“Chặn tay” hành vi thương mại không lành mạnh đối với người tiêu dùng
Dự Luật đã dành hẳn một chương để “điểm mặt, chỉ tên” những hành vi bị coi là hành vi thương mại không lành mạnh đối với người tiêu dùng. Đó là các hành vi gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (NTD), quấy rối NTD và ép buộc NTD. Đặc biệt, hành vi quấy rối NTD mà dự Luật đề cập cho thấy tư duy của các nhà làm luật rất cập nhật với tình hình NTD thường xuyên bị quấy rầy bằng thư rác, tin nhắn quảng cáo dịch vụ... vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, đang diễn ra hiện nay. Khoản 1 Điều 29 của dự Luật xác định “hành vi quấy rối NTD là hành vi tiếp xúc với NTD trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin liên lạc để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ, tổ chức cá nhân kinh doanh hoặc để đề nghị giao dịch trái với ý muốn của người được tiếp xúc”. Đã quấy rối rắt phải bị cấm, nên tiếp ngay sau đó, Khoản 2 Điều 29 đã đưa ra 6 quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện hành vi quấy rối NTD như: cấm nhiều lần tiếp xúc với NTD mặc dù không có cơ sở cho thấy NTD có nhu cầu sử dụng đối với hàng hóa, dịch vụ; cấm tiếp xúc với NTD vào thời gian dùng bữa, nghỉ ngơi hoặc các thời điểm không phù hợp với hoạt động thương mại thông thường...
Nhận thấy rằng các hành vi quấy rối NTD của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hiện nay chủ yếu dựa trên cơ sở của các phương tiện truyền thông như điện thoại di động, Internet..., nên các nhà làm luật cũng đưa ra các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện, nhà cung cấp dịch vụ thông tin, liên lạc. Cụ thể, theo dự Luật, những người này sẽ bắt buộc phải có trách nhiệm xây dựng, phát triển các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối NTD, từ chối cho tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để thực hiện các hành vi có khả năng quấy rối NTD... Việc từ chối của chủ phương tiện, nhà cung cấp dịch vụ thông tin, liên lạc có thể do đơn phương tự quyết hoặc căn cứ trên khiếu nại của NTD, hay yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chấm dứt tình trạng bảo hành “hành là chính”
Trong thực tế hoạt động thương mại hiện nay, tuy rằng các giao dịch thương mại giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và NTD thường xuyên được minh chứng bằng các bản hợp đồng, nhưng xem ra khi xảy ra sự việc thì phần thua thiệt vẫn nghiêng về phía NTD là chính.Vì thế, nên ngay ở điều khoản đầu tiên của Chương Bảo vệ NTD trong quan hệ hợp đồng, dự Luật BVQLNTD đã chỉ rõ: “trong trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau về nội dung thì hợp đồng được giải thích theo hướng có lợi cho NTD”.
Căn cứ vào giao dịch cụ thể, có 3 loại hợp đồng được dự luật đề cập là hợp đồng từ xa, hợp đồng cũng cấp dịch vụ liên tục và hợp đồng bán hàng tận cửa. Tuy nhiên, dù là loại hợp đồng gì thì tổ chức, cá nhân kinh doanh khi đặt bút ký kết với NTD cũng phải lưu ý những điều khoản bị cấm như: cấm tổ chức cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng ký kết những nội dung có thể loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đó với NTD, hay vượt quá khả năng thực hiện của NTD, hạn chế quyền hoặc gây rủi ro của NTD...
Theo thống kê của các Hội BVQLNTD, bên cạnh việc thường xuyên bị thua thiệt khi ký kết hợp đồng với nhà kinh doanh, NTD hiện nay còn phải khổ vì vấn đề bảo hành với tình trạng bị các nhà sản xuất, phân phối “hành là chính”. Để giúp người tiêu dùng đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, dự Luật BVQLNTD đưa ra 6 trách nhiệm yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải tuân thủ khi thực hiện nghĩa vụ bảo hành mà theo đó, ở mức cao nhất NTD có quyền yêu cầu đổi sản phẩm mới, trả sản phẩm hoặc lấy lại tiền... nếu hết thời gian bảo hành mà đơn vị bảo hành không hoàn thành việc bảo hành.
Hồng Minh
Ông Đặng Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương: Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế về kiến thức pháp luật và tiêu dùng. Họ thường mua hàng hóa sử dụng dịch vụ theo thói quen là chính và bản thân họ cũng không hiểu mình có những quyền gì và được pháp luật bảo vệ như thế nào. Do vậy, trong nhiều quan hệ mua bán, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thường lợi dụng sự kém hiểu biết đó của người tiêu dùng để trốn tránh việc thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng... |