Để các quy định của Luật THADS phát huy hiệu quả, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng là hoàn thiện thể chế để tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ của cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS. Đây là vấn đề đã được đặt ra từ năm 1993, khi chuyển giao công tác THADS từ Toà án nhân dân tối cao sang cho Chính phủ và qua 16 năm thực hiện, đến nay đã có đủ điều kiện để xác định rõ mô hình tổ chức cơ quan THADS. Kết quả tổng kết thi hành Pháp lệnh THADS năm 2004 đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác THADS còn nhiều hạn chế, bất cập là do mô hình tổ chức cơ quan THADS chưa ngang tầm với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc được giao. Vị trí, mối quan hệ của hệ thống cơ quan THADS chưa rõ ràng, nhất là cơ quan THADS cấp tỉnh và cơ quan THADS cấp huyện.
Tuy nhiên, cho đến nay, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS vẫn chưa được ban hành. Đối với công tác tổ chức bộ máy, công chức cơ quan thi hành án thì Luật THADS có 09 điều liên quan đến cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và công chức làm công tác THADS giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bao gồm: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý THADS; tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan THADS (khoản 3 Điều 13 Luật THADS); trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên (Điều 17); các trường hợp đặc biệt áp dụng cho người có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp (Điều 18); trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên (Điều 19); sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ (khoản 9 Điều 20); tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS và cơ quan thi hành án trong quân đội (Điều 22); cấp trang phục, phù hiệu, tiền lương, chế độ phụ cấp nghề nghiệp và chế độ ưu đãi khác đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác THADS (Điều 26); quản lý nhà nước về công tác THADS và thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS của Cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp (Khoản 2 Điều 167); việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng (Khoản 3 Điều 168). Ngoài ra, Điều 183 Luật THADS còn giao cho Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành những nội dung cần thiết khác của Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác THADS tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay, điểm 3 Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật THADS giao Chính phủ quy định những cơ quan THADS cụ thể ở các địa bàn nêu trên được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật THADS có hiệu lực thi hành.
Đến ngày 01/7/2009, văn bản hướng dẫn chi tiết một số nội dung trên vẫn chưa được ban hành thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác THADS. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và công chức làm công tác THADS để thực hiện hiệu quả Luật THADS, Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật THADS là yêu cầu bức thiết thiện nay.
Mai Phương Hoa