Một chính sách di cư toàn diện
Năm 1999, Hội nghị nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước EU tại Tampere (Phần Lan) đã thống nhất yêu cầu phải thiết lập Chính sách di cư chung và Cơ chế cư trú chính trị chung châu Âu. Từ đó, vấn đề di cư và cư trú chính trị được đặt dưới sự quản lý của EU. Trong Chương trình Hague 2004-2009, Cộng đồng chung châu Âu kêu gọi phát triển sâu rộng hơn nữa Chính sách di cư và cư trú chính trị của EU. Tiếp đến, tháng 10/2008, Hiệp ước châu Âu về di cư và cư trú chính trị được Ủy ban châu Âu thông qua. Bằng Hiệp ước này, quan điểm của EU là hướng tới một nhận thức chung cho chính sách quản lý di cư hiệu quả của các nước thành viên EU. Đồng thời khẳng định vị thế và vai trò của người di cư với tư cách là nhân tố phát triển và đối tác.
Hiệp ước khuyến nghị, công dân các nước thứ 3 cần được trang bị những thông tin cần thiết để nắm được yêu cầu, thủ tục về nhập cảnh và cư trú hợp pháp tại các nước EU. Đáng lưu ý, mặc dù cho phép các nước thành viên có thẩm quyền quyết định về phương thức lựa chọn quốc tịch, quyết định số lượng người được phép di cư… nhưng Hiệp ước nhấn mạnh, công dân các nước thứ 3 cư trú hợp pháp trên lãnh thổ các nước thành viên sẽ được đảm bảo đối xử công bằng, có tư cách pháp nhân tương tự như công dân quốc tịch EU.
Trong khuôn khổ pháp lý hiện có, chính sách di cư của EU hướng dẫn 4 điểm quan trọng. Đó là hướng dẫn liên quan đến tư cách pháp nhân của công dân quốc tịch nước thứ 3 là thường trú dài hạn; hướng dẫn đến đoàn tụ gia đình; hướng dẫn về những điều kiện cho phép công dân nước thứ 3 được nhập cảnh với mục đích học tập, trao đổi học sinh, đào tạo không lương hoặc tình nguyện; hướng dẫn