PV: “Một giấy, một cửa” về chủ trương thì rất được hoan nghênh. Trước đây Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì xây dựng dự án Luật Đăng ký bất động sản với chủ trương “một giấy, một cửa”. Liệu có nảy sinh phức tạp gì trong quá trình triển khai không, thưa ông?
* Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp đã phối hợp rất chặt với nhau để xây dựng 2 điều khoản mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Điều 6, Điều 7 - PV). Phải nói là tất cả những gì gọi là tinh túy, linh hồn của Luật Đăng ký bất động sản thì đã đưa vào các điều khoản mà hôm nay (28/5 - PV), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày trước Quốc hội. Còn riêng về thủ tục, trình tự thì tới đây, nếu Luật được Quốc hội thông qua và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện thì vấn đề đăng ký sẽ được thể hiện trong Nghị định của Chính phủ. Tất cả những tháo gỡ về mặt kỹ thuật tôi cho là sẽ ổn.
PV: Có ý kiến còn băn khoăn cho rằng nếu như giao một đầu mối mà đăng ký quá nhiều loại tài sản trên đất như thế thì sẽ phức tạp và sợ rằng khó thực hiện?
* Tôi không nghĩ thế. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều tập trung việc đăng ký bất động sản vào một đầu mối. Càng liên quan đến bất động sản thì càng phải tập trung vào một đầu mối vì có như thế mới tiến tới minh bạch thông tin.
Hiện nay, về phía Bộ Tư pháp, chúng tôi cũng chưa đồng tình lắm với việc giao cho hai cơ quan là UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện làm đầu mối thống nhất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vì đã nói đến đăng ký thì phải dứt điểm tập trung vào một đầu mối. Còn về thẩm quyền của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu đất đai thì có thể khác nhau, ví dụ UBND tỉnh cấp cho tổ chức nước ngoài, UBND huyện thì cấp cho các tổ chức của Việt Nam, cá nhân v.v… đó là chuyện bình thường vì đó là vấn đề quyền lực của Nhà nước, Nhà nước phân công cho cấp nào làm tốt hơn thì cấp đó thực hiện. Nhưng khi đăng ký thì phải tập trung một đầu mối.
PV: Một đầu mối như ông nói cụ thể là như thế nào?
* Một đầu mối tức là vào một văn phòng. Ví dụ một đơn vị cấp huyện thì chỉ có một đầu mối là một văn phòng thôi, hoặc 2 huyện thì có 1 văn phòng, tất cả trên địa bàn huyện đó đất đai, số phận của từng mảnh đất ra sao thì chỉ có 1 đầu mối thôi.
PV: Ý ông là phải có một hệ thống dọc các văn phòng đăng ký bất động sản có mối liên kết thông tin chặt chẽ với nhau và có thể trao đổi với nhau về mặt thông tin?
* Đúng, đó là ý tưởng của dự Luật và cũng là ý tưởng mà tiến tới chúng ta cần thực hiện trong thực tế. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng ý tưởng đó trong giai đoạn trước mắt là chưa khả thi, vì trong giai đoạn hiện nay đã hình thành các văn phòng đăng ký ở cấp tỉnh và cấp huyện rồi, nhưng không phải ở tất cả các huyện đều đã có và chúng ta đang giải quyết theo thực tại, nên cứ để cho từng huyện đăng ký cũng được, rồi dần dần sẽ tiến tới tập trung vào đầu mối thống nhất.
PV: Việc thống nhất “một giấy, một cửa” thể hiện rõ ưu việt, thế sao lâu nay Quốc hội cứ bàn mãi, chưa quyết cho tiến hành, thưa ông? Liệu có phải do lợi ích cục bộ?
* Theo tôi không phải vì lợi ích cục bộ mà có nhiều loại giấy. Vấn đề là trong quá trình xây dựng luật chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện, thành ra để phát sinh như vậy. Vì chưa có cái nhìn tổng quát nên khi ban hành Luật Đất đai thì có giấy về đất đai, khi ban hành Luật Nhà ở thì có giấy về nhà ở. Đó là khuyết điểm của quá trình làm luật vừa qua. Thành ra việc “một giấy, một cửa” chính là để khắc phục hạn chế này. Chính phủ đã rất tích cực. Nếu sớm có sự thống nhất về mặt nhận thức, quy định này sớm được đưa ra Quốc hội thì việc thực hiện Nghị quyết 07 của Quốc hội đã được thực hiện sớm hơn nhiều rồi, không phải để đến ngày hôm nay!
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hồng Thúy