Nghiệp vụ Thanh tra công vụ tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Thanh tra công vụ là vấn đề đang được quan tâm và cần được tăng cường trong giai đoạn hiện nay. Thanh tra công vụ là công việc cần thiết, quan trọng để phục vụ cho yêu cầu quản lý. Để có thêm tài liệu tham khảo về nghiệp vụ thanh tra công vụ của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Thanh tra Học viện), tác giả xin trình bày chuyên đề này dưới dạng quy trình thực hiện một cuộc thanh tra công vụ để cán bộ thanh tra và những tổ chức, cá nhân hành nghề thanh tra công vụ cùng tham khảo.

I. Cơ sở pháp lý của việc tiến hành Thanh tra công vụ

1. Về thẩm quyền thanh tra, phạm vi thanh tra của Thanh tra Học viện

 - Tại khoản 1 và 2, Điều 74 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định Phạm vi thanh tra công vụ như sau:

“1. Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan.

 2. Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ.

           - Tại khoản 2, Điều 4 của Luật Thanh tra đã quy định: “ Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước theo cấp hành chính đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp.”.

Theo đó, Thanh tra công vụ là một phần của Thanh tra hành chính, thanh tra hành chính theo Luật thanh tra có nội dung bao quát hơn, phạm vi rộng lớn hơn vì ngoài thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ công chức (thanh tra công vụ) thì Thanh tra hành chính còn phải thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cán bộ công chức.

1.1 Đối với Ban Thanh tra Học viện

 Tại khoản 1, Điều 5 của Quy chế hoạt động thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 3324 /QĐ-HVCTQG ngày 14/12/2006 của Giám đốc Học viện đã quy định: “Ban Thanh tra là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Học viện về công tác thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của Học viện đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Học viện .

 Ban Thanh tra có Chánh Thanh tra và các Phó Chánh Thanh tra; các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Thanh tra chuyên ngành và các cán bộ làm công tác thanh tra.”

Tại khoản 4, Điều 2, Nghị định số 129/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/12/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã quy định Học viện có nhiệm vụ, quyền hạn:

“Hướng dẫn và thống nhất quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các Bộ, ngành Trung ương trên lĩnh vực khoa học chính trị và hành chính.”.

Theo đó, Ban Thanh tra Học viện có chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như Thanh tra Bộ tức là ngoài việc  thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của Học viện đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Học viện thì Ban Thanh tra Học viện phải giúp Giám đốc Học viện thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chương trình, nội dung đào tạo và bồi dưỡng, phương pháp giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các Bộ, ngành Trung ương trên lĩnh vực khoa học chính trị và hành chính.

Khi tiến hành thanh tra công vụ đối với các Học viện, các đơn vị trực thuộc thì Ban Thanh tra Học viện có nhiệm vụ:

+ Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan.

+ Thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ.

1.2            Đối với các Phòng Thanh tra thuộc các Học viện trực thuộc

 Tại khoản 2, Điều 5 của Quy chế hoạt động thanh tra được ban hành kèm theo Quyết định số 3324 /QĐ-HVCTQG ngày 14/12/2006 của Giám đốc Học viện đã quy định:

Phòng Thanh tra của các Học viện Chính trị Khu vực là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị khu vực, Học viện Báo chí và tuyên truyền (sau đây gọi chung là các Học viện trực thuộc) có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Học viện trực thuộc về công tác thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của Học viện và Học viện trực thuộc đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Học viện trực thuộc.

Phòng Thanh tra của các Học viện trực thuộc có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Thanh tra và các cán bộ làm công tác thanh tra.”.

Theo đó,  Phòng Thanh tra thuộc các Học viện trực thuộc chỉ có chức năng thanh tra hành chính (trong đó có thanh tra công vụ) đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Học viện trực thuộc.

Khi tiến hành thanh tra công vụ đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Học viện trực thuộc thì Phòng Thanh tra có nhiệm vụ: Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan.

2. Thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, kế hoạch thanh tra 

          - Theo quy định tại Điều 9 của Quy chế hoạt động thanh tra thì chỉ có Giám đốc Học viện và Giám đốc Học viện trực thuộc mới có thẩm quyền ký Quyết định thanh tra.

         - Tại điểm a, khoản 1, Điều 8, Chương II của Quyết định số 2151/2006/QĐ- TTCP về Ban hành Quy chế hoạt động Đoàn thanh tra  ngày 10/11/2006 quy định: “Trưởng đoàn  thanh tra có nhiệm vụ tổ chức việc xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra trình Người ra quyết định thanh tra phê duyệt” .

Theo đó, Trưởng đoàn thanh tra phải dự thảo kế hoạch thanh tra để trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch thanh tra. 

