PV: Không phải người dân nào cũng hiểu được khái niệm về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm. Vậy có thể định nghĩa thế nào cho thật dễ nhớ, thưa ông?
Ông Trần Đông Tùng: Quả thật, về mặt thuật ngữ, hai khái niệm trên là tương đối mới nhưng chế định về giao dịch bảo đảm thì có từ lâu rồi. Tuy nhiên, có thể nói một cách ngắn gọn như sau: Giao dịch bảo đảm là việc các bên xác lập 7 biện pháp bảo đảm được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 như thế chấp, cầm cố, ký quỹ, bảo lãnh… Còn đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm 2 mục tiêu: xác định thứ tự ưu tiên thanh toán và công khai hóa tài sản. Cụ thể hơn, một tài sản đảm bảo nhiều nghĩa vụ thì giao dịch nào đăng ký trước sẽ được ưu tiên.
Hợp đồng cho vay thường giữa các tổ chức tín dụng còn người dân thì ít, không nhiều (thường là thế chấp), chủ yếu là vay ngân hàng, giữa dân với nhau thì có nhiều cơ chế khác nhau ít đăng ký. Thứ 3 nữa là vốn cá nhân cho vay không nhiều, những trường hợp đó thường là vay tiền thế chấp bằng bất động sản.
PV: Là người gắn bó với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm từ khi Cục được thành lập vào năm 2002 đến nay, ông có nhận xét gì về mô hình này ở Việt Nam?
Ông Trần Đông Tùng: Không phải do làm việc ở Cục Đăng ký quốc gia mà tôi khen ngợi thiên vị, nhưng sau 7 năm ra đời, với việc thành lập và hoạt động ngày càng phát triển của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản theo mô hình tiên tiến trên thế giới và đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á tổng kết, đưa thành một ví dụ tiêu biểu để các quốc gia trong khu vực tham khảo. Đáp ứng các yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp đã thành lập các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm theo mô hình ngành dọc, gọn nhẹ, nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và có thẩm quyền đăng ký không phụ thuộc địa giới hành chính mà khách hàng có thể lựa chọn bất kỳ Trung tâm nào cũng được, đồng thời các dữ liệu được quản lý tập trung, thống nhất trong Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch, tài sản. Ngoài ra, quy trình đăng ký, cung cấp thông tin đã được cải tiến, đảm bảo thuận tiện, khoa học và giảm chi phí như đơn giản và minh bạch hoá hồ sơ, thủ tục đăng ký; loại bỏ các giấy tờ không cần thiết trong hồ sơ; rút ngắn thời hạn giải quyết từ 3 đến 5 ngày xuống còn ngay trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ; thực hiện đăng ký liên thông; quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu đăng ký và trách nhiệm của cán bộ đăng ký; thống nhất một số quy trình, thủ tục đăng ký giao dịch, tài sản…
PV: Chẳng lẽ không có bất cập nào sao, thưa ông?
Ông Trần Đông Tùng: Ưu điểm tuy có nhiều nhưng không thể không có khiếm khuyết. Về mặt thể chế, hệ thống văn bản pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm còn phân tán và có một số quy định chưa thúc đẩy nhanh sự hình thành và vận động của thị trường tài chính. Số lượng đăng ký tuy có tăng nhanh song chưa phản ánh được hết các giao dịch, tài sản diễn ra trong thực tế. Có nơi, có lúc việc đăng ký của một số tổ chức tín dụng còn mang tính hình thức, đối phó với công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Khách hàng chưa có thói quen tra cứu tìm hiểu thông tin tại các cơ quan đăng ký nên việc cung cấp thông tin còn ít. Không những thế, thông tin được cung cấp không phải lúc nào cũng chuẩn xác do chúng ta thực hiện đăng ký bằng tay trong khi thủ tục đăng ký mới đang nghiên cứu xây dựng. Một số địa phương chưa xác định cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, chưa xây dựng đội ngũ cán bộ đăng ký có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao...
PV: Có ý kiến đánh giá hệ thống các cơ quan đăng ký của Việt Nam đang nằm tản mạn. Theo ông, điều đó có dẫn đến những hệ quả gì không?
Ông Trần Đông Tùng: Trước hết cần nói rằng, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chỉ thực hiện đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản, đăng ký và cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ, thông báo và cung cấp thông tin về việc kê biên tài sản thi hành án liên quan đến hệ thống cơ quan đăng ký. Tài sản là động sản thì đăng ký tại các Trung tâm của Cục ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Tàu bay ở Cục Hàng không Việt Nam, tàu biển là Cục Hàng hải Việt Nam. Còn các tài sản khác sẽ được đăng ký và cung cấp thông tin tại các cơ quan khác. Chẳng hạn, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện ở các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường, tàu bay tại Cục Hàng không Việt Nam, tàu biển ở Cơ quan đăng ký tàu biển khu vực. Có thể lý giải là vì mỗi loại tài sản ấy đều có những đặc thù riêng. Tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới, chúng tôi nhận thấy, mô hình các cơ quan đăng ký cũng trong tình trạng như vậy. Tất nhiên, có nhiều nước làm tốt mà Việt Nam nên học hỏi như các nước ở Bắc Mỹ, châu Âu, ở khu vực châu Á có Campuchia.
Hệ quả rõ rệt của sự phân tán này là thông tin về tài sản không tập trung và không đầy đủ, người dân sẽ không thuận lợi khi cứ phải đến nhiều cơ quan và tốn kém nhiều tiền hơn để tìm hiểu thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản nhằm tránh những rủi ro khi giao kết hợp đồng. Tất nhiên, để thực hiện được việc này, cần phải thay đổi nhận thức của người dân, thông qua việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là một quá trình lâu dài.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cẩm Vân (thực hiện)
Theo số liệu mới nhất, tính đến nay, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản 5 năm đã tiếp nhận 442.891 đơn yêu cầu đăng ký và thực hiện 10.564 lượt cung cấp thông tin cho khách hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2009, các Trung tâm còn tiếp nhận 51 văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án, có thêm 106 khách hàng thường xuyên mới. |