Cụ thể, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi chuẩn bị đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định có trách nhiệm đánh giá tác động sơ bộ của văn bản. Việc đánh giá tác động phải nêu rõ vấn đề cần giải quyết, mục tiêu của của chính sách dự kiến và các phương án giải quyết vấn đề đó; lựa chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề trên cơ sở đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, hệ thống pháp luật, tác động đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, khả năng tuân thủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tác động khác.
Đối với một trong những trường hợp sau đây thì phải đánh giá tác động đầy đủ: Văn bản có thể làm phát sinh chi phí từ 15 tỷ đồng hàng năm trở lên cho nhà nước, cơ quan, tổ chức hoặc doanh nghiệp, cá nhân; văn bản có tác động tiêu cực đáng kể đến các nhóm đối tượng trong xã hội; văn bản có thể tác động đến số lượng lớn doanh nghiệp; văn bản có thể làm tăng đáng kể giá tiêu dùng; văn bản còn nhiều ý kiến khác nhau, được công chúng quan tâm và có ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích chung.
Sau ba năm, kể từ ngày luật, pháp lệnh, nghị định có hiệu lực pháp luật, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đánh giá tác động của văn bản trong thực tiễn, đối chiếu với kết quả đánh giá trong giai đoạn soạn thảo để xác định tính hợp lý, tính khả thi của các quy định, phân tích các chi phí, lợi ích thực tế, mức độ tuân thủ văn bản của các nhóm đối tượng thi hành văn bản... Trên cơ sở đó, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả của văn bản hoặc hoàn thiện văn bản.
Đánh giá cao quy định mới này, trong một buổi tập huấn về đánh giá tác động pháp luật được tổ chức mới đây tại Bộ Tư pháp, Ông Faisal Naru, chuyên gia cao cấp về cải cách thể chế của Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh (VNCI) cho biết thêm: đánh giá tác động của văn bản giúp cho cơ quan soạn thảo văn bản có cái nhìn tổng thể, toàn diện về vấn đề sẽ được giải quyết trong văn bản, thấy được những mặt được và mặt hạn chế của các phương án đưa ra, từ đó tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền hướng giải quyết đúng và trúng hơn.
Ông Faisal Naru cũng cho rằng, việc Bộ Y tế ban hành văn bản cấm một số người “thấp, bé, nhẹ cân” không được điều khiển phương tiện xe máy gặp phải sự phản ứng gay gắt của người dân là do không có đánh giá tác động văn bản trước khi ban hành. Nếu như, trong quá trình soạn thảo văn bản đó, Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến đến các nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Nguyễn Đình Thơ