Chưa đột phá cả về nội dung lẫn hình thức
Theo Nghị định số 66 có 2 phương thức hỗ trợ pháp lý của nhà nước đối với DN là phương thức hỗ trợ thường xuyên (có 5 hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý cho DN như xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của DN; xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN; giải đáp pháp luật cho DN; tiếp nhận kiến nghị của DN về hoàn thiện pháp luật) và phương thức hỗ trợ DN thông qua các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN. Nhưng kể từ khi Nghị định có hiệu lực, các hình thức và nội dung của phương thức thường xuyên vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa đáp ứng được yêu cầu cần hỗ trợ về mặt pháp lý của DN trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên nhân của thực trạng trên là vì hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN còn mang nặng tính hành chính, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho DN. Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN thì ít về số lượng, phần đông làm việc kiêm nhiệm lại chưa được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng hỗ trợ pháp lý cho DN. Ngoài ra, kinh phí phân bổ của ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DN quá ít, thiếu tập trung. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan, các tổ chức đại diện cho DN chưa thực sự đồng bộ và chặt chẽ, dẫn đến bỏ trống địa bàn hoặc trùng lặp các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN.
Thí điểm chương trình liên ngành trong 3 năm đầu
Vì vậy, trong Chương trình làm việc của Chính phủ năm 2009, Bộ Tư pháp được giao chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN vào quý III/2009. Theo Ban soạn thảo, Chương trình liên ngành sẽ giải quyết 5 vấn đề từ tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức và các cán bộ, công chức nhà nước có trách nhiệm thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN; tạo điều kiện cho các DN thuận tiện trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật, giúp DN thực thi tốt pháp luật; nâng cao nhận thức về pháp luật đối với các chủ sở hữu, người quản lý DN; nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế DN đủ trình độ, năng lực và kiến thức pháp chế để tư vấn pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý cho DN đến xây dựng và hình thành các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho DN hiệu quả, phù hợp với từng nhóm DN và các loại hình DN cũng như tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đại diện cho DN và các DN trong hoạt động này.
Dự thảo Chương trình mới nhất hiện đề xuất 9 nội dung hoạt động, phân thành 5 dự án, trong đó có một nội dung quan trọng là xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án điểm về hỗ trợ pháp lý cho DN ở 5 địa phương. Chương trình sẽ triển khai từ năm 2009 đến năm 2015 và trong giai đoạn 2010-2012 sẽ tổ chức thí điểm tại 5 địa phương được lựa chọn, bao gồm Hà Nội, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Đồng Nai. Với 3 nhóm giải pháp thực hiện về chính sách, về cơ chế và về chuyên môn. Ban soạn thảo dự báo Chương trình sẽ mang lại nhiều tác động và hiệu quả kinh tế - xã hội. Cụ thể, sẽ góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của DN, trước hết là người quản lý DN, về pháp luật kinh doanh nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật, hạn chế rủi ro pháp lý cho DN trong thời kỳ hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Không những thế, còn tăng cường sự phối hợp 3 bên giữa các cơ quan quản lý về thực thi pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho DN, các tổ chức đại diện cho DN và người quản lý DN, cán bộ pháp chế cho DN ở các hình thức, địa bàn khác nhau. Đặc biệt, thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình, khuyến khích DN đóng góp kinh phí và các tổ chức đại diện cho DN chủ động tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững của công tác hỗ trợ pháp lý cho DN theo các hình thức, nội dung quy định tại Nghị định số 66…
Thục Quyên
Trong các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực cho DN nhỏ và vừa, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình DN…, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DN chưa được triển khai một cách đồng bộ, có hệ thống cho đội ngũ DN. Các Chương trình, Đề án đã được ban hành chưa được triển khai đồng bộ, có hệ thống… Vì vậy, để công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được triển khai một cách mạnh mẽ, có hệ thống và hiệu quả thì cần xây dựng sớm Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN. |