Một số so sánh giữa hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam và hòa giải nhân dân Trung Hoa

Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa quan trọng của hòa giải cơ sở là đáp ứng nhu cầu giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội, đồng thời giảm bớt các vụ việc phải đưa lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết, từ đó, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân và kế thừa, tiếp tục phát triển các chế định về hòa giải cơ sở phù hợp, ngày 20/6/2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở.

Luật Hòa giải nhân dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thông qua tại phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường trực của Quốc hội Nhân dân thứ 11, Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 28/8/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Luật Hòa giải nhân dân được xây dựng nhằm cải thiện hệ thống hòa giải nhân dân, quy định các hoạt động hòa giải nhân dân, và kịp thời giải quyết mâu thuẫn của người dân và duy trì sự hòa thuận và ổn định xã hội. 
 
Qua nghiên cứu, người viết nhận thấy có nhiều điểm tương đồng về mục đích, ý nghĩa của việc ban hành luật và các quy định trong Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa và Luật Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giữa hai Luật cũng có nhiều quy định khác nhau. Sau đây, người viết xin phân tích một số nội dung như sau:
 
1. Khái niệm hòa giải cơ sở/hòa giải nhân dân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam thì hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.
 
Trong khi đó, theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa thì “Hòa giải nhân dân” là quá trình một ủy ban hòa giải nhân dân thuyết phục các bên liên quan đến một mâu thuẫn đạt được một thỏa thuận hòa giải trên cơ sở thương lượng bình đẳng và tự do ý chí và mang lại một kết quả là giải quyết mâu thuẫn giữa các bên.
 
Như vậy, về khái niệm hòa giải theo quy định của hai Luật có sự tương đồng. Đều là việc hòa giải viên/ủy ban hòa giải nhân dân giúp các bên thương lượng để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
 
2. Tổ hòa giải/Ủy ban hòa giải nhân dân
Theo Luật Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam quy định các tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư thì theo quy định tại Luật Hòa giải nhân dân của Trung Hoa sẽ có các ủy ban hòa giải nhân dân. Theo đó, các hội đồng thôn và hội đồng các vùng lân cận sẽ thiết lập các ủy ban hòa giải nhân dân. Các tổ chức kinh tế và các học viện công có quyền tự do thiết lập hoặc không thiết lập các ủy ban hòa giải nhân dân dựa trên nhu cầu thực tế của các tổ chức này. 
 
Một ủy ban hòa giải nhân dân bao gồm từ 3 đến 9 thành viên. Ủy ban sẽ bao gồm một giám đốc, và nếu cần, sẽ gồm hai hoặc nhiều hơn hai phó giám đốc. Một ủy ban hòa giải nhân dân sẽ có các thành niên nữ, và trong khu vực dân cư đa sắc tộc, có các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số. 
 
Các thành viên của ủy ban hòa giải nhân dân của một hội đồng thôn hoặc hội đồng các vùng lân cận sẽ được lựa chọn tại cuộc họp thôn, cuộc họp của các đại diện thôn, hay cuộc họp tổ dân cư; trong khi các thành viên của ủy ban hòa giải nhân dân của một tổ chức kinh tế hay một học viện công sẽ được lựa chọn bởi các cán bộ nhân viên, trong cuộc họp đại diện cán bộ nhân viên, hay bởi công đoàn. 
 
Nhiệm kỳ tham gia hoạt động trong các ủy ban hòa giải nhân dân của các thành viên là ba năm, và bất kỳ ai trong số các thành viên này đều có thể được lựa chọn tham gia vào ủy ban tiếp theo sau khi hết hạn nhiệm kỳ.
 
Cơ quan hành chính tư pháp của chính quyền nhân dân xã sẽ thu thập số liệu thống kê về việc thiết lập các ủy ban hòa giải nhân dân trong khu vực hành chính của mình và báo cáo cho các tòa án nhân dân địa phương về thành phần trong các ủy ban hòa giải nhân dân, các thành viên và bất kỳ sự thay đổi nào trong ủy ban. Các hội đồng thôn, các hội đồng các vùng lân cận, các tổ chức kinh tế và các học viên công sẽ tạo điều kiện làm việc và các điều kiện tài chính cần thiết cho các ủy ban hòa giải nhân dân để các ủy ban thực hiện tốt công tác hòa giải.
 
