Do đó, đi cùng với toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại là những bất đồng về quan điểm, quyền lợi và đi xa hơn nữa là những xung đột, tranh chấp về thương mại nhiều khi được miêu tả là rất căng thẳng giống như các cuộc chiến tranh thương mại. Điều đáng nói ở đây là dù các nước đều nói là không muốn và cố tránh các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế nhưng thực tế lại có vẻ đi theo chiều hướng ngược lại: từ 1/1/1995 tới 18/11/2008, Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO (DSB) đã tiếp nhận giải quyết 373[1] vụ tranh chấp thương mại liên quan đến rất nhiều các vấn đề - một con số vượt xa con số tranh chấp được giải quyết trong 50 năm của GATT. Đây chỉ là một trong nhiều kênh giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế hiện có trên thế giới và có số liệu thống kê đầy đủ về các vụ việc tranh chấp được đưa ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Bên cạnh đó, số lượng các tranh chấp thương mại trong khuôn khổ khu vực, nhiều bên và song phương cũng rất nhiều và ngày càng tăng. Theo Báo cáo hàng năm của Trung tâm giải quyết tranh chấp về đầu tư ICSID, con số các vụ tranh chấp mà nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ các nước đưa ra giải quyết tại Trung tâm này đều tăng lên mỗi năm, ví dụ như trong 3 năm 2005, 2006, 2007[2] số lượng các vụ tranh chấp giải quyết tại Trung tâm là 103 vụ, 118 vụ và 130 vụ. Như vậy có thể thấy, tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng ngày càng tăng lên về số lượng.
Trong những năm qua, với việc thực hiện chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng các quan hệ thương mại quốc tế, thì hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng nhanh và ngày càng phát triển. Cùng với xu thế đó thì Nhà nước Việt Nam[3] đã phải tham gia vào khá nhiều vụ tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế chủ yếu với tư cách là bị đơn, chẳng hạn vụ cá tra, cá basa, vụ tôm, Vụ tầu Cần Giờ, Vụ Glenco, Vụ Vietnam Airlines, vụ Trịnh Vĩnh Bình... Sau khi gia nhập WTO được gần 2 năm, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia vào một số vụ kiện tại WTO với tư cách là bên thứ ba. Việc tham gia vào các vụ tranh chấp thương mại quốc tế thường là rất tốn kém về kinh tế và mang tính chính trị.
Tuy nhiên, thực tế xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế vừa qua của Việt Nam cũng cho thấy công tác này còn nhiều bất cập, đặc biệt là các vấn đề nhân lực, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, trình độ, kỹ năng của cán bộ tham gia xử lý các tranh chấp thương mại, đầu tư...
Bộ Tư pháp - với tư cách là cơ quan pháp luật của Chính phủ - được giao trách nhiệm “tham gia giải quyết về mặt pháp lý các tranh chấp quốc tế có liên quan tới Việt Nam theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”[4]. Bộ Tư pháp cũng đồng thời là cơ quan chủ trì trong việc “đào tạo đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, được trang bị kỹ năng tham gia tranh tụng quốc tế” để xây dựng và củng cố đội ngũ chuyên gia, luật sư hỗ trợ Chính phủ và các Bộ, ngành trong việc xử lý các vấn đề pháp lý và tranh chấp quốc tế phát sinh trong quá trình hội nhập và tham gia WTO[5]. Bên cạnh đó, trong công tác đàm phán các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, Bộ Tư pháp thường là cơ quan chịu trách nhiệm về nội dung giải quyết tranh chấp được quy định tại các điều ước quốc tế này. Vì vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong việc xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế mà nhà nước là một bên có liên quan là rất hữu ích đối với Việt Nam. Bài viết xin giới thiệu kinh nghiệm của Canada và Thái Lan trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế mà Chính phủ là một bên có liên quan.
Về các tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài: theo Chương 11 của NAFTA, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện Chính phủ Canada và những tranh chấp này xuất hiện ngày càng nhiều. Chính phủ Canada thường cố gắng giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải. Chỉ khi hoà giải không có kết quả thì mới giải quyết bằng thủ tục tố tụng.
Đối với những vụ tranh chấp thương mại quốc tế mà Chính phủ Canada là một bên có liên quan thì các luật sư của Chính phủ sẽ trực tiếp xử lý vụ việc từ khâu chuẩn bị tài liệu đến tranh tụng trước toà. Với năng lực của mình hầu như rất ít vụ việc Chính phủ Canada thuê luật sư tư nhân bên ngoài (chỉ trừ những vụ việc rất kỹ thuật). Các luật sư của Chính phủ chủ yếu tập trung ở Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và ngoại thương. Khi xử lý các tranh chấp, các luật sư của các Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và ngoại thương là nòng cốt phối hợp với các chuyên gia của các Bộ, ngành và các Bang có liên quan. Điểm đặc thù của tổ chức chuyên gia pháp luật Nhà nước của Canada là tất cả các luật sư, chuyên gia pháp luật làm việc trong các Bộ, ngành Chính phủ của Canada đều là người của Bộ Tư pháp được cử tới các Bộ, ngành làm việc nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo chuyên môn thống nhất từ Bộ trưởng Tư pháp. Để có thể trực tiếp xử lý các vụ tranh chấp về đầu tư, thương mại quốc tế thì các luật sư của Chính phủ phải nắm được vụ việc, chủ động trực tiếp thực hiện các công việc và biết tận dụng phối hợp với tư vấn từ bên ngoài trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải xây dựng một đội ngũ luật sư của Chính phủ có trình độ về pháp luật thương mại quốc tế và kinh nghiệm để giải quyết các vụ việc. Theo kinh nghiệm của Canada, trong những vụ tranh chấp mà Chính phủ chưa thể tự giải quyết mà phải thuê luật sư nước ngoài thì cần phải cử cán bộ của Chính phủ theo các luật sư nước ngoài này để theo dõi diễn biến vụ việc đồng thời học kinh nghiệm chứ không nên giao phó toàn bộ vụ việc cho luật sư nước ngoài.
