tháng đầu năm và cả năm 2009 để Bộ Tư pháp trình Chính phủ. Về lâu dài, cần làm một cách bài bản hơn. Hiện tại, Vụ Các VĐCXDPL đang thực hiện Đề án về triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật. Dự kiến, Đề án này sẽ được Bộ Tư pháp sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2009. Chúng tôi xác định kết quả của Đề án sẽ là cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ về lâu dài.
- Hẳn ông đã biết, chất lượng và số lượng của các tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Là đơn vị chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho pháp chế Bộ, ngành, địa phương, ông có những dự định gì để đưa các tổ chức pháp chế thoát khỏi “chiếc vòng kim cô” yếu về chất lượng, thiếu về số lượng như hiện nay, thưa ông?
- Ông Lê Thành Long:Nói là “chiếc vòng kim cô” của việc pháp chế yếu về chất lượng và thiếu về số lượng thật ra chưa hẳn chính xác, e rằng khái quát hơi vội vàng. Tôi muốn nhìn nhận vấn đề khác đi một chút. Một bộ óc xuất sắc, nếu đặt vào một cơ chế chưa thông suốt, hoạt động không nhịp nhàng sẽ không phát huy tác dụng bằng một bộ óc trung bình khá, thậm chí bình thường nhưng được đặt trong một hệ thống mà ở đó mỗi bộ phận hợp thành được đặt đúng vị trí, với những chức năng luật định được tôn trọng. Rõ ràng là có “duyên” mà không có “phận” thì cũng dễ nản. Thực tế cho thấy ở nơi nào lãnh đạo quan tâm, xác định đúng vị trí của pháp chế thì ở đó công tác và tổ chức pháp chế mạnh. Ý thức được thực tế này, hiện Bộ Tư pháp đã và đang thực hiện kế hoạch gặp gỡ lãnh đạo và pháp chế từng Bộ, ngành để bàn phối hợp công việc và trong tương lai sẽ đề nghị các Sở Tư pháp cũng làm tương tự như vậy ở địa phương. Gặp gỡ như vậy, ngoài những lý do và kết quả về chuyên môn, củng cố pháp chế, còn là cơ hội để Bộ và anh chị em pháp chế chuyên ngành cảm thấy gần gũi nhau hơn.
Về phần mình, với tư cách là cơ quan quản lý, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, trước hết là về Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ khác cho các cán bộ làm công tác pháp chế. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với pháp chế Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng hệ thống lại những nhu cầu của pháp chế trong tình hình mới để có những đề xuất về việc cải thiện điều kiện làm việc, con người, vật chất, trụ sở. Hiện Bộ đã có kế hoạch tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 122/2004/NĐ-CP về pháp chế.
Xuân Hoa
Bà Trịnh Minh Hiền – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông – Vận tải: Nên có Câu lạc bộ pháp chế Bộ, ngành Sự ra đời của Vụ VĐCXDPL thuộc Bộ Tư pháp là một tin mừng đối với những người làm công tác pháp chế chúng tôi. Đây là một hướng đi đúng vì các tổ chức pháp chế chính là những ”cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp ở các Bộ, ngành, địa phương. ”Cánh tay” đó có mạnh thì công tác xây dựng, tuyên truyền và thực thi pháp luật – vốn là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp mới mạnh. Theo tôi, để giúp cho những ”cánh tay nối dài” của mình nhanh lớn, mạnh, thì Bộ Tư pháp nói chung và Vụ VĐCXDPL nói riêng không thể lơ là nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ pháp chế. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng nên nghiên cứu để thành lập Câu lạc bộ pháp chế Bộ, ngành (tương tự như Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp đã có). Câu lạc bộ sẽ tổ chức các buổi giao ban hàng tháng, hoặc hàng quý để lãnh đạo các tổ chức pháp chế từ nhiều Bộ, ngành có thể trao đổi nghiệp vụ, vướng mắc với Bộ Tư pháp, với nhau nhằm tìm ra kinh nghiệm, sự hợp tác, tiếng nói chung... Ông Nguyễn Văn Thái – Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng: Sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 để phát triển pháp chế địa phương Với tư cách là cán bộ lãnh đạo tư pháp địa phương, tôi rất phấn khởi và chúc mừng sự ra đời của Vụ VĐCXDPL. Tôi tin rằng, với chức năng nhiệm vụ của mình, Vụ VĐCXDPL sẽ góp phần giúp địa phương chúng tôi hoá giải được những khó khăn đang tồn tại: như sự thiếu tính thống nhất của hệ thống VBQPPL từ trung ương đến địa phương, công tác theo dõi thi hành pháp luật bị buông lỏng dẫn đến tính khả thi, hiệu quả của các đạo luật không cao... Từ thực tiễn địa phương tôi thấy, việc tổ chức thực hiện Nghị định 122 2004/NĐ-CP về pháp chế ở địa phương chưa được quan tâm nhiều. Chính vì thế, tôi đề nghị phải sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 để phát triển tổ chức pháp chế nói chung và pháp chế địa phương nói riêng. Sao cho ở mỗi Sở, ngành ở địa phương trong thời gian tới đây sẽ có Phòng Pháp chế hay chí ít cũng là cán bộ làm chuyên trách công tác pháp chế. |