Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sau 7 năm thi hành Luật Di sản văn hóa đã có gần 1.500 lượt di tích được đầu tư tu bổ, tập trung chủ yếu vào các di tích quốc gia. Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của hàng loạt các di tích hiện nay đặt ra vấn đề việc tu bổ phục hồi phải làm kịp thời. Theo Luật hiện hành thì muốn làm các công việc này phải xây dựng dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều địa phương kêu rằng, chính công đoạn này đã làm cho việc tu bổ di tích bị chậm trễ. Do đó, Dự thảo Luật đã “chỉnh” lại theo hướng chỉ có di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt mới phải lập quy hoạch hoặc dự án.
“Thực tế có rất nhiều công trình bị ảnh hưởng về chất lượng sau khi tu bổ. Thậm chí, có di tích cả trăm tuổi bị phá đi làm mới trở thành di tích… một tuổi. Nguyên nhân bởi không lập dự án trước khi tu bổ”, đại biểu Phạm Quý Tỵ (Bình Dương) chỉ ra thực tế. “Cần quy định các công trình dưới 15 tỷ đồng cũng phải lập dự án hoặc quy hoạch”. Ông Tỵ đề nghị.
Nhiều đại biểu tán đồng với ý kiến của ông Tỵ trước yêu cầu tu bổ di tích hiện đang trở nên cấp bách nhưng thực tế nhiều nơi hoạt động này lại diễn ra lộn xộn khiến các công trình bị mất đi giá trị lịch sử của nó.
Đến nay, cả nước có gần 5.347 di tích cấp tỉnh, 3018 di tích cấp quốc gia và 5 danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, việc bảo vệ di tích hiện nay còn nhiều vấn đề như tình trạng lấn chiếm, xuống cấp, phá vỡ không gian kiến trúc của di tích… |
Phát hiện cổ vật: được thưởng bao nhiêu?
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ các khái niệm được quy định trong dự luật. Đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) nêu ý kiến: chúng ta nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia nhưng thực tế nó vẫn diễn ra. Cây cảnh 500 - 700 năm tuổi có phải cổ vật không mà người ta vẫn trao đổi, mua bán bình thường. Còn nữa, các nhà khoa học cũng trao đổi cổ vật, di vật để phục vụ cho công tác nghiên cứu đó thôi. Đại biểu Nam đề nghị phải quy định rõ những trường hợp nào, phục vụ mục đích gì thì mới bị cấm.
Tương tự, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bổ sung: Luật quy định tổ chức, cá nhân nếu phát hiện và giao nộp di vật, cổ vật thì được thưởng một khoản tiền nhưng không quy định khoản tiền đó là bao nhiêu nên nhiều người đã âm thầm giấu đi để tránh “tai bay vạ gió”.
Nhập phim tài liệu: khả năng được ưu đãi thuế
Cũng trong chương trình làm việc hôm qua, buổi sáng các đại biểu QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Hạn chế phim nhập là quy định mới của dự Luật nói trên. Theo đó, doanh nghiệp muốn phát hành phim nhập khẩu phải có rạp. Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, số lượng phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số lượng phim sản xuất; đối với các đài truyền hình, số tập phim nhập khẩu không được vượt quá 2 lần số tập phim sản xuất.
“Quy định như vậy thì sẽ gây khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất phim vì hiện nay doanh nghiệp điện ảnh có rạp rất ít”. Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi, TP.Cần Thơ bày tỏ quan điểm “Chúng ta không nên đặt ra vấn đề có rạp hay không mà cần quan tâm đến việc kiểm soát nội dung phim nhập. Muốn kiểm soát được phải tăng cường khâu thẩm định phim”.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Phương Thảo, TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: không nhất thiết phải khống chế người sản xuất phim không được vượt quá 2 lầm số phim sản xuất. Quan trọng là phải chọn cho được phim hay, có khi chấp nhận đắt một chút nhưng phim có chất lượng, có giá trị thẩm mỹ.
Cũng liên quan đến vấn đề nhập khẩu phim, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề thuế. Trước đây để tạo điều kiện cho điện ảnh dân tộc phát triển, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh được hưởng những ưu đãi về thuế giá trị gia tăng ở mức 0%. Từ 01/01/2009, mức thuế này tăng lên 5%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mức thuế này vẫn chưa phù hợp vì khi chúng ta mở cửa thị trường phim ảnh, số lượng phim nhập khẩu tăng cao, các đơn vị kinh doanh điện ảnh thu được nguồn lợi nhuận lớn thì cũng cần đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để có những quy định về thuế phù hợp với lĩnh vực này. Ngoài ra cần quy định rõ ưu đãi về thuế đối với phim tài liệu, phim thiếu nhi, phim truyền thống cách mạng và các phim phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Thu Hằng