3. Về thủ tục, trình tự để tiến hành thanh tra công vụ 

Sau khi quyết định và kế hoạch của Đoàn thanh tra đã được phê duyệt, Đoàn Thanh tra phải thực hiện theo quy định từ Điều 14 đến Điều 27 của Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP. Cụ thể được thể hiện qua quy trình thanh tra công vụ được trình bày dưới đây:

II. Quy trình Thanh tra công vụ

Bước 1: Chuẩn bị và quyết định thanh tra

          Chuẩn bị thanh tra và quyết định thanh tra nhằm thiết lập những nội dung, kế hoạch để tiến hành thanh tra, bao gồm các công việc sau:

1. Thu thập thông tin

          - Thông tin là cơ sở quan trọng để quyết định nội dung và kế hoạch thanh tra, do vậy khi thu thập thông tin cần nắm toàn diện các thông tin có liên quan đến mục đích, yêu cầu và đối tượng, sự việc cần thanh tra. Cụ thể là Chánh Thanh tra phải chỉ đạo người sẽ được giao làm Trưởng Đoàn thanh tra liên hệ, có buổi làm việc trước khi thanh tra với các đơn vị được thanh tra để nắm thông tin tình hình về đối tượng thanh tra. Số liệu phải thu thập là: có bao nhiêu tổ chức thanh tra công vụ, tình hình hoạt động, của các cá nhân, tổ chức đó, tổ chức nào hoạt động có hiệu quả hoặc bị khiếu nại, tố cáo, hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Chuẩn bị đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực thanh tra công vụ như: Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 129/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/12/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Quyết định số 2151/2006/QĐ -TTCP

2. Lập báo cáo khảo sát

          Nghiên cứu, phân tích các thông tin đã thu thập được, lập báo cáo khảo sát theo nội dung và trình tự sau:

          - Danh sách trích ngang các cá nhân, tổ chức là đối tượng thanh tra công vụ: có họ tên người đứng đầu tổ chức, tên tổ chức, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

          - Hoạt động, kết quả hoạt động và sự việc liên quan đến các quy định của Học viện.

           - Nhận định, đánh giá những vấn đề nổi cộm, khả năng và dấu hiệu vi phạm pháp luật.

          - Những thuận lợi, khó khăn và tình hình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan, tổ chức đối với đối tượng thanh tra (để tránh thanh tra trùng lắp).

 - Đề xuất những nội dung cần thanh tra, trong đó nêu rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm; những tổ chức, cơ quan, cá nhân cần đến thanh tra, xác minh.

3. Lập kế hoạch thanh tra

          Kế hoạch thanh tra gồm những nội dung cơ bản sau:

  + Mục đích, yêu cầu cuộc thanh tra;

            +Nội dung thanh tra, trong đó nêu rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm;

            +Danh sách các cá nhân, tổ chức là đối tượng thanh tra công vụ được thanh tra, thời kỳ thanh tra, thời hạn thanh tra;

             Lập kế hoạch chi tiết cho từng nội dung thanh tra, trong đó nêu rõ: những công việc cần triển khai, phương pháp tiến hành, nơi cần đến làm việc, thời gian triển khai, kết thúc; nhân sự Đoàn thanh tra (Trưởng Đoàn, phó Trưởng Đoàn và các thành viên), phân công nhiệm vụ cho tổ, nhóm (nếu có) và các thành viên Đoàn thanh tra.

4. Ra quyết định, phê duyệt kế hoạch thanh tra

Giám đốc Học viện, Giám đốc Học viện trực thuộc ra quyết định thanh tra, đồng thời phê duyệt kế hoạch thanh tra.

Quyết định thanh tra phải thể hiện rõ tên cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra; nội dung, thời kỳ và thời hạn thanh tra; thành lập Đoàn thanh tra và các tiêu chí khác.         

Trường hợp cuộc thanh tra có nội dung đơn giản, thanh tra đột xuất, quyết định thanh tra được ra trước khi có kế hoạch thanh tra; nhưng sau khi có quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thanh tra trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt.

 

5. Chuẩn bị triển khai thanh tra

          Khi quyết định thanh tra được lưu hành, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm:

          5.1. Thông báo bằng văn bản, gửi quyết định thanh tra, kế hoạch thanh tra cho đối tượng thanh tra  và yêu cầu đối tượng thanh tra chuẩn bị những công việc liên quan tới buổi công bố quyết định thanh tra.

          Nội dung, biểu mẫu, đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra chuẩn bị và báo cáo Đoàn thanh tra; 

          Thành phần dự họp công bố quyết định thanh tra;

Thời gian, địa điểm công bố quyết định thanh tra.

          5.2. Họp Đoàn thanh tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết.

          - Tổ chức họp Đoàn thanh tra để quán triệt kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, quy chế Đoàn thanh tra; bàn các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện kế hoạch; giao nhiệm vụ cụ thể cho Phó Trưởng Đoàn (nếu có) và từng thành viên Đoàn thanh tra.  

          - Đối với cuộc thanh tra có nhiều nội dung phức tạp hoặc cuộc thanh tra diện rộng hoặc thành phần Đoàn thanh tra có các thành viên là người của nhiều cơ quan, đơn vị tham gia (ví dụ: thanh tra thuế, công an…); Trưởng Đoàn thanh tra hoặc người được người ra quyết định thanh tra giao nhiệm vụ, tiến hành quán triệt và tổ chức tập huấn những nội dung cần thiết, thống nhất phương pháp tiến hành.

