Luật đã quy định nhưng thực tế hạn chế!
Tại cuộc họp mới đây với giới báo chí về hoạt động tham vấn công chúng giai đoạn 2, Chủ nhiệm UBXH Trương Thị Mai nhấn mạnh, từ Hiến pháp cho tới các đạo luật của nước ta như Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội… đều ghi nhận quyền tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách. Và gần đây nhất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 3 đã khẳng định nguyên tắc “bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…” và dành hẳn Điều 4 quy định về việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Luật cũng quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực mình phụ trách có thể tiến hành các hoạt động lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản… (Khoản 3, Điều 41).
Tuy nhiên, trong thực tiễn quá trình xây dựng pháp luật, dù khuôn khổ pháp luật đã có song cơ hội để người dân tham gia vào quá trình này lại không nhiều. Hiện nay, người dân cũng đã tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật ở mức độ nhất định bằng nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri thường kỳ hàng năm giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND với người dân, qua việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với một số đạo luật có liên quan nhiều đến người dân, qua đóng góp ý kiến trên các trang thông tin điện tử của Chính phủ, của các cơ quan trước khi đạo luật được trình ra tại Quốc hội… Mặc dù vậy, những cuộc lấy ý kiến đó vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
Hiệu quả bước đầu của thí điểm tham vấn công chúng
Theo bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, tiến hành tham vấn ý kiến nhân dân nhằm nói lên tiếng nói của người dân một cách hiệu quả trong quá trình thẩm tra luật và giám sát công việc của các cơ quan hành pháp là một hoạt động đã được thể chế hoá ở hầu hết các Nghị viện. Còn ở Việt Nam, từ tháng 6/2008, trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa UNDP và Văn phòng Quốc hội, UBXH mới bắt đầu triển khai thí điểm hoạt động tham vấn công chúng giai đoạn 1 đối với Dự án Luật Bảo hiểm y tế và việc thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật. Những kết quả thu nhận được từ hoạt động tham vấn công chúng trên đã được nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm y tế và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2008) và tạo cơ sở nghiên cứu các chính sách đối với dự thảo Luật Người tàn tật sắp tới.
Về hoạt động thí điểm tham vấn công chúng giai đoạn 2, Phó Chủ nhiệm UBXH Lương Phan Cừ cho biết, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2009 Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Người tàn tật. Xung quanh dự thảo còn rất nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung như quan điểm người khuyết tật phải được hội nhập vào cuộc sống một cách tốt nhất trong điều kiện của mỗi quốc gia, vấn đề học tập, dạy nghề, tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo cho người khuyết tật một cách bền vững, tạo cơ hội để người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng, chính sách cho người khuyết tật nặng… Vì vậy, sang giai đoạn 2, với tư cách là cơ quan chủ trì thẩm tra có vai trò quan trọng cùng với Chính phủ trong việc đề xuất chính sách đối với người tàn tật, UBXH sẽ tiếp tục hoạt động tham vấn công chúng đối với dự thảo Luật Người tàn tật nhằm mục đích góp phần hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội.
Còn theo bà Mai, một phần việc quan trọng không kém khác của UBXH là chuẩn bị cho việc thẩm tra Bộ luật Lao động (sửa đổi) - một đạo luật lớn có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến từng người lao động và cả xã hội, đặc biệt trong bối cảnh của suy thoái kinh tế trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có rất nhiều nội dung của Bộ luật Lao động cần sửa đổi nhưng là Uỷ ban phụ trách lĩnh vực giới, chịu trách nhiệm thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật nên UBXH đã lựa chọn hoạt động tham vấn công chúng lần này là tình hình thực hiện pháp luật về lao động nữ. Bà Mai đánh giá, Bộ luật Lao động năm 1995 đã có một chương riêng quy định về lao động nữ, các quy định là tương đối tiến bộ. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định này trên thực tế còn nhiều bất cập, nhiều quy định không khả thi, nhiều quy định không bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và đang còn tranh luận… “Quá trình tham vấn công chúng sẽ giúp UBXH nhận diện những bất cập, lựa chọn giải pháp lập pháp phù hợp và là cơ sở để UBXH làm tốt hoạt động thẩm tra của mình”, bà Mai kết luận.
Thục Quyên
Tham vấn công chúng là hoạt động thí điểm trong khuôn khổ chương trình thông tin công chúng của Dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện tại Việt Nam” của Văn phòng Quốc hội do Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ. Giai đoạn 1 của chương trình này đã được UBXH triển khai trong năm 2008 với các hoạt động lấy ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm y tế và việc thực hiện Pháp lệnh về người tàn tật ở 4 địa phương gồm Quảng Bình, Cần Thơ, Điện Biên, Quảng Nam. |
Kinh nghiệm cho thấy, bên cạnh việc lựa chọn nội dung lấy ý kiến thì cách thức để người dân tiếp cận, đóng góp ý kiến vào các văn bản luật cũng rất quan trọng. Những cách thức phù hợp sẽ giúp người dân có thêm cơ hội tham gia vào quá trình hoạch định chính sách một cách thiết thực và qua đó cũng góp phần để người dân thực thi pháp luật tốt hơn khi luật pháp, chính sách được ban hành. |