Theo Nghị định này hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu xăng dầu đối với vi phạm quy định; Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng đối với vi phạm theo quy định; Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trên 12 tháng đối với vi phạm theo quy định trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Nghị định cũng quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt đối với vi phạm về sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; về điều kiện kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; điều kiện sản xuất xăng dầu; điều kiện kinh doanh của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu… Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012 và bãi bỏ Điều 10 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22/9/2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại. Tô Hoàng