          - Chuẩn bị đầy đủ các mẫu Biên bản làm việc, chuẩn bị phương tiện (ô tô), thiết bị (máy quay phim, máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số để chụp được tài liệu), kinh phí và những điều kiện vật chất  cần thiết khác phục vụ cho hoạt động của Đoàn thanh tra.

Bước 2: Tiến hành thanh tra

          1. Công bố quyết định thanh tra

          Chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.

 

 Thành phần tham dự cuộc họp công bố Quyết định thanh tra gồm: Đoàn thanh tra, đại diện lãnh đạo các tổ chức được thanh tra công vụ.

          Thực hiện công bố đầy đủ nội dung quyết định thanh tra và nêu rõ mục đích, yêu cầu, cách thức làm việc, kế hoạch tiến hành thanh tra. Trưởng Đoàn thanh tra phải giải thích: việc thanh tra là do kế hoạch hay đột xuất, cơ sở pháp lý của việc tiến hành thanh tra chuyên ngành.

          Trong thực tế nhiều người chưa hiểu hết vấn đề quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra công vụ nên phải căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 129/2008/NĐ-CP,  Quy chế hoạt động của Thanh tra Học viện để giải thích rõ chức năng, quyền hạn của Đoàn thanh tra. Đặc biệt phải giải thích rõ việc Đoàn Thanh tra sẽ kiểm tra kỹ các hồ sơ, sổ sách có liên quan đến nội dung của Kế hoạch thanh tra  để xem xét tổ chức được thanh tra công vụ có tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định của Học viện hay không.

          Yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo Đoàn thanh tra những nội dung mà Trưởng Đoàn thanh tra đã thông báo và những nội dung khác Đoàn thanh tra thấy cần thiết.

          Lập biên bản cuộc họp công bố quyết định thanh tra. Biên bản được ký giữa Trưởng Đoàn thanh tra và đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra.

          2. Thực hiện thanh tra

          Thực hiện thanh tra là quá trình sử dụng các phương pháp thanh tra, phát hiện, làm rõ các vấn đề, sự việc để kết luận chính xác, trung thực, khách quan. Khi bắt đầu làm việc với người đứng đầu tổ chức thanh tra công vụ, Trưởng Đoàn thanh tra cần giải thích rõ cho họ biết được các cơ sở pháp lý, quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu tổ chức thanh tra công vụ, cơ sở pháp lý của việc xem xét các hồ sơ, sổ sách để họ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về thanh tra công vụ, từ đó  yên tâm và có thiện chí làm việc với Đoàn Thanh tra. Sau đó, Đoàn Thanh tra tiến hành theo các bước sau:

          2.1. Thu thập thông tin

          2.1.1. Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra. Tài liệu gồm: Báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra, báo cáo tổng kết, phân tích đánh giá, kết luận của các cơ quan đã kiểm tra, các báo cáo thống kê, tổng hợp về công tác nghiệp vụ, và tài liệu khác có liên quan.

          2.1.2. Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu và báo cáo do đối tượng thanh tra cung cấp. Đoàn thanh tra có trách nhiệm kiểm đếm, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu đúng mục đích, không để thất lạc tài liệu.

          2.1.3. Trường hợp cần giữ nguyên trạng tài liệu, Trưởng Đoàn thanh tra ra quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu có liên quan tới nội dung thanh tra. Việc niêm phong, mở niêm phong khai thác tài liệu hoặc huỷ bỏ niêm phong thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

          2.2. Nghiên cứu tại chỗ, phân tích, xem xét, xử lý thông tin và số liệu để phát hiện những vấn đề có mâu thuẫn; nhận định những việc làm đúng, những sai phạm, những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách, chế độ; làm rõ bản chất, nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng sai phạm.

          - Phân tích các báo cáo, tài liệu thu thập được để nhận diện vấn đề, sự việc.

          - Đối chiếu số liệu giữa sổ tổng hợp với báo cáo.

          -  Kiểm tra, xác định tính trung thực của chứng từ, tài liệu:

          2.3. Ký bản xác nhận hoặc biên bản làm việc về tình hình, số liệu theo từng nội dung, sự việc dự kiến kết luận với đối tượng thanh tra.

          2.4. Đối chiếu tình hình, số liệu đã ký xác nhận, đã thu thập được, các hành vi vi phạm các quy định của Luật cán bộ, công chức và các quy chế, quy định của Học viện, lập biên bản vi phạm về sự việc được phát hiện.

          2.5. Củng cố chứng cứ, cơ sở pháp lý để kết luận đúng, sai, nguyên nhân sai phạm và trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.

          2.5.1. Yêu cầu giải trình:

          Đối với những sự việc, tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở kết luận, Đoàn thanh tra chuẩn bị chi tiết nội dung yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình bằng văn bản (có chữ ký của người giải trình).

