Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư

Trong cuộc sống hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm, nhận thức, lối sống, tính cách, kinh nghiệm… nên việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để thì “chuyện bé xé ra to”, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể bùng phát nghiêm trọng thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Xuất phát từ truyền thống văn hóa của dân tộc, cọi trọng tình cảm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nên hòa giải ở cơ sở được hình thành từ rất sớm, là phương thức giải quyết mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp ở cộng đồng dân cư được củng cố và phát triển từ thời kỳ phong kiến đến ngày nay.

Hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có thể nói đây là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả. Bởi hòa giải thành sẽ hàn gắn và khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, giúp duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư. Do đó, hòa giải ở cơ sở là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, hòa hợp, đồng thuận, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo tiền đề cho ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì lẽ đó hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng do Đảng và Nhà nước đề ra.

Với vị trí và vai trò quan trọng đó, hòa giải ở cơ sở từ chỗ là một hoạt động mang tính chất tự phát trong nội bộ nhân dân đã trở thành hoạt động của một tổ chức quần chúng được Nhà nước thừa nhận. Ngay từ thời kỳ phong kiến, chế định hòa giải ở cơ sở đã được hình thành, trong các bản hương ước, quy ước của làng, xã đều quy định: hoà giải mâu thuẫn, hiềm khích trong nhân dân là bắt buộc. Các loại vụ, việc tranh chấp, vi phạm pháp luật nhỏ thuộc phạm vi hòa giải gồm xích mích giữa các thành viên trong gia đình, giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng, tranh chấp nhỏ phát sinh từ quan hệ dân sự. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, chế định hòa giải được Nhà nước hết sức chú trọng và phát triển. Nhiều sắc lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước được ban hành, trong đó quy định “Ban tư pháp xã hoà giải tất cả các việc hộ và thương mại do các người đương sự muốn mang ra trước ban tư pháp ấy”[1]. Trải qua các thời kỳ giữ nước và dựng nước của dân tộc, hòa giải ở cơ sở luôn được đánh giá cao không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp ở cơ sở có hiệu quả mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy sức mạnh tập thể, cùng thực hiện những nhiệm vụ cách mạng của địa phương và đất nước.

Để phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động hòa giải đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã quy định “Tăng cường đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật … thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải…”[2]. Tiếp đến Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng quy định một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật “Thông qua… hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở[3].

Có thể khẳng định rằng, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, điều này thể hiện như sau:

Một là, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở quy định tại Điều 4 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 “Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự”.
Kết quả hòa giải thể hiện ý chí, sự tự nguyện và quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn, tranh chấp. Để kết quả đó có giá trị thi hành thì không trái pháp luật, đạo đức xã hội, không xâm phạm lợi ích Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc để trốn tránh nghĩa vụ. Do đó, hòa giải viên phải nắm được quy định pháp luật, có kiến thức pháp luật từ đó đưa ra nhận định và hướng dẫn, phân tích các bên tranh chấp biết, hiểu thỏa thuận của họ có đúng pháp luật không, có phù hợp đạo đức không, có xâm phạm lợi ích của Nhà nước hoặc người thứ ba không.

Hai là, để tiến hành hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở không chỉ dùng uy tín của bản thân, đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật, từ đó xử sự phù hợp với quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.

Ba là, bằng việc đưa ra những quy định của pháp luật để thuyết phục, giải thích, phân tích cho các bên tranh chấp, hoà giải viên đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho họ, từ đó giúp họ hình thành ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật (để tránh những tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật tương tự có thể tiếp tục xảy ra). Đồng thời, sau khi được hòa giải, mỗi bên tranh chấp cũng có thể trở thành người tư vấn pháp luật cho những người khác (người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp) khi những người này nảy sinh hoặc có nguy cơ nảy sinh tranh chấp tương tự trong các mối quan hệ xã hội.

Thứ tư, hòa giải viên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua vụ việc cụ thể, cho đối tượng cụ thể bằng cách thức dễ hiểu nhất, gần gũi nhất, phân tích sâu sắc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Đây là phương thức phổ biến pháp luật tác động trực tiếp từ chủ thể (hòa giải viên) đến đối tượng (các bên mâu thuẫn, tranh chấp và những người khác) với nội dung pháp luật xác định, gắn liền với từng mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật cụ thể. Từ đó các bên hiểu rõ, nắm chắc quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ xã hội nhất định và hình thành hành vi xử sự phù hợp, đó chính là thói quen tự giác chấp hành pháp luật.

