TSPL cho nhện giăng, bụi phủ…
Đó là thực trạng của không ít TSPL mặc dù, trong 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg (ngày 25/11/1998) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để xây dựng và phát triển hoàn thiện hệ thống TSPL.
Một trong những biện pháp để có thể “làm giàu” TSPL là luân chuyển, trao đổi sách báo giữa TSPL cấp xã với các điểm bưu điện văn hoá xã. Nhưng thực tế, hầu như các địa phương đều chưa được thực hiện, hoặc không thường xuyên. Trong khi đó, công tác quản lý TSPL ở một số nơi chưa đi vào nề nếp dẫn đến tình trạng thất lạc những tài liệu quan trọng khiến tủ sách đã “nghèo” càng thêm “xơ xác”.
Theo các cán bộ quản lý TSPL, TSPL chỉ chủ yếu phục vụ cho cán bộ cấp xã để giải quyết công việc chuyên môn mà thu hút được rất ít người dân. Một phần vì “văn hoá thư viện chưa ngấm”, một phần vì cán bộ quản lý TSPL còn hạn chế về kiến thức về quản lý, PL nên không thể chỉ dẫn cho người dân khi họ có nhu cầu nghiên cứu một văn bản PL. Đã vậy, TSPL lại chưa được đặt ở những vị trí “đắc địa”, có nơi còn đặt trong phòng làm việc của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch xã (như ở Hải Phòng) nên không phải người dân nào cũng có thể nhận ra sự hiện diện của TSPL tại đây.
Kinh phí đầu tư thấp cũng là một nguyên nhân. Như Đồng Nai, kinh phí ban đầu (trang bị sách) cho mỗi TSPL chỉ khoảng 1.200.000 đồng. Nhiều TSPL không có khả năng trang bị các đầu sách vì không có kinh phí để mua, nhất là khi những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân như chính sách đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng của Nhà nước hay quy định giá đất đai… vốn thường xuyên thay đổi.
2 triệu đồng/năm cho TSPL cấp xã
Nhìn thẳng vào thực trạng và nguyên nhân khiến TSPL đang dần xa lạ với đời sống người dân, dự thảo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đã chú trọng đến các giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò của TSPL, bố trí cán bộ phụ trách TSPL có đủ trình độ, năng lực, đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác TSPL phù hợp với từng địa phương, vùng, miền...
Dự thảo cũng quan tâm đến địa điểm đặt TSPL phải bảo đảm thuận tiện cho người đọc, bảo đảm sách, tài liệu, văn bản PL phải có nội dung phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm từng vùng, miền; thường xuyên rà soát, hệ thống hoá sách, tài liệu pháp luật của TSPL và đặc biệt qui định việc thực hiện việc trao đổi, luân chuyển sách, tài liệu PL giữa các loại hình TSPL trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Dự thảo cũng không quên những tiện ích của công nghệ thông tin khi qui định ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm PL, tiến tới kết hợp mô hình TSPL truyền thống với TSPL điện tử. Đồng thời, quy định mức chi cho mỗi TSPL cấp xã tối thiểu là 02 triệu đồng/năm. Đối với những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể quy định mức cao hơn. Đặc biệt huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Huy Anh