Một số vấn đề huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý

1. Cơ sở chính trị - pháp lý

Theo các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: huy động các nguồn lực có khả năng trực tiếp cung ứng dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý (bao gồm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý); các nguồn lực có khả năng hỗ trợ trực tiếp cho công tác trợ giúp pháp lý (vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó đáng kể là các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan thông tin, đại chúng, báo chí; các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân) và các nguồn lực bảo đảm phát triển ổn định, bền vững của công tác trợ giúp pháp lý (các nguồn tài lực hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý).

Về mạng lưới tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, cùng với việc quy định trách nhiệm Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (thông qua mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm), Luật Trợ giúp pháp lý quy định về sự tham gia trợ giúp pháp lý tự nguyện của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thông qua việc đăng ký với Sở Tư pháp - cơ chế khuyến khích tham gia trên cơ sở tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Điều 13, Điều 17, Điều 18 và Điều 19).

Về đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý đã chuẩn hóa đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm, Luật Trợ giúp pháp lý quy định chế định cộng tác viên trợ giúp pháp lý để huy động mọi nguồn lực xã hội có đủ khả năng, kiến thức hiểu biết pháp luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý để hỗ trợ Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm trong việc cung ứng dịch vụ pháp lý. Ngoài ra, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định cụ thể về sự tham gia trợ giúp pháp lý của các luật sư, tư vấn viên pháp luật - với tư cách là những người hành nghề luật tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi hành nghề của tổ chức mình (Điều 20, Điều 22, Điều 23, Điều 24 và Điều 25).

Về sự phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý (Điều 7). Nội dung bao gồm các vấn đề liên quan đến việc bảo đảm tạo điều kiện, hỗ trợ Trung tâm trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý; phối hợp, tạo điều kiện, cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để trợ giúp pháp lý; thực hiện công tác thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với đối tượng cũng như giới thiệu, tạo điều kiện để đối tượng được tiếp cận với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; phối hợp thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý; trả lời các kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật, đến giám sát hoạt động của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; phối hợp quản lý đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tại Điều 8, Điều 21 Luật Luật sư và Điều 10 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật cũng quy định Nhà nước khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí và nghĩa vụ của Luật sư là phải thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí.

Về khuyến khích sự đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý, Luật Trợ giúp pháp lý quy định khuyến khích các cơ quan tổ chức, cá nhân, đóng góp, tài trợ cho công tác trợ giúp pháp lý thông qua Qũy Trợ giúp pháp lý Việt Nam (Điều 8) hoặc hỗ trợ, tài trợ thông qua các Dự án hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam theo các Điều ước quốc tế hoặc các cam kết quốc tế.

Để cụ thể hóa các vấn đề nêu trên, đã có trên 20 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành để cụ thể hóa các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý liên quan đến huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý. Các văn bản này đang từng bước được đi vào cuộc sống, được thực tiễn kiểm nghiệm và đang mang lại những hiệu quả bước đầu.

2. Kết quả đạt được và những vướng mắc, bất cập

a) Những kết quả đạt được

Đến nay, trong toàn quốc, đã thành lập được 63 Trung tâm TGPL nhà nước và hơn 100 Chi nhánh của Trung tâm với trên 700 viên chức làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm, trong đó có gần 200 Trợ giúp viên pháp lý. Các Trung tâm cũng đã phát triển được trên 8.000 cộng tác viên trợ giúp pháp lý là Luật sư, tư vấn viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức, thành viên, hội viên và cá nhân khác của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, trong đó có 858/5.000 Luật sư tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý (chiếm khoảng 17,2%). Bên cạnh đó, có 141/1.500 Văn phòng luật sư, công ty Luật thuộc 61 Đoàn Luật sư (chiếm khoảng 9,4%) và khoảng 46/76 Trung tâm tư vấn pháp luật (chiếm khoảng 60,5%) thực hiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua thống kê cho thấy, trung bình, mỗi năm, các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm trong toàn quốc thực hiện được từ 100 - 120.000 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng chiếm từ 7% - 10% tổng số vụ việc trợ giúp pháp lý. Các vụ việc do cộng tác viên thực hiện khoảng từ 55% - 60 % số vụ việc, số còn lại là do Trợ giúp viên hoặc chuyên viên thực hiện. Đối với các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, trung bình mỗi năm, mỗi tổ chức cũng thực hiện được từ 100 - 200 vụ việc nhưng chủ yếu là các vụ việc tư vấn pháp luật đơn giản, rất ít vụ việc tham gia tố tụng.

Đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, thời gian qua cũng đã tích cực và chủ động tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý. Các hoạt động chủ yếu được thực hiện là thông tin, truyền thông hoặc giới thiệu pháp luật về trợ giúp pháp lý đến với nhân dân; phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở hoặc giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến với các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước hoặc Chi nhánh của Trung tâm. Một số tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý hoặc tổ chức chính trị - xã hội cũng đã phối hợp với các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trong việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Một số cơ quan, tổ chức cũng đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Trung tâm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động như cung cấp thông tin tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, tập hợp, vận động thành viên, hội viên tham gia làm cộng tác viên hoặc hỗ trợ triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở; trả lời các kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật cũng như giám sát việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Về huy động các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý đã huy động được nguồn tài chính hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các Dự án hợp tác quốc tế (Dự án hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý Việt Nam) để hỗ trợ, tài trợ cho 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và một số tổ chức đoàn thể xã hội đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, hoạt động trợ giúp pháp lý còn nhận được nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ sự bảo đảm của ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương. Riêng Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam chưa huy động được nguồn tài chính hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.

b) Vướng mắc, bất cập

- Đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước còn mỏng, mất cân đối giữa các vùng miền, giữa cấp tỉnh, cấp huyện với cấp xã; chưa huy động hết nguồn lực người có kiến thức hiểu biết pháp luật trong xã hội tham gia trợ giúp pháp lý; chưa khai thác hết tiềm năng có khả năng thực hiện trợ giúp pháp lý trong dân. Một số cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý chưa thật nhiệt tình và làm hết trách nhiệm.

- Số lượng các tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý còn ít so với tiềm năng hiện có. Số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được các tổ chức này thực hiện chưa nhiều; việc tham gia nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, gọi là có tham gia và không phải lúc nào các tổ chức này cũng sẵn lòng thực hiện TGPL một cách nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả.

- Cơ chế phối hợp giữa các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, chưa rõ ràng. Nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân cũng chưa thật cộng tác, tích cực phối hợp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Sự tham gia của các cơ quan thông tin, báo chí vào hoạt động trợ giúp pháp lý tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng chưa được thường xuyên, liên tục, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của các tổ chức này nên nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý còn hạn chế. Việc trả lời kiến nghị về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan còn chậm, thiếu kịp thời, cá biệt có nơi không cộng tác. Sự tham gia hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý của tổ chức đoàn thể xã hội, của chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế, thậm chí e ngại công tác trợ giúp pháp lý.

- Sự huy động nguồn lực tài chính từ phía xã hội, từ các dự án hợp tác quốc tế, từ các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm đóng góp cho Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam còn hạn chế, chậm được đổi mới. Đến nay, Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam chưa huy động được nguồn hỗ trợ nào từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngoài khoản kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước. Pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa có cơ chế để các tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp hỗ trợ, tài trợ đối với từng hoạt động trợ giúp pháp lý cụ thể hoặc từng vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể.

c) Nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập

- Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tác động của hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế; cách huy động còn chưa phong phú, mang tính thời vụ.

- Chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý còn thiếu hấp dẫn, chưa cụ thể, chế độ, chính sách đãi ngộ thấp nên khó thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý.

- Sự phân bổ không đồng đều các nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý giữa các vùng miền nên có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu; nơi có nhiều nhu cầu nhất thường lại là nơi thiếu nguồn lực nhất; các tổ chức đoàn thể xã hội có khả năng tập hợp thành viên, hội viên nhưng nguồn lực người có kiến thức pháp luật lại thiếu, không đồng đều giữa các cấp.

3. Một số giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa xã hội của công tác trợ giúp pháp lý; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, phân định rõ nội dung quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức đoàn thể xã hội.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để khuyến khích, huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý; cần có giải pháp ghi nhận sự đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức này; có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Thứ ba, nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước trong việc mở rộng, phát triển mạng lưới cộng tác viên, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xã hội trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, nhất là chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện để nâng cao vị thế, vai trò nòng cốt của Trung tâm; tạo lập và củng cố niềm tin của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đối với hoạt động của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tuấn Minh