          2.5.2. Đối thoại, chất vấn:

          Trường hợp giải trình của đối tượng chưa rõ, tiến hành tổ chức đối thoại, chất vấn đối tượng thanh tra để làm rõ thêm đúng, sai về nội dung và trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

          Người tổ chức đối thoại, chất vấn phải chuẩn bị chi tiết nội dung đối thoại, câu hỏi chất vấn; câu hỏi có trọng tâm, trọng điểm để đối tượng trả lời. Người tiến hành đối thoại, chất vấn phải chủ động, tập trung vào nội dung chủ định, không đi vào nội dung, sự việc không liên quan.

          Kết thúc đối thoại, chất vấn lập biên bản, ghi đầy đủ, chính xác những sự việc hai bên đã trao đổi; trường hợp cần thiết thì ghi âm lại toàn bộ cuộc đối thoại, chất vấn.

          2.5.3. Thẩm tra, xác minh:

           Những chứng cứ và giải trình của đối tượng thanh tra chưa rõ, thành viên Đoàn thanh tra kịp thời báo cáo Trưởng Đoàn để thẩm tra, xác minh.

          Trước khi thực hiện thẩm tra, xác minh phải lập kế hoạch. Kết quả việc thẩm tra, xác minh được lập biên bản kèm theo đầy đủ tài liệu chứng minh.

          2.5.4. Làm việc với cơ quan quản lý có liên quan:

          Làm việc với cơ quan chủ quản về những sự việc liên quan đến chỉ đạo, quyết định của cấp trên, những sự việc dự kiến kết luận mà pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ.

          Kết thúc làm việc phải lập biên bản, trường hợp không đến làm việc trực tiếp thì có yêu cầu bằng văn bản.

          2.5.5. Làm việc với người có liên quan:

          Trường hợp có người phản ánh sự việc liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra nghiên cứu, đề xuất, báo cáo người ra quyết định thanh tra có kế hoạch nghe ý kiến phản ánh của người có liên quan và phải được ghi chép đầy đủ.

          2.6. Trưng cầu giám định.

          Đối với những vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật của các lĩnh vực khác nhau nhưng Đoàn thanh tra không đủ khả năng kết luận về chuyên môn, kỹ thuật đó thì Trưởng Đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định thực hiện theo quy định của pháp luật.

          2.7. Hoàn thiện số liệu, chứng cứ.

          Sau khi làm rõ nguyên nhân đúng, sai, tiến hành rà soát, hoàn thiện hồ sơ chứng lý, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ và ký kết với đối tượng thanh tra các biên bản làm việc hoặc bản xác nhận số liệu còn thiếu.

          3. Bàn giao hồ sơ, tài liệu

          Ngay sau khi kết thúc công việc, người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm:

          - Bàn giao các biên bản làm việc, bản xác nhận số liệu và toàn bộ chứng cứ thu thập được cho Trưởng Đoàn thanh tra; tài liệu được lập thành danh mục, đánh số thứ tự.

Lập báo cáo tóm tắt sự việc, đề xuất kết luận và kiến nghị xử lý, nêu rõ căn cứ của đề xuất.

          - Giao trả hồ sơ tài liệu không cần giữ cho đối tượng thanh tra; việc giao trả được lập thành biên bản .

          4. Lập biên bản thanh tra

          Trưởng Đoàn thanh tra lập biên bản thanh tra với người đứng đầu tổ chức được thanh tra. Biên bản thanh tra nêu rõ kết quả từng nội dung thanh tra; nguyên nhân, chứng cứ để kết luận.

5. Gia hạn thanh tra

Trường hợp cần thiết phải tăng thêm thời hạn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra quyết định gia hạn và chỉ tiến hành khi quyết định được ban hành.

          6. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trong quá trình thanh tra

          6.1. Báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra.

          Trong quá trình thanh tra, các thành viên, tổ trưởng, nhóm trưởng (nếu có) có trách nhiệm thường xuyên báo cáo Trưởng Đoàn về tình hình, kết quả công việc được phân công và những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo.

          6.2. Báo cáo của Trưởng Đoàn thanh tra.

          - Định kỳ hằng tuần, Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả thanh tra cho thủ trưởng cơ quan thanh tra và người ra quyết định thanh tra. Báo cáo những thuận lợi, khó khăn, những nơi đã và đang làm việc, nội dung thanh tra, kết quả thanh tra, những vấn đề cần phải xin ý kiến chỉ đạo và kế hoạch tuần tiếp theo.

          - Trường hợp phát sinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc vượt khả năng và thẩm quyền của Trưởng Đoàn thì Trưởng Đoàn có trách nhiệm báo cáo kịp thời người ra quyết định và thủ trưởng cơ quan thanh tra cùng cấp xin ý kiến chỉ đạo.

Bước 3: Kết thúc thanh tra

1. Thực hiện thời hạn thanh tra

Trưởng Đoàn thanh tra tổ chức thanh tra đảm bảo kết thúc thanh tra tại đơn vị theo đúng thời hạn quy định trong quyết định thanh tra và quyết định gia hạn (nếu có).

2. Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra

          Chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra tại đơn vị, Trưởng Đoàn thanh tra phải có báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra gửi người ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình lập báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra, nếu có những vấn đề còn vướng mắc về xử lý, Trưởng Đoàn chủ động trao đổi, tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan để đảm bảo cho việc kết luận được chính xác, khách quan.