Như vậy, có thể thấy mô hình tổ hòa giải ở cơ sở theo Luật Hòa giải ở cơ sở của Việt Nam và ủy ban hòa giải nhân dân theo Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa có những nét tương đồng như tổ hòa giải, ủy ban hòa giải nhân dân được thành lập tại các thôn, vùng lân cận; về số lượng hòa giải viên, mỗi tổ hòa giải, ủy ban hòa giải nhân dân có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ, đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. 
 
Tuy nhiên, có một số điểm khác nhau như sau:
Một là, về thẩm quyền thành lập
Tại Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
 
Theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa, các hội đồng thôn và hội đồng các vùng lân cận sẽ thiết lập các ủy ban hòa giải nhân dân. Các tổ chức kinh tế và các học viện công có quyền tự do thiết lập hoặc không thiết lập các ủy ban hòa giải nhân dân dựa trên nhu cầu thực tế của các tổ chức này. 
 
Hai là, về nhiệm kỳ hoạt động
Tại Việt Nam, hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải (khoản 3 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013).
 
Trong khi đó, theo Luật hòa giải nhân dân Trung Hoa, nhiệm kỳ tham gia hoạt động trong các ủy ban hòa giải nhân dân của các thành viên là ba năm.
 
Ba là, về số lượng hòa giải viên trong tổ hòa giải, ủy ban hòa giải nhân dân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên. Tức là không quy định số lượng hòa giải viên tối đa.
 
Tại Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa quy định một ủy ban hòa giải nhân dân bao gồm từ 3 đến 9 thành viên. Theo đó, Luật đã quy định tối thiểu là 3 thành viên và tối đa là 9 thành viên.
 
Bốn là, cơ quan quản lý tổ hòa giải/ủy ban hòa giải nhân dân tại cơ sở
Theo Luật Hòa giải cơ sở năm 2013 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên tại địa phương; chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở; báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
 
Theo Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa quy định cơ quan hành chính tư pháp của chính quyền nhân dân xã sẽ thu thập số liệu thống kê về việc thiết lập các ủy ban hòa giải nhân dân trong khu vực hành chính của mình và báo cáo cho các tòa án nhân dân địa phương về thành phần trong các ủy ban hòa giải nhân dân, các thành viên và bất kỳ sự thay đổi nào trong ủy ban. Các hội đồng thôn, các hội đồng các vùng lân cận, các tổ chức kinh tế và các học viên công sẽ tạo điều kiện làm việc và các điều kiện tài chính cần thiết cho các ủy ban hòa giải nhân dân để các ủy ban thực hiện tốt công tác hòa giải.
 
3. Hòa giải viên 
Theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa thì các hòa giải viên nhân dân sẽ là các thành viên hay các cá nhân được tuyển dụng bởi các ủy ban hòa giải nhân dân. Các hòa giải viên nhân dân phải là những công dân đủ tuổi trưởng thành, những người công bằng, công tâm và hết lòng vì công tác hòa giải nhân dân, và có trình độ giáo dục nhất định, am hiểu chính sách và có kiến thức về pháp luật. Các cơ quan hành chính tư pháp trực thuộc các chính quyền nhân dân cấp xã sẽ cung cấp đào tạo nghề nghiệp thường xuyên cho các hòa giải viên nhân dân.
 
Trong trường hợp một hòa giải viên nhân dân vi phạm một trong những hành động sau trong quá trình thực tiến hành công tác hòa giải, ủy ban hòa giải nhân dân nơi cá nhân đó công tác sẽ phê bình và giáo dục cá nhân đó và yêu cầu cá nhân đó sửa chữa vi phạm của mình; nếu vi phạm nghiêm trọng, tổ chức pháp nhân giới thiệu hoặc bổ nhiệm cá nhân đó sẽ sa thải cá nhân này khỏi vị trí hay công việc hòa giải: (1) Thiên vị một bên mâu thuẫn hay tranh chấp; (2) Lăng nhục một bên mâu thuẫn hay tranh chấp; (3) Đòi hỏi hoặc nhận tiền hay hiện vật, hay vì những tư lợi trái pháp luật khác; hoặc (4) Tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật thương mại của một bên liên quan. 
 
