- Được biết, thời gian qua các yêu cầu về đăng ký giao dịch bảo đảm liên tục gia tăng. Điều này chứng tỏ cả người dân và doanh nghiệp đều đã ý thức rõ hơn về giá trị của công việc này. Xin ông cho biết cụ thể việc đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền đã được triển khai ra sao?
Sau 7 năm đi vào hoạt động, có thể nói việc triển khai công tác đăng ký giao dịch bảo đảm tại các cơ quan có thẩm quyền đã đi vào nề nếp, ổn định và đạt được những kết quả quan trọng
Đối với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, kể từ khi triển khai hệ thống đăng ký tại các Trung tâm đăng ký GD,TS thuộc Cục Đăng ký - Bộ Tư pháp cho đến nay (tháng 03/2002), lượng đơn yêu cầu đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản tăng nhanh. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, các Trung tâm Đăng ký đã tiếp nhận và chứng nhận 373.222 đơn yêu cầu đăng ký và 8241 văn bản cung cấp thông tin. Điều đó chứng tỏ tổ chức, cá nhân ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm.
Đối với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tổ chức của hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm bằng bất động sản được kiện toàn với sự hình thành hệ thống các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở địa phương. Việc đăng ký thế chấp trở thành nhu cầu không thể thiếu trong quy trình xác lập biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng.
- Các yêu cầu đăng ký mặc dù tăng nhưng so với giao dịch được thực hiện trên thực tế thì số lượng đăng ký vẫn còn quá ít. Lý do là hiện nay vẫn còn rất nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa biết đến lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Có thể thấy lợi ích đầu tiên của việc đăng ký giao dịch bảo đảm đó là công khai hoá các giao dịch bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu, qua đó giúp họ có thông tin chính xác trước khi quyết định xác lập các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại... Quan trọng hơn, đăng ký giao dịch bảo đảm chính nhằm xác định được thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, từ đó tránh được các tranh chấp khi xử lý tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, Đăng ký giao dịch bảo đảm còn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch và các cá nhân, tổ chức có liên quan, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật không chỉ trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm mà còn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, đăng ký giao dịch bảo đảm còn có ý nghĩa quan trọng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tín dụng phát triển nhanh chóng và lành mạnh; những thông tin về đăng ký giao dịch bảo đảm còn được sử dụng phục vụ cho hoạt động xét xử của Toà án đối với các tranh chấp có liên quan.
- Thưa ông, muốn tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, người dân phải đến những cơ quan nào?
Muốn tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản trước khi xác lập các giao dịch, người dân có thể tìm hiểu thông tin tại các cơ quan có thẩm quyền sau đây:
- Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (có thẩm quyền đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, đăng ký và cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, thông báo và cung cấp thông tin về việc kê biên tài sản thi hành án). Hiện nay hệ thống các Trung tâm đang có tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Người dân có thể lựa chọn bất cứ trung tâm nào để đăng ký vì không biệt địa giới hành chính.
- Các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường (có thẩm quyền đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)
- Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực (có thẩm quyền đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển)
- Cục Hàng không Việt Nam (có thẩm quyền đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu bay).
- Là cơ quan tổ chức đăng ký và cung cấp thông tin nhưng hiện nay, chúng ta lại chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm? Có trở ngại gì không, nhất là trong việc tra cứu, tìm hiểu thông tin thưa ông?
Tôi thừa nhận là hiện nay, do hệ thống các cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm còn phân tán theo từng loại tài sản,trong khi chúng ta chưa xây dựng được cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan, do đó chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm là một trở ngại rất lớn. Hệ quả của việc này là thông tin về tài sản phân tán, không đầy đủ do sự phân tán của hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay. Do đó có thể phát sinh những rủi ro do khi người dân giao kết hợp đồng mà không biết về tình trạng pháp lý của tài sản (ví dụ như việc nhận thế chấp đối với những tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp, mua tài sản đang thế chấp ...)
Hạn chế thứ hai cho người dân phải đến nhiều cơ quan có thẩm quyền và mất nhiều loại phí để tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản. Điều này chưa thực sự tạo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, nhất là cá nhân, hộ gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do đó không khuyến khích được người dân tham gia vào thiết chế đăng ký...
- Vậy, cần có giải pháp gì để hạn chế rủi ro của người dân khi xác lập giao dịch mà không có thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản?
Theo tôi, trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm để người dân nhận thức được những lợi ích của đăng ký giao dịch bảo đảm, cũng như tạo ra thói quen tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản trước khi xác lập giao dịch... tại các cơ quan có thẩm quyền.
Về phía các cơ quan nhà nước, cần xây dựng và thực hiện các quy định về thủ tục đăng ký, tìm hiểu thông tin cần đơn giản, thuận tiện và thân thiện với người dân.
Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, theo đó, phải xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản cũng như xây dựng được cơ chế trao đổi thông tin giữa về tài sản bảo đảm giữa các cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhằm đạt đươc mục tiêu là người dân chỉ cần đến một cơ quan để tra cứu, lấy thông tin về tình trạng pháp lý của các loại tài sản. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế tra cứu thông tin trực tuyến về giao dịch bảo đảm nhằm tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu thông tin về tài sản của người dân.
- Được biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm. Xin ông cho biết theo dự thảo Luật thì những trường hợp nào bắt buộc phải đăng ký, những trường hợp nào thực hiện đăng ký tự nguyện? Nếu thuộc trường hợp bắt buộc phải đăng ký mà không đăng ký thì có chế tài xử phạt gì không?
Theo dự thảo Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì các trường hợp phải đăng ký bao gồm: thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng sản xuất là rừng trồng; cầm cố, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển và một số trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định. Các giao dịch bảo đảm không thuộc các trường hợp trên thì được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
Hiện nay, dự thảo không quy định chế tài xử phạt đối với những trường hợp bắt buộc phải đăng ký nhưng không đăng ký. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong một số trường hợp pháp luật quy định đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực (ví dụ thế chấp bằng quyền sử dụng đất) mà không thực hiện đăng ký thì giao dịch bảo đảm đó chưa phát sinh hiệu lực, đồng thời nếu các bên trong hợp đồng không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu theo quy định tại Điều 134 Bộ luật dân sự.
Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm nđã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII (tháng 9/2008). Hiện nay, Bộ Tư pháp vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, dự kiến sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
PV Thu Hằng