Báo cáo kết quả thanh tra (do Trưởng Đoàn ký) phản ánh đầy đủ kết quả những nội dung công việc đã thanh tra; những nội dung chưa tiến hành hoặc tiến hành ngoài quyết định và kế hoạch thanh tra được duyệt, nguyên nhân; những ý kiến không thống nhất của đối tượng thanh tra hoặc của thành viên Đoàn thanh tra; những đề xuất về chính sách, chế độ và quản lý. Mỗi nội dung kết luận phải nêu rõ sự việc, căn cứ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành.

Dự thảo kết luận thanh tra chỉ phản ánh nội dung kết luận và kiến nghị xử lý. Mỗi nội dung kết luận phải nêu rõ sự việc, căn cứ đúng, sai, nguyên nhân, trách nhiệm, hình thức xử lý, thời hạn chấp hành.

Báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra trình người ra kết luận thanh tra phải có đầy đủ ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên trong Đoàn thanh tra. Ý kiến tham gia phải khẳng định có đồng ý hay không đồng ý với báo cáo, dự thảo kết luận của Trưởng Đoàn về nội dung công việc của bản thân mình trực tiếp làm và các nội dung do người khác thực hiện; trường hợp không đồng ý thì phải nêu rõ nguyên nhân, chứng lý.

3. Kết luận và lưu hành kết luận thanh tra

Chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra xem xét nội dung báo cáo và ra kết luận thanh tra.

Trước khi trình người ra kết luận, bộ phận hoặc người được giao nhiệm vụ tiến hành rà soát dự thảo kết luận, tham mưu giúp người ra kết luận quyết định.

Trong quá trình ra kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra yêu cầu Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra hoặc đối tượng thanh tra giải trình để làm rõ thêm những vấn đề mà báo cáo của Trưởng Đoàn chưa rõ. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra yêu cầu tiến hành thanh tra bổ sung để có đủ căn cứ kết luận.

Trước khi ra kết luận người kết luận thanh tra có thể tổ chức làm việc với đối tượng thanh tra về dự thảo kết luận thanh tra hoặc gửi dự thảo kết luận thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra trả lời bằng văn bản, nêu rõ những nội dung chưa thống nhất, nguyên nhân và chứng cứ.

Khi có kết luận chính thức, người ra kết luận thanh tra tổ chức công bố hoặc gửi kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra.

 Người ra kết luận thanh tra có thể uỷ quyền tổ chức làm việc với đối tượng thanh tra về dự thảo kết luận thanh tra hoặc công bố kết luận thanh tra.

 Kết thúc làm việc về dự thảo kết luận hoặc công bố kết luận thanh tra phải lập biên bản ghi ý kiến hai bên. 

          Việc gửi kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thanh tra và Điều 35 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ. Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử lý sau thanh tra hoặc có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, thấy không cần thiết gửi toàn bộ kết luận thì trích nội dung kết luận có liên quan hoặc có văn bản đối với từng sự việc gửi tới cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

4. Bàn giao, lưu trữ hồ sơ thanh tra

 Sau khi lưu hành kết luận thanh tra, trong thời hạn hai ngày làm việc, Trưởng Đoàn có trách nhiệm bàn giao hồ sơ cuộc thanh tra cho những bộ phận, người được giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Việc bàn giao hồ sơ, tài liệu phải được lập thành biên bản, lưu cùng hồ sơ cuộc thanh tra.

5. Họp rút kinh nghiệm Đoàn thanh tra

Trưởng Đoàn có trách nhiệm triệu tập các thành viên trong đoàn họp rút kinh nghiệm, đánh giá những ưu, nhược điểm trong quá trình điều hành, quá trình thanh tra của từng người, rút ra những bài học kinh nghiệm, kiến nghị khen thưởng người làm tốt và xử lý những cán bộ có sai phạm.

Cuộc họp rút kinh nghiệm được thực hiện ngay sau khi lưu hành kết luận thanh tra và lập thành biên bản lưu hồ sơ thanh tra.

 

III. Một số kỹ thuật chất vấn, xác minh, thu thập chứng cứ  khi tiến hành thanh tra

Nếu việc xác minh được giao cho Đoàn thanh tra thì mọi hoạt động của Đoàn Thanh tra phải tuân theo các quy định pháp luật về Quy chế Đoàn thanh tra và phải vận dụng triệt để các kỹ thuật chất vấn nhằm xác minh, khai thác thông tin, tài liệu của  đối tượng thanh tra). Cụ thể: Trong thanh tra công vụ, phương pháp cảm hoá, giáo dục, sử dụng tài liệu, chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn tác động tâm lý tới đối tượng thanh tra (viết tắt là ĐTTT) làm chuyển đổi thái độ khai báo của họ là những phương pháp cơ bản nhất của chất vấn ĐTTT.

1. Cảm hoá, giáo dục

          Cảm hoá, giáo dục trong chất vấn là chinh phục ĐTTT bằng đường lối, chính sách, pháp luật, bằng tình cảm, bằng thực tế cuộc sống, đạo đức xã hội và bằng tấm gương của chính người cán bộ chất vấn với mục đích làm cho ĐTTT chuyển đổi thái độ khai báo theo hướng tích cực, có lợi cho thanh tra.

