Qua theo dõi, quản lý trong lĩnh vực hoạt động công chứng chúng tôi thấy việc chuyển đổi vị trí công tác của công chứng viên cần xét đến các vấn đề sau:
Thứ nhất: Từ khi Luật công chứng số 82/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 có hiệu lực thì công chứng viên được phân thành 2 loại đó là: công chứng viên của Phòng công chứng và công chứng viên của Văn phòng công chứng. Nếu công chứng viên của Phòng công chứng phải chuyển đổi thì công chứng viên của Văn phòng công chứng có phải chuyển đổi không? Đó là câu hỏi của các công chứng viên Phòng công chứng đặt ra khi một số địa phương thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của công chứng viên. Trong khi đó, Luật công chứng quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, nhiệm vụ của công chứng viên, trách nhiệm của công chứng viên đối với hai loại hình tổ chức công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng không có gì khác biệt. Ngoài ra, Luật công chứng không quy định việc chuyển đổi vị trí công tác của công chứng viên do tính chất đặc thù nghề nghiệp.
Thứ hai: Căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật công chứng về nguyên tắc hành nghề công chứng thì công chứng viên phải: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng” và tại khoản 2 Điều 43 còn có quy định: "Người thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó". Như vậy, nếu công chứng viên chuyển đổi vị trí công tác thì người dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi có văn bản công chứng cần sửa lỗi.
Thứ ba: Tại Điều 44 Luật công chứng quy định việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch như sau : " Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó". Như vậy, nếu chuyển đổi vị trí công tác của công chứng viên thì không bảo đảm tính an toàn, hợp pháp cho hợp đồng, giao dịch.
Thứ tư: Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật công chứng: " Một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải do công chứng viên đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu thực hiện công chứng". Vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác công chứng viên thường xuyên sẽ gây nhiều rắc rối, khó khăn cho cá nhân, tổ chức khi cần tiếp tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản.
Thứ năm: Luật công chứng còn có quy định chế độ lưu trữ quản lý hồ sơ công chứng tại Điều 54 như sau: Bản chính văn bản công chứng phải được lưu trữ trong thời hạn ít nhất là hai mươi năm; các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ ít nhất là năm năm". Nếu chuyển đổi công chứng viên từ Phòng công chứng này sang Phòng công chứng khác hoặc chuyển sang một vị trí công tác khác không còn chức danh công chứng viên nữa sẽ làm ảnh hưởng đến các Phòng công chứng trong việc theo dõi quản lý hồ sơ công chứng do công chứng viên thụ lý, dẫn đến trách nhiệm đối với hồ sơ công chứng không cao.
Hiện nay các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không còn phân chia địa hạt nên người dân, tổ chức có thể công chứng tại bất cứ Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nào ở trong tỉnh, thành phố nơi mình cư trú. Do vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác công chứng viên của các Phòng công chứng không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc làm mất đi tính ổn định trong công việc.
Tóm lại: công chứng là một nghề cần có chuyên môn nghiệp vụ sâu, cần có bề dày trong thực tiễn công tác và cần có tính ổn định. Do vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác của công chứng viên là không cần thiết mà còn làm khó khăn, bất cập cho hoạt động công chứng.
Phan Thuỷ - Vụ Bổ trợ tư pháp