Liên quan đến kinh nghiệm xử lý các tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế mà Nhà nước là một bên liên quan, các luật sư có kinh nghiệm tham gia tư vấn cho nhiều Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư thương mại quốc tế của Canada đã khẳng định các Chính phủ nên cố gắng tránh những tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài vì một khi đã có tranh chấp và phải tham gia tố tụng thì rất tốn kém, mặt khác cũng làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tuy nhiên, nếu đã tham gia vào theo xử lý các vụ tranh chấp theo quy trình tố tụng thì các vấn đề về chọn trọng tài, địa điểm tố tụng, luật tố tụng áp dụng… cần được cân nhắc kỹ càng.
Thái Lan, từ năm 2000 đến nay hầu như năm nào cũng phải tham gia các vụ kiện trong WTO với tư cách là bị đơn hoặc bên thứ ba (năm 2000 hai vụ, năm 2001 một vụ, năm 2003 hai vụ, năm 2004 một vụ, năm 2006 một vụ).
Mặc dù, số lượng các vụ tranh chấp mà Thái Lan đã xử lý chưa phải là lớn so với nhiều nước nhưng những bài học kinh nghiệm của Thái Lan rất gần với bối cảnh của Việt Nam. Bài viết “Nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan trong Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO”[6] của Tiến sỹ Pornchai Danvivathana, Phó Vụ trưởng Vụ Điều ước quốc tế và pháp luật của Bộ Ngoại giao Thái Lan, nguyên Chủ tịch Uỷ ban về các biện pháp tự vệ của WTO cho thấy Thái Lan đã học được nhiều kinh nghiệm thông qua việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp đã hiểu được việc tầm quan trọng của việc chuẩn bị các lập luận pháp lý, cách thức nước đồng bị kiện và các bên thứ ba chuẩn bị cho việc tham gia quy trình tố tụng như thế nào. Khi có vụ việc phát sinh, Thái Lan thường tham vấn với các nước có cùng quyền lợi để trao đổi quan điểm. Thực tiễn giải quyết tranh chấp trong WTO đã cho thấy, khi các nước Thành viên WTO cùng bị ảnh hưởng do các biện pháp của nước Thành viên WTO khác thì họ thường phối hợp và trao đổi quan điểm với nhau về cách thức xử lý vụ việc sao cho có lợi nhất.
Điều quan trọng hơn Thái Lan đã có được những kinh nghiệm chuẩn bị trong bản thân nội bộ nước mình khi tham gia vào cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Khi vụ việc phát sinh, các Bộ, ngành trong nước có liên quan của Thái Lan thường tham vấn với nhau rất chặt chẽ, đặc biệt là giữa các cơ quan điều phối trong nước với Cơ quan Thương vụ ở Bỉ, để đưa những hành động phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp và hiệp hội trong nước có quyền lợi liên quan trực tiếp cũng tham gia và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết tranh chấp, họ theo sát diễn biến của vụ việc, sẵn sàng cử đại diện đến Geneva để thảo luận cùng xử lý các vấn đề pháp lý, chính trị trong vụ tranh chấp.
Có thể thấy một trong những kinh nghiệm đáng chú ý của Thái Lan trong quá trình giải quyết tranh chấp đó là việc huy động và phát huy tối đa sự phối hợp và năng lực của tất cả các đối tượng có liên quan, không chỉ của các cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức xã hội, hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan. Bên cạnh đó, Thái Lan đã thành công trong việc phối hợp chặt chẽ với các nước Thành viên WTO khác có cùng quyền lợi để tạo thêm lợi thế cho mình.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, ở Thái Lan các vấn đề phát sinh trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa phương được coi là vấn đề của khu vực công mà chưa được sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, cũng như những nước đang phát triển khác, Thái Lan vẫn cần hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các mục tiêu nghiên cứu và phát triển. Đặc biệt, Thái Lan cần xây dựng một chính sách dài hạn để tuyển dụng những luật sư quốc tế chuyên về pháp luật quốc tế, đặc biệt là về các án lệ trong WTO.
P.H.H
[1] Theo số liệu thống kê của Cơ quan Giải quyết tranh chấp WTO đến ngày 18/11/2008
[2] http://www-wds.worldbank.org/
[3] Bao gồm các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước
[4] Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
[5] Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27/2/2007 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
[6] Pornchai, Danvivathana (2007), Case Study on Thailand’s Experience in the WTO Dispute Settlement System, International Centre for Trade and Sustainable Development, Geneva, Switzerland.