ĐTTT không khai hoặc khai dối do nhiều nguyên nhân tác động. Thiếu hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng của Nhà nước; thành kiến với xã hội, với cán bộ thanh tra, nguỵ biện nhằm trốn tránh trách nhiệm  của mình, bị mắc mưu kẻ xấu... là những nguyên nhân quan trọng cản trở ĐTTT khai báo thành khẩn. Cảm hoá, giáo dục làm cho ĐTTT hiểu rằng hành vi sai phạm của mình chẳng những trái với pháp luật, trái với đạo lý làm người mà còn gây tổn hại cho bản thân, gia đình và xã hội, khơi dậy ở ĐTTT tình cảm trong sáng và cuộc sống đời thường từ đó làm chuyển đổi lập trường tiêu cực trong khai báo của họ. Chinh phục niềm tin của ĐTTT làm cho ĐTTT tin rằng khai báo đầy đủ, đúng sự thật sai phạm của mình sẽ được hoan nghênh và xem xét giảm nhẹ xử lý của Nhà nước là  một yêu cầu quan trọng của quá trình cảm hoá, giáo dục.

          Để cảm hoá, giáo dục đúng, có hiệu quả, Cán bộ thanh tra phải nghiên cứu kỹ nhân thân, hoàn cảnh, đặc điểm tâm lý của ĐTTT.

          Việc cảm hoá, giáo dục ĐTTT bao gồm cả bằng lời nói và hành động của Cán bộ thanh tra cũng như những người xung quanh. Giải thích pháp luật cho ĐTTT phải chính xác, có sức thuyết phục, đồng thời phải nhất quán với thực tiễn trong đó có thái độ xử sự của Cán bộ thanh tra.

          Cảm hóa, giáo dục có thể được tiến hành một cách mềm dẻo, sinh động nhưng không được hứa hẹn hão huyền, lừa dối ĐTTT. Đôi khi cảm hoá, giáo dục được tiến hành bằng những cuộc đấu lý, đấu lẽ quyết liệt giữa Cán bộ thanh tra và ĐTTT về một vấn đề nhất định. Trong những trường hợp đó, Cán bộ thanh tra cần chứng tỏ cho ĐTTT thấy sự hiểu biết rộng rãi, sâu sắc của mình nhưng không được dùng đấu lý, đấu lẽ đưa cuộc chất vấn đi vào ngõ cụt. Muốn vậy Cán bộ thanh tra phải biết  chọn vấn đề cần tranh luận, chuẩn bị chu đáo tài liệu về vấn đề đó.

          Những điển hình trong thực tiễn có sức hấp dẫn, thuyết phục ĐTTT mãnh liệt. Bởi vậy Cán bộ thanh tra cần nghiên cứu lựa chọn đúng những điển hình trên lĩnh vực mà ĐTTT đang có nhu cầu muốn biết. Đặc biệt là những điển hình về thanh tra, xử lý các vụ việc, các ĐTTT hoạt động sai phạm cùng loại.

          Tình cảm là nhu cầu mạnh mẽ thường xuyên điều chỉnh hành vi của ĐTTT. Tuy nhiên, ở mỗi ĐTTT, trong từng thời điểm sẽ có một hoặc một số nhu cầu tình cảm nổi lên, thậm trí hết sức mãnh liệt, chi phối thái độ khai báo của ĐTTT. Bởi vậy Cán bộ thanh tra cần nghiên cứu kỹ nhân thân, nắm bắt đúng như cầu tình cảm của ĐTTT mà tác động thì cảm hoá, giáo dục sẽ đạt được hiệu quả cao hơn, nhanh hơn.

          Người mà ĐTTT quan tâm nhiều nhất trong quá trình chất vấn là cán bộ thanh tra. Vì vậy, mỗi cử chỉ, lời nói, hành động và những đặc điểm khác của bản thân Cán bộ thanh tra đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến ĐTTT. Trong điều kiện đó, Cán bộ thanh tra phải luôn luôn chứng tỏ mình là người đứng đắn, khách quan, hiểu nhiều, biết rộng để cảm hoá, thuyết phục ĐTTT.

          Như vậy để cảm hoá, giáo dục đạt kết quả, Cán bộ thanh tra cần có kiến thức rộng trên nhiều lĩnh vực, nắm vững đặc điểm ĐTTT, chọn những kỹ thuật cảm hoá thích hợp và kết hợp chặt chẽ với sử dụng chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn trong quá trình chất vấn ĐTTT.

2. Sử dụng tài liệu, chứng cứ

          Sử dụng tài liệu, chứng cứ là việc Cán bộ thanh tra chủ động cho ĐTTT biết tài liệu, chứng cứ (cho xem hoặc nói cho biết) với mục đích tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, tâm lý ĐTTT, buộc ĐTTT phải khai thác đầy đủ, đúng sự thật về hoạt động sai phạm của mình.

          ĐTTT không chịu khai báo đúng sự thật có nguyên nhân quan trọng là cho rằng cơ quan thanh tra chưa có hoặc có ít tài liệu, chứng cứ về vụ việc, cho nên họ có thể tìm cách che giấu được sự thật.

          Khi bị phát hiện và bị chất vấn, ĐTTT suy nghĩ phỏng đoán vì sao bị bại lộ, cơ quan thanh tra đã nắm được những tài liệu, chứng cứ gì, hiểu đến đâu những hoạt động sai phạm của bản thân và đồng s. Từ đó, ĐTTT xác định cho mình cách xử sự trong quá trình chất vấn. ĐTTT thường tìm cách chối quanh nếu biết hoặc hiểu nhầm cơ quan thanh tra thiếu tài liệu, chứng cứ. Có ĐTTT tỏ ra lì lợm, nhưng có những ĐTTT sử dụng thủ đoạn tinh vi nhằm tìm hiểu xem cán bộ thanh tra biết đến đâu để tính toán khả năng khai báo của mình. Trong những trường hợp như vậy, cần sử dụng tài liệu, chứng cứ đánh mạnh vào thái độ ngoan cố, thiếu thành khẩn của ĐTTT, buộc ĐTTT khai báo đầy đủ, đúng sự thật về hoạt động sai phạm của mình và của đồng s.

          Muốn sử dụng đúng, có hiệu quả tài liệu, chứng cứ đã thu được, Cán bộ thanh tra cần tuân thủ một số  quy tắc sau đây:

- Chỉ sử dụng tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra xác minh kỹ lưỡng, có căn cứ xác định chứng cứ đó là chính xác và sử dụng trong phạm vi giá trị chứng minh của nó. Nếu chứng cứ được đưa ra sử dụng không chính xác sẽ càng củng cố thái độ ngoan cố, ù lì của ĐTTT hoặc sẽ dẫn đến bức hỏi, mớm hỏi.

- Tài liệu, chứng cứ phải được sử dụng đúng lúc. Không nên đưa tài liệu, chứng cứ khi ĐTTT ở trong trạng thái tuyệt vọng, hay bất mãn, bực bội không muốn tiếp nhận và phản ứng lại bất cứ thông tin nào từ phía Cán bộ thanh tra.

- Cần phải nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ toàn bộ tài liệu, chứng cứ đã có thể sử dụng theo một logic hợp lý sao cho tài liệu, chứng cứ được sử dụng trước là tiền đề và điều kiện của tài liệu, chứng cứ sử dụng sau.

- Trước lúc sử dụng tài liệu, chứng cứ nào cần hỏi những chi tiết xung quanh tài liệu , chứng cứ đó để sao cho khi đưa ra ĐTTT không có khả năng vô hiệu hoá tài liệu, chứng cứ được sử dụng.

- Nếu phát hiện ĐTTT không có khả năng hiểu được bản chất của tài liệu, chứng cứ thì trước khi đưa tài liệu, chứng cứ, cần giải thích cơ sở khoa học của tài liệu, chứng cứ sử dụng cho ĐTTT rõ.

          Trong thực tiễn ta thường đặt những câu hỏi không đi thẳng vào sự việc, dùng lối nói lấp lửng có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, sử dụng những chứng cứ gián tiếp gây cho ĐTTT cảm giác ta đã biết được hoạt động sai phạm của ĐTTT và đồng sự.

- Quá trình sử dụng tài liệu, chứng cứ cần quan sát phát hiện những biến đổi trạng thái tâm lý của ĐTTT.

- Không được đưa cho ĐTTT cầm xem lại tài liệu, vật chứng, tránh lộ bí mật và đề phòng họ phá huỷ.

- Cần có nghệ thuật sử dụng tài liệu chứng cứ như để lộ nội dung, để lộ nguồn, nêu cụ thể tài liệu, chứng cứ hoặc nêu chung chung.

3. Sử dụng mâu thuẫn

          Sử dụng mâu thuẫn là việc Cán bộ thanh tra chủ động vạch những mâu thuẫn trong lời khai của ĐTTT, đánh vào thái độ khai báo quanh co, giấu giếm của họ, buộc ĐTTT phải khai báo đầy đủ, đúng sự thật.

          Trong quá trình chất vấn, ĐTTT thường khai báo quanh co giấu giếm sự thật làm xuất hiện những mâu thuẫn trong lời khai của chúng. Những mâu thuẫn này có ý nghĩa trong việc làm rõ thái độ thiếu thành khẩn của ĐTTT.

          Việc sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh với ĐTTT phải trải qua hai giai đoạn sau đây:

* Phát hiện kịp thời, đầy đủ và tìm được nguyên nhân gây ra mâu thuẫn

          Trong thực tiễn chất vấn, chúng ta thường gặp những loại mâu thuẫn sau đây:

- Lời khai của ĐTTT mâu thuẫn với tài liệu, chứng cứ chúng ta thu được trong quá trình thanh tra.

- Lời khai trước và sau của ĐTTT mâu thuẫn với nhau.

- Lời khai của ĐTTT mâu thuẫn với trình độ, khả năng cả ĐTTT.