Thứ năm, công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là biểu hiện của dân chủ, người dân tự quyết định vấn đề của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

Bằng hoạt động hòa giải ở cơ sở, các bên tranh chấp tự mình giải quyết tranh chấp, xung đột trên cơ sở nguyện vọng, hài hòa lợi ích giữa các bên. Hòa giải viên ở cơ sở là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, họ không hướng tới mục tiêu lợi nhuận; công việc của hòa giải viên là hàn gắn những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, dòng họ, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau; hòa giải viên hướng dẫn các bên tranh chấp, mâu thuẫn để họ tự thống nhất cách giải quyết mà không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Điều này thể hiện cao quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013.

Thứ sáu, hoạt động hoà giải ở cơ sở góp phần tích cực trong việc hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở, nếu được hoà giải, giải quyết kịp thời sẽ không phát triển thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, việc đơn giản không trở nên phức tạp, không gây sự  âm ỉ, bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư, từ đó các mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc pháp luật được giải quyết triệt để, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Điều này góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước như chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.

Thứ bảy, hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là một hình thức của công tác dân vận. Hòa giải viên ở cơ sở là người gần dân, sát dân, hiểu được tâm tính, hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ dân, bằng kinh nghiệm của mình, họ phân tích, giải thích cho các bên hiểu về những giá trị cốt lõi của đạo đức con người, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao nhận thức pháp luật và xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong Nhân dân, hướng mọi người tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên nắm được được tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó tham mưu lại cho chính quyền, cho Đảng những giải pháp căn cơ để xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp, “ý Đảng – lòng Dân”. Chính vì vậy, việc sử dụng kỹ năng “dân vận khéo” đã được nhiều hòa giải viên ở cơ sở áp dụng trong quá trình hòa giải, họ quan niệm mình là sợi dây kết nối giữa Đảng với người dân.

KIẾN NGHỊ
Để tiếp tục phát huy công tác hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
- Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cần quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở một cách thực chất và hiệu quả.
-  Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này.
- Nâng cao hơn nữa năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở về cả kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày nhiều và ngày càng phức tạp nảy sinh do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự hội nhập giao lưu quốc tế hiện nay.
- Đối với hòa giải viên ở cơ sở, cần xác định “sứ mệnh” của mình không chỉ đơn thuần là giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư mà hoạt động của hòa giải viên phải mang lại cuộc sống yên bình, hạnh phúc cho cộng đồng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngày một vững mạnh. hòa giải viên phải đi sâu, đi sát xuống từng hộ dân, lắng nghe dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con từ đó mới tìm được nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn và khi đã hiểu được nguyên nhân thì phải thật công tâm, phân tích quy định pháp luật, quyền lợi mỗi bên, từ đó mới có thể hòa giải thành công theo tinh thần hòa giải ở cơ sở cần gần dân, hiểu dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân; từ đó tạo sự đồng thuận, đồng lòng xây dựng và phát triển địa phương, đất nước giàu mạnh.
- Tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Trong công tác hòa giải ở cơ sở, Mặt trận giữ vai trò nòng cốt, các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh vai trò chủ trì bầu hòa giải viên ở cơ sở, bầu Tổ trưởng Tổ hòa giải và cử hội viên ứng cử làm hòa giải viên ở cơ sở thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần gắn chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở vào các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận phát động như “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”... thông qua đó để tăng cường phổ biến pháp luật cho nhân dân nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Như vậy, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được yên bình, hạnh phúc, kinh tế phát triển, trình độ dân trí nâng cao, cuộc sống của người dân văn minh, hiện đại. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần hiện thực hóa chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Sắc lệnh số 13 ngày 24-01-1946 về tổ chức Tòa án và các ngạch thẩm phán quy định Ban Tư pháp xã có quyền hòa giải tất cả các sự việc dân sự và thương sự; Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 về việc ấn định thẩm quyền các tòa án quy định “Ban Tư pháp xã hoà giải tất cả các việc hộ và thương mại do các người đương sự muốn mang ra trước Ban Tư pháp ấy”; Sắc lệnh số 254/SL ngày 19/11/1948 về tổ chức lại chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến quy định Ban thường vụ Ủy ban kháng chiến hành chính xã họp thành Ban Tư pháp xã, có nhiệm vụ hoà giải về tất cả các việc thuộc Dân luật và Luật Thương mại trong phạm vi xã (Điều 70).
[2] Khoản 7 Chỉ thị số 32-CT/TW.
[3] Khoản 5 Điều 11