Bộ Tư pháp quản lý cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp (LLTP).
Theo Điều 11 Luật LLTP vừa được Quốc hội thông qua thì cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý tại Trung tâm LLTP quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp. Theo đó, Trung tâm LLTP quốc gia có nhiệm vụ: Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong phạm vi cả nước. Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu LLTP tại Sở Tư pháp; Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin LLTP do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, cơ quan thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Sở Tư pháp cung cấp; Tiếp nhận LLTP do Sở Tư pháp cung cấp; Xử lý, cung cấp thông tin LLTP cho Sở Tư pháp; Lập LLTP, cấp Phiếu LLTP theo quy định của Luật này; Cung cấp thông tin LLTP của người nước ngoài bị Toà án Việt Nam kết án theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về việc quản lý cơ sở dữ liệu LLTP trong phạm vi cả nước.
Ngoài ra, so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại phiên thảo luận cũng trong kỳ họp này, Luật LLTP đã bổ sung quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP theo đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội. Theo đó, ngoài công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP của mình; Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cũng có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bỏ quy định về Kiến trúc sư trưởng
Trong quá trình thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch đô thị, nhiều ý kiến đồng ý với quy định như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội để Chính phủ có căn cứ pháp lý ban hành quy định cụ thể về việc thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng khi xét thấy cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý của từng thời kỳ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không tán thành quy định của Dự thảo Luật vì cho rằng, Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng chỉ có chức năng tư vấn, không thuộc hệ thống cơ quan quản lý hành chính nhà nước, không bắt buộc phải thành lập, do đó không nên quy định vào Luật. Ngoài ra, việc thí điểm mô hình Kiến trúc sư trưởng tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian trước đây cho thấy hiệu quả chưa rõ. Do đó, Luật Quy hoạch đô thị vừa được thông qua đã bỏ quy định về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng.
Thảo luận về Dự án Luật Viễn thông, các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề như phạm vi điều chỉnh; cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý chuyên ngành, vấn đề thanh tra chuyên ngành về viễn thông; về phát triển thị trường, dịch vụ viễn thông, thể hiện mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng về quyền và nghĩa vụ; về chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng của dịch vụ viễn thông và quỹ công ích về dịch vụ viễn thông.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trong kết luận buổi thảo luận đã lưu ý, nên có sự phân biệt giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về chuyên ngành viễn thông. Vấn đề thứ hai là về thanh tra chuyên ngành (theo quy định chỉ có một đầu mối làm công tác thanh tra). Nhưng trong một đầu mối đó việc phân công và hình thành tổ chức như thế nào, ai làm thanh tra Nhà nước, ai làm thanh tra chuyên ngành thì nội bộ trong tổ chức bộ máy thanh tra phân công và quyết định.
Đặc biệt Phó Chủ tịch nhấn mạnh, về xử lý 2 mối quan hệ (tính kinh tế và tính kỹ thuật; giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ) để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và tính đặc thù của hoạt động dịch vụ viễn thông.
Về vấn đề Quỹ viễn thông công ích, “Bấy lâu nay nguồn hình thành trong nội bộ của các công ty hoạt động trong lĩnh vực này với nguyên tắc là lấy gần bù xa và hình thành từ nguồn lợi nhuận sau thuế là chính. Chính vì vậy nó không phải là quỹ tài chính Nhà nước, tuy nhiên phải có những nguyên tắc quản lý quỹ này, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng và không để thất thoát lãng phí và những tiêu cực khác” Phó Chủ tịch nói.
Thu Hằng
Trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII có 12 Dự án Luật sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, trong đó có Luật Tiếp cận thông tin, Luật Nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Cũng tại kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến với 10 Dự án Luật. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội sẽ thông qua 10 Dự án Luật, cho ý kiến 9 Dự án Luật. * Luật Phổ biến pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính được đưa vào chương trình chuẩn bị * Luật Báo chí (sửa đổi) bị rút khỏi chương trình xây dựng Luật 2009. |