- Lời khai của ĐTTT mâu thuẫn với các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội.

          Để phát hiện đầy đủ, kịp thời các mâu thuẫn, Cán bộ thanh tra phải nắm vững tài liệu của vụ việc, tập trung theo dõi, nghiên cứu quá trình khai báo của ĐTTT, phân tích từng lời khai và thu thêm những tài liệu để có căn cứ xác định.

          Những loại mâu thuẫn trên có thể là tình tiết, có thể là vấn đề cơ bản của vụ việc, song cách giải quyết chúng như thế nào trong quá trình chất vấn là tuỳ thuộc ở nguyên nhân gây ra mâu thuẫn đó.

          Thông thường vì muốn giấu lỗi, làm nhẹ lỗi hoặc đánh lạc hướng thanh tra nên lời khai của ĐTTT mâu thuẫn với thực tế khách quan. Tuy nhiên, có trường hợp nguyên nhân gây ra mâu thuẫn là do trình độ, khả năng diễn đạt, do trạng thái tâm lý không ổn định, do hiểu không đúng bản chất sự việc, hiện tượng, do trí nhớ kém nên lời khai không đúng với thực tế khách quan. Mỗi loại mâu thuẫn do những nguyên nhân khác nhau gây ra cần có phương pháp thích ứng giải quyết chúng. Sử dụng mâu thuẫn đấu tranh làm rõ ĐTTT chỉ trong phạm vi chúng cố tình khai sự thật. Do vậy, việc nghiên cứu phát hiện là điều kiện đầu tiên cho việc sử dụng mâu thuẫn đúng đắn, có hiệu quả.

* Sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh

          Khi phát hiện ra mâu thuẫn và nguyên nhân gây mâu thuẫn thì Cán bộ thanh tra mới chọn được cách giải quyết đúng đắn.

          Thông thường mâu thuẫn do trí nhớ của ĐTTT kém mà khai sai thì Cán bộ thanh tra dùng cách gợi nhớ, nếu do trình độ và khả năng diễn đạt kém thì dùng kỹ thuật hỏi tuần tự, nếu tâm lý không ổn thì phải tạo ra bầu không khí chất vấn bình thường làm yên lòng ĐTTT...

          Đối với mâu thuẫn do ĐTTT cố ý khai sai sự thật tạo ra thì ta mới sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh làm rõ. Trong quá trình sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh cần tuân theo một số quy tắc sau:

- Mâu thuẫn phải được sử dụng đúng lúc. Không thể sử dụng mâu thuẫn vào giai đoạn cuối chất vấn ĐTTT, đồng thời cũng không nên sử dụng mâu thuẫn vào thời điểm ĐTTT đang chống đối quyết liệt hay tuyệt vọng.

- Quá trình làm rõ mâu thuẫn là quá trình đấu lý, đấu lẽ, do đó cần đề phòng nguỵ biện, bức, mớm hỏi. Cán bộ thanh tra cần đưa ra được những căn cứ khoa học và có thái độ khách quan trong khi làm rõ mâu thuẫn.

- Nên tập hợp một loạt mâu thuẫn đủ sức làm rõ sự khai dối của ĐTTT. Tuy vậy không nên tập hợp toàn bộ mâu thuẫn rồi làm rõ cùng một lúc. Làm như vậy dễ đẩy ĐTTT đi đến lì lợm, im lặng. Cũng không nên phát hiện ra mâu thuẫn thì làm rõ ngay, bởi vì trong trường hợp đó, ĐTTT dễ dàng tìm cớ để biện bạch cho lời khai của mình.

          Các phương pháp cảm hoá, giáo dục, sử dụng tài liệu, chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau.

          Muốn giải quyết những động cơ kìm hãm, kích thích ĐTTT khai báo thành khẩn, Cán bộ thanh tra phải nghiên cứu nắm vững đặc điểm của ĐTTT, nắm vững những tài liệu, chứng cứ đã có về vụ việc, trên cơ sở đó mà tiến hành cảm hoá giáo dục kết hợp với sử dụng tài liệu, chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn, tác động một cách có nghệ thuật, có hệ thống vào tâm lý ĐTTT. Không nắm vững mối liên hệ chặt chẽ giữa các phương pháp, sử dụng chúng một cách chia cắt sẽ không phát huy được hiệu quả  của từng phương pháp.

          Trên đây là quy trình thực hiện một cuộc thanh tra công vụ, vì nội dung thanh tra công vụ rất rộng và phong phú, do đó, chúng tôi xin trình bày chuyên đề dưới dạng một quy trình chung nhất về thanh tra công vụ để các cán bộ làm công tác thanh tra và các đọc giả cùng tham khảo. Chúng tôi rất mong tiếp nhận được sự đóng góp ý kiến xây dựng nghiệp vụ, chia xẻ thông tin, kiến thức hoặc hỏi đáp, thắc mắc về nghiệp vụ thanh tra theo địa chỉ của tác giả: Hoàng Quốc Hùng – Thanh tra Bộ Tư pháp, Tel: 8231127 & 0913001513 & Email: Hunghq@moj.gov.vn.