Xử lý chuyển hướng bằng hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm về xử lý chuyển hướng đối với người vi phạm pháp luật, tuy nhiên đã có những quy định cho phép chuyển hướng xử lý những người vi phạm pháp luật hành chính hoặc hình sự sang xử lý bằng các biện pháp không chính thức, thay vì áp dụng chế tài hành chính hay hình sự là những biện pháp xử lý chính thức.

Với xu thế áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng trên thế giới thì hòa giải được xác định là một biện pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả. Ở Việt Nam cũng đã có những quy định về việc áp dụng hòa giải như là một biện pháp hoặc một phần của biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Hòa giải cũng là giải quyết các tranh chấp, bất đồng giữa hai hay nhiều bên tranh chấp bằng việc các bên dàn xếp, thương lượng với nhau có sự tham gia của bên thứ ba.

Ngày 20/6/2013 tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo đó, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

Trong phạm vi bài viết, xin đề cập các trường hợp có thể áp dụng hòa giải ở cơ sở như là một biện pháp hoặc một phần của biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật như sau:

Một là, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (quy định tại Khoản 3 Điều 29 BLHS).

Quy định này nhằm thực hiện chính sách hình sự là đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Pháp luật không quy định biện pháp hòa giải cụ thể đối với việc hòa giải tự nguyện tại khoản 3 Điều 29 BLHS nên việc hòa giải có thể được các bên tự tiến hành, thỏa thuận hoặc qua bên trung gian hòa giải là hòa giải viên ở cơ sở.

Hai là, các trường hợp chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (quy định tại Điều 155 BLTTHS năm 2015) nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố hoặc có yêu cầu nhưng đã rút yêu cầu khởi tố.

Đó là các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 các điều sau:
- Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);
- Điều 135 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh);
- Điều 136 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội);
- Điều 138 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác),
- Điều 139 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính),
- Điều 141 (tội hiếp dâm),
- Điều 143 (tội cưỡng dâm),
- Điều 155 (tội làm nhục người khác),
- Điều 156 (tội vu khống)
- Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp)
    
Trong trường hợp này, các bên có thể tự thỏa thuận hoặc hòa giải qua bên thứ ba (như hòa giải ở cơ sở) để thỏa thuận người bị hại không khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố.

Ba là, người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính (người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự).

Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ) quy định về đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: “…Trưởng công an cấp xã không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ nếu thấy văn bản đề nghị không đúng đối tượng quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 4 của Nghị định này hoặc sự việc đang trong quá trình hòa giải hoặc đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; nếu người đề nghị không đồng ý thì báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã”.

Theo đó, trường hợp vụ việc đang trong quá trình hòa giải hoặc đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở thì người chưa thành niên không bị đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 

Như vậy, trong trường hợp này có thể sử dụng hòa giải ở cơ sở để hòa giải vụ việc do người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính. Nếu hòa giải thành thì người chưa thành niên không bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 

Bốn là, người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 139 và 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính:
- Áp dụng biện pháp “Nhắc nhở”:
 Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện. Biện pháp này áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo; Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

- Áp dựng biện pháp “Quản lý tại gia đình”:
Điều 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về biện pháp quản lý tại gia đình. Theo đó, quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 90 của Luật này (người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) khi có đủ các điều kiện sau: Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

Trong trường hợp này, thường áp dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở để giải quyết các vấn đề dân sự như bồi thường thiệt hại về vật chất cho người bị hại hoặc giải quyết các mâu thuẫn, xích mích phát sinh từ hành vi vi phạm./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật