Hiệu quả chưa tương xứng
Tại cuộc hội thảo mới đây do Thường trực Hội đồng Dân tộc (HĐDT) và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của UNDP, Phó chủ tịch HĐDT Mã Điền Cư thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển KT-XH cho vùng DTMN chưa mang lại hiệu quả tương xứng. Ông Cư minh hoạ, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của ĐBDTTS nhìn chung còn thấp. Các nhu cầu của đời sống như nước sạch, nhà ở, điện, đường, trường, trạm chưa được đáp ứng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm so với yêu cầu phát triển chung…. Các chương trình, dự án đầu tư lại dàn trải, manh mún trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, dẫn tới tình trạng chồng chéo, lãng phí. Thậm chí, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện đầu tư cho cùng một vùng nên thường không thống nhất và đồng bộ, khó theo dõi và quản lý.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Võ Văn Bảy cho biết thêm, hệ thống cơ chế, chính sách dân tộc được ban hành trên nhiều nhóm lĩnh vực nhưng vẫn chưa phản ánh một cách đầy đủ, toàn diện và cụ thể về tính chất và đặc thù của từng vùng, từng dân tộc. Không những thế, các chính sách về thu hút, đãi ngộ cán bộ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở lại thiếu. Còn các chính sách về tuyển dụng, đề bạt cán bộ; khen thưởng, kỷ luật; chế độ, thù lao, thanh quyết toán kinh phí thì chậm được đổi mới, cải tiến. Ông Bảy nhấn mạnh, nhiều chủ trương, chính sách có tác động trên địa bàn rộng, lâu dài ít được tham vấn rộng rãi và không được khảo nghiệm kỹ càng như các chính sách trên các lĩnh vực phát triển cây công nghiệp mía đường, cà phê, cao su, chè...
Theo ông Cư, trước tình hình trên, được sự phân công của UBTVQH, HĐDT đã phối hợp chặt chẽ với các Uỷ Ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh tiến hành các đợt giám sát chuyên đề về Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã; Chương trình 135; chính sách 134; Quyết định 304/TTg; công tác di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Qua đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan điều chỉnh việc chỉ đạo thực hiện, giảm thiểu những sai sót, thất thoát. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò giám sát của HĐDT Quốc hội, nhất là HĐND vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của nhà nước và sự mong đợi của nhân dân, còn bộc lộ nhiều yếu kém và mang tính hình thức.
Cần tăng hiệu quả công tác giám sát
Ông Bảy cho rằng, chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng DTMN phải mang tính thường xuyên, lâu dài và nội dung phải toàn diện cả vật chất lẫn tinh thần để vùng DTMN có đủ sức vượt qua ngưỡng cửa đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển. Các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng DTMN sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nguồn vốn phải đảm bảo đáp ứng cơ bản yêu cầu để thực hiện. Ngoài ra, ông đề nghị HĐDT khi thẩm tra quyết định ngân sách Nhà nước cần ưu tiên đầu tư vốn theo hướng nâng cao tỷ trọng đầu tư trực tiếp cho sự phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề bức xúc về mặt xã hội cho vùng DTMN. Ngân sách nhà nước cần được đầu tư có trọng điểm, trọng tâm và tập trung chủ yếu vào xây dựng hạ tầng KT-XH phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo PGS-TS. Đặng Văn Thanh, để thực hiện giám sát hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH miền núi cần bảo đảm 7 điều kiện sau: có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng; dựa vào tư vấn, phân tích của các chuyên gia; dành thời gian cho công tác giám sát; đề ra quy trình giám sát hợp lý, khoa học; bảo đảm thực hiện các kiến nghị sau giám sát; bảo đảm thông tin kinh tế - tài chính và kiến thức chuyên gia trong quá trình giám sát của Quốc hội và HĐND; huy động sự trợ giúp của “công cụ” giám sát là cơ quan kiểm toán.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, Uỷ viên Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam Hà Văn Núi mạnh dạn kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về giám sát của nhân dân, tạo hành lang pháp lý để nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước. Ông Núi cũng đề xuất, việc thành lập UBND khi không còn HĐND theo Đề án của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương cần thể hiện rõ vai trò của MTTQ cùng cấp về hiệp thương, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm UBND.
Hoàng Thư