Có thể nói, Nghị quyết này của Quốc hội đã đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của tuyệt đại bộ phận cử tri cả nước. Tuy nhiên, mãi tới kỳ họp thứ 5 vừa qua, Nghị quyết 07 mới chính thức được hiện thực hoá bằng việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.
Một giấy, một cơ quan cấp
Để thể hiện hai nội dung chủ yếu là QSDĐ và QSHNƠ đã được quy định trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở, đồng thời phù hợp với nội dung của Nghị quyết 07, loại GCN trên mang tên là “GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất”(gọi tắt là GCN). Mẫu GCN thống nhất trong cả nước được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát hành. Luật sửa đổi cũng thống nhất giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện cấp giấy. Theo đó, cơ quan quản lý TN&MT ở cấp tỉnh và cấp huyện là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục trình UBND cùng cấp để cấp GCN.
Không những thế, Luật đã bổ sung quy định việc Chính phủ hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục xin cấp GCN. Ngoài ra, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể để xử lý các trường hợp phát sinh biến động, như khi thực hiện các quyền mà chỉ thay đổi về QSDĐ hoặc QSHNƠ hoặc quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Việc thống nhất một giấy, một cơ quan cấp không chỉ giải toả bức xúc lâu nay của người dân mà còn rất thuận lợi cho các doanh nghiệp. Nhiều chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và doanh nghiệp đều cho rằng việc thống nhất cấp một loại GCN và giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện sẽ có điều kiện xác định chính xác hơn quyền của tổ chức, cá nhân, hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, góp phần giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện thực hiện các quyền của chủ đầu tư như quyền thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Không bắt buộc đăng ký QSHNƠ
Vì đất đai là sở hữu toàn dân nên việc cấp GCNQSDĐ là bắt buộc để ghi nhận QSDĐ hợp pháp đối với một thửa đất và xác định vào hồ sơ địa chính nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ của người SDĐ. Nhưng đối với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy tờ chứng minh sự tạo lập hợp pháp là giấy tờ gốc chứng nhận QSH, do vậy, không bắt buộc phải có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Luật nhà ở hiện hành cũng quy định trong trường hợp có yêu cầu của chủ sở hữu nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới cấp GCNQSHNƠ cho họ.
Với các lý do này, Luật sửa đổi quy định rõ chỉ khi chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất có yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới xác nhận QSH và ghi các nội dung chứng nhận QSH đó vào một giấy chung là “GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất”.
Khi giao dịch, phải đổi sang giấy mới
Các loại GCN liên quan đến QSDĐ và QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp trước thời điểm Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý, không phải đổi lại nếu không có nhu cầu. Trường hợp người đã được cấp GCN có nhu cầu thì được đổi sang loại giấy mới theo quy định của Luật mà không phải nộp lệ phí. Tuy nhiên, Thứ trưởng thường trực Bộ TN&MT Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh, khi người dân chuyển nhượng nhà đất mà nhà đất đã có giấy rồi (giấy cũ) thì sẽ phải đổi sang giấy mới.
Đối với các loại GCN đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình quản lý của địa phương (ví dụ GCNQSDĐ tạm thời), đã được xử lý trong quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể là tên GCNQSDĐ tạm thời đã được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai, theo đó, người có GCNQSDĐ tạm thời vẫn có quyền thực hiện các giao dịch như chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp..., được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Hoàng Thư
Khoản 20 điều 4 của Luật Đất đai hiện được sửa đổi, bổ sung như sau: “GCNQSDĐ, QSHNƠ và tài sản khác gắn liền với đất là GCN do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có QSDĐ, QSHNƠ, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có QSDĐ, QSHNƠ, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. |