Lý lịch tư pháp: quan điểm là tạo thuận lợi cho người dân
Xuất phát từ quan điểm cho rằng, lý lịch tư pháp (LLTP) có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống dân sự của công dân, cũng như trong quản lý nhân sự và hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khẳng định việc ban hành Luật LLTP là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về LLTP, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Phạm vi quản lý LLTP được xác định trong sự thảo Luật trình QH tại kỳ họp thứ 5 bao gồm án tích và tình trạng thi hành án. Ngoài ra, để góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh, phạm vi quản lý LLTP còn bao gồm cả việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Toà án tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Phá sản.
Về quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thành lập Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp với nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước mà không thành lập các trung tâm LLTP ở các tỉnh. Nhiệm vụ cập nhật thông tin và cấp phiếu LLTP tại địa phương được giao cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện.
Dự luật cũng quy định giao Trung tâm LLTP cập nhật thông tin về án tích, khi xác định một người có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự thì ghi vào LLTP của người đó là “đương nhiên được xoá án tích” và ghi “không có án tích” khi cấp Phiếu LLTP. Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, giúp những người đã từng bị kết án không bị phân biệt đối xử, tái hoà nhập cộng đồng.
Không thực hiện nhiệm vụ: gây thiệt hại cũng phải bồi thường
So với dự thảo trình xin ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước trình tại kỳ họp lần này đã được chỉnh lý theo hướng có các chương riêng về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo từng lĩnh vực, trong đó quy định cụ thể về các trường hợp được bồi thường và không được bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường và cách xác định cơ quan này trong một số trường hợp cụ thể, trình tự giải quyết bồi thường, xác định thiệt hại bồi thường.
Về hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, dự thảo Luật bổ sung quy định: hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng theo quy định của pháp luật được xác định trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, dự thảo Luật quy định một số trường hợp thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng có hai cơ chế để người bị thiệt hại yêu cầu Nhà nước bồi thường. Cơ chế thứ nhất yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi thành công vụ gây thiệt hại thực hiện việc giải quyết bồi thường. Cơ chế thứ hai yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính, theo đó, khi khiếu nại hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính, người bị thiệt hại đồng thời yêu cầu cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc Toà án có thẩm quyền thực hiện việc giải quyết bồi thường.
Về trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự: dự thảo Luật giới hạn phạm vi được bồi thường đối với những người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự mà chưa mở rộng ra các trường hợp bị sai, đồng thời quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Giữ lại hình phạt tử hình tại 9/17 điều của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) trình tại kỳ họp thứ 5 tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS liên quan đến những vấn đề bức xúc, đang gây trở ngại cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế. Những vấn đề có liên quan đến chính sách hình sự, các chủ trương, quan điểm lớn về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta mà ý kiến giữa các cơ quan hữu quan chưa đạt sự đồng thuận cao thì chưa được xem xét trong lần sửa đổi này mà sẽ được nghiên cứu kỹ để phục vụ cho việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước, dự thảo lần này đã có những chỉnh sửa, bổ sung. Về hình phạt tử hình, dự thảo mới giữ lại hình phạt tử hình tại 9/17 điều so với dự thảo Chính phủ đã trình Quốc hội. Đồng thời, dự thảo bỏ hình phạt tử hình với 2 tội danh Hiếp dâm (Điều 111) và Huỷ hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334).
Ngoài ra, dự thảo đã bổ sung Điều 230a về Tội khủng bố trong đó có quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy, BLHS đã được bổ sung thêm một điều mới (Điều 230a) có quy định về hình phạt tử hình. Một điểm đáng chú ý khác là dự thảo lần này đã bỏ Tội sử dụng trái phép chất ma tuý (Điều 199). Trường hợp người sử dụng ma tuý mà có hành vi phạm tội thì sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh tương ứng của BLHS.
Ngoài những sửa đổi, bổ sung trên, dự thảo cũng được sửa đổi, bổ sung về các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, môi trường, quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều tội danh khác như: tội buôn bán người, tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội trốn thuế, gian lận thuế…
Dự kiến, 3 Luật này sẽ được Quốc hội thông qua vào những ngày cuối của kỳ họp (17,18/6/2009).
Hồng Thuý