Các hòa giải viên nhân dân sẽ được nhận trợ cấp cho thời gian thực hiện việc hòa giải. Trong trường hợp một hòa giải viên nhân dân bị thương hoặc bị tàn tật trong quá trình thực hiện công tác hòa giải, chính quyền nhân dân địa phương sẽ cung cấp tất cả những trợ giúp cần thiết liên quan đến chăm sóc y tế và sinh sống của cá nhân đó. Trong trường hợp một hòa giải viên nhân dân chết do thực hiện công tác hòa giải, vợ/chồng và các con của cá nhân đó sẽ được nhận đền bù và chăm sóc ưu đãi theo như các điều khoản luật liên quan của nhà nước.
 
So với quy định về hòa giải viên theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 của Việt Nam, quy định về hòa giải viên nhân dân theo Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa có một số điểm giống và khác nhau như sau:
 
Về điểm giống nhau, tiêu chuẩn hòa giải viên đều phải là công dân am hiểu chính sách và có kiến thức về pháp luật và các trường hợp cho thôi/sa thải hòa giải viên. Bên cạnh đó, về chế độ đãi ngộ, hòa giải viên sẽ được hưởng thù lao, trợ cấp khi thực hiện việc hòa giải, được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.
 
Về điểm khác nhau:
Một là, về hình thức bầu, tuyển dụng hòa giải viên
Theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa, các hòa giải viên nhân dân sẽ là các thành viên hay các cá nhân được tuyển dụng bởi các ủy ban hòa giải nhân dân.
 
Trong khi đó, hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên (Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở).
Hai là, về tiêu chuẩn hòa giải viên.
 
Theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa, các hòa giải viên nhân dân phải là những công dân đủ tuổi trưởng thành, những người công bằng, công tâm và hết lòng vì công tác hòa giải nhân dân, và có trình độ giáo dục nhất định, am hiểu chính sách và có kiến thức về pháp luật.
 
Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây: (1) Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; (2) Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
 
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hòa giải viên ở cơ sở phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, bên cạnh việc có hiểu biết pháp luật thì cần phải có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân.
 
4. Quy trình tiến hành hòa giải
Giữa quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa và Luật Hòa giải ở cơ sở của Việt Nam về quy trình tiến hành hòa giải có một số điểm tương đồng như: 
 
(1) Các bên có thể lựa chọn hòa giải viên thực hiện hòa giải, trong trường hợp các bên không lựa chọn thì ủy ban hòa giải nhân dân/tổ trưởng tổ hòa giải có thể phân công hòa giải viên thực hiện hòa giải; 
 
(2) Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên có thể mời những người có liên quan tham gia hòa giải nếu được các bên đồng ý; các hòa giải viên có thể áp dụng nhiều biện pháp thích hợp để hòa giải mâu thuẫn giữa các bên trên cơ sở các tình huống thực tế của mâu thuẫn, lắng nghe các bên liên quan, giải thích các quy định, và chính sách của nhà nước, thuyết phục các bên liên quan, và giúp các bên đạt được thỏa thuận hòa giải. 
 
