Từ 1/8, thống nhất “sổ đỏ”, “sổ hồng”: Một giấy sẽ hết bất cập? (Bài 2)

Nhiều vướng mắc có thể nảy sinh...

Việc cấp một giấy chung cho cả đất và nhà cùng các tài sản gắn liền với đất rõ ràng rất tiện cho dân, trước hết là về mặt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lại có vẻ không thuận lợi cho chính cơ quan chức năng. Một chuyên gia pháp lý băn khoăn, nếu cắt nội dung công nhận QSHNƠ của Bộ Xây dựng để giao cho Bộ TN&MT thì Bộ Xây dựng có còn làm được những nội dung liên quan đến quyền quản lý nhà nước như quản lý hồ sơ nhà ở, điều tra, thống kê xây dựng dữ liệu nhà ở, kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cấp GCNQSHNƠ... nữa hay không?

Không ít người dân thắc mắc, sau khi làm các thủ tụcxác nhận được đất hợp lệ, nếu như bình thường thì có thể được cấp GCNQSDĐ n bây giờ để được cấp giấy mới, lại phải chờ xác định được vật kiến trúc trên đất hay ở thành phố muốn có nhà là phải có giấy phép xây dựng nhà và kèm sau đó nhiều thủ tục nữa mới có thể xác định tài sản trên đất tổng trị giá là bao nhiêu. Vì vậy, chỉ sợ tiến độ sẽ không được nhanh như mong muốn. Trường hợp người dân mua căn hộ nhà chung cư do các nhà đầu tư được thuê đất của Việt Nam xây dựng, điều họ quan tâm lại là có thể có GCNQSDĐ đối với nhà chung cư không? Một số doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp hiểu rằng người chủ sử dụng đất là ban quản lý, còn họ được cấp GCN đầu tư thể hiện tất cả tài sản, qui mô tài sản. Cho nên, họ đặt vấn đề là họ có phải đăng ký số tài sản trên đối với Bộ TN&MT và nộp một khoản lệ phí để được cấp một cái giấy không?

Trong số tài sản gắn liền với đất, có rất nhiều loại công trình từ công trình kinh tế, công trình xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh, an ninh quốc phòng, cầu, cống... nên có người nêu câu hỏi, liệu ngành TN&MT có “ôm” hết được và trách nhiệm quản lý của ngành đối với các loại công trình ấy đến đâu? Các thửa đất khác như đất chuyên dùng, đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, đất diêm nghiệp... có được phép gộp chung vào loại giấy mới này không?

...Nhưng đều có hướng giải quyết

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, những vướng mắc nói trên sẽ không gây cản trở cho việc cấp loại GCN thống nhất bởi pháp luật hiện hành đã quy định và các địa phương trong thực tiễn cũng đã cấp chứng nhận đối với các tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu. Cụ thể, các loại tài sản gắn liền với đất trong pháp luật hiện hành bao gồm nhà ở, công trình xây dựng (công trình công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho bãi, khu công nghiệp; công trình giao thông, thuỷ lợi, năng lượng...); vư­ờn cây lâu năm, rừng cây. Theo đó, đối với đất xây dựng nhà chung cư, nhà tập thể, cụ thể là đất xây dựng nhà chung cư và các công trình phục vụ nhà chung cư thuộc QSD chung của tất cả các chủ sở hữu căn hộ nhà chung cư thì GCNQSDĐ được cấp cho các đối tượng sở hữu căn hộ theo hình thức sử dụng chung. Đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước được cấp GCN ghi tên cơ quan, tổ chức đó; đất xây dựng công trình quốc phòng, an ninh thì cấp GCN cho đơn vị vũ trang nhân dân đang trực tiếp sử dụng, đất xây dựng các dự án sản xuất được cấp GCN cho các chủ dự án. Còn cây rừng, cây lâu năm được ghi nhận trên GCNQSDĐ và hồ sơ địa chính. Ngoài ra, khoản 8 Điều 3 Luật bảo vệ và phát triển rừng cũng quy định QSD rừng, QSH rừng sản xuất là rừng trồng được ghi trong GCNQSDĐ, trong hồ sơ địa chính.

Việc thống nhất cấp một loại GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất, giao một cơ quan làm đầu mối thực hiện vẫn bảo đảm quyền quản lý nhà nước về nhà ở của ngành xây dựng thông qua việc lập quy hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch thực hiện và việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở, ban hành các quy định, tiêu chuẩn quản lý chất lượng nhà ở, công tác thanh tra... Hiện nay, nhiều Bộ thực hiện quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp trong từng lĩnh vực cụ thể do Chính phủ quy định. Hơn nữa, việc chứng nhận QSHNƠ chỉ thực hiện khi có yêu cầu của chủ sở hữu.

Hoàng Thư

Theo thống kê của Bộ TN&MT, đến nay, các địa phương trong cả nước đã cấp GCNQSDĐ sản xuất nông nghiệp được 13,393 triệu giấy, đạt 81,4%; đất lâm nghiệp 1,028 triệu giấy, đạt 76,3%; đất tại nông thôn 10,105 triệu giấy, đạt 80,6%; đất tại đô thị 3,25 triệu giấy, đạt 63,8%; đất chuyên dùng 84 nghìn giấy, đạt 36,4%. Việc cấp GCNQSHNƠ theo Luật nhà ở mới được triển khai ở 27 tỉnh, thành phố và mới chỉ cấp được 250 nghìn giấy. Nếu tính cả cấp GCNQSHNƠ và QSDĐ theo Nghị định số 60 thì cả nước cấp được 1,2 triệu giấy.