(3) Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải như quyền lựa chọn hoặc chấp nhận các hòa giải viên nhân dân, chấp nhận hoặc từ chối hoạt động hòa giải, hoặc yêu cầu kết thúc quá trình hòa giải, yêu cầu quá trình hòa giải cần được tiến hành công khai hay riêng tư; và tự do bày tỏ ý chí của họ và đạt được một thỏa thuận hòa giải trên cơ sở tự nguyện; các bên có nghĩa vụ trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc, tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan, không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải; 
 
(4) Về trách nhiệm của hòa giải viên, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; ghi chép lại quá trình hòa giải…
 
Bên cạnh những điểm tương đồng, quy định về hòa giải cơ sở của hai nước cũng có điểm khác nhau. Cụ thể về căn cứ tiến hành hòa giải, theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa, các bên liên quan đến một mâu thuẫn hay tranh chấp có thể yêu cầu ủy ban hòa giải nhân dân hòa giải mâu thuẫn hay tranh chấp của họ và một ủy ban hòa giải nhân dân có thể tiến hành hoạt động hòa giải một cách tự nguyện. Tuy nhiên, hoạt động hòa giải có thể không được tiến hành nếu một bên từ chối giải quyết mẫu thuẫn hay tranh chấp thông qua hòa giải.
 
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 của Việt Nam quy định hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây: (1) Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải; (2) Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải; (3) Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Như vậy, có thể thấy rằng, căn cứ tiến hành hòa giải ở cơ sở theo quy định của Việt Nam được quy định rộng hơn so với quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa. Theo đó, Luật Hòa giải nhân dân Trung hoa quy định ủy ban hòa giải nhân dân có thể hòa giải nếu các bên yêu cầu hòa giải, nếu 1 bên từ chối hòa giải thì hoạt động hòa giải có thể không được tiến hành. Còn theo quy định của pháp luật Việt Nam, hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi một hoặc các bên yêu cầu, hoặc vụ, việc được hòa giải viên chứng kiến và thuộc phạm vi hòa giải hoặc theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của người có liên quan. 
 
5. Về thỏa thuận hòa giải
Về thỏa thuận hòa giải, giữa quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa và Luật Hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Cụ thể như sau:
 
Một là, về thỏa thuận hòa giải thành
Trường hợp đạt được thỏa thuận, các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây: các thông tin cơ bản về các bên liên quan; các tình tiết chính của mâu thuẫn hay tranh chấp, vấn đề mâu thuẫn, và nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan; nội dung của bản thỏa thuận hòa giải đạt được giữa các bên liên quan, và phương thức và kỳ hạn hoàn thành thỏa thuận; các bên liên quan ký, đóng dấu hoặc lăn vân tay vào bản thỏa thuận.
 
Hai là, về trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải
Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành. Hòa giải viên/Ủy ban hòa giải nhân dân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết.
 
Ba là, về yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành
Theo quy định của Luật Hòa giải nhân dân Trung Hoa thì sau khi thỏa thuận hòa giải đã đạt được sau quá trình hòa giải của ủy ban hòa giải nhân dân, khi cần thiết, các bên liên quan có thể cùng nộp đơn lên tòa án nhân dân đề nghị xác nhận tư pháp sau 30 ngày kể từ ngày thỏa thuận hòa giải có hiệu lực, và tòa án nhân dân đó sẽ kịp thời kiểm tra bản thỏa thuận và công nhận tính hiệu lực của thỏa thuận. Sau khi tòa án nhân dân công nhận tính hiệu lực của thỏa thuận hòa giải, nếu một bên liên quan từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thỏa thuận, bên tranh chấp còn lại có thể nộp đơn đề nghị buộc thực hiện thỏa thuận. 
 
Nếu tòa án nhân dân xác nhận rằng thỏa thuận hòa giải là không hợp lệ, các bên liên quan có thể thay đổi bản thỏa thuận ban đầu hoặc thống nhất với nhau về một bản thỏa thuận mới thông qua quá trình hòa giải nhân dân, hoặc nộp đơn khởi kiện lên một tòa án nhân dân. 
 
Tại Việt Nam, theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã dành 01 chương (Chương XXXIII) quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, vụ việc hòa giải thành đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở (là một bên hoặc cả hai bên) gửi đơn đến Tòa án theo quy định tại Điều 418 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở.
 
Trên đây là một số ý kiến cá nhân của người viết về điểm giống và khác nhau giữa quy định về hòa giải ở cơ sở tại Việt Nam và quy định về hòa giải nhân dân Trung Hoa, rất mong nhận được trao đổi, phản hồi của độc giả.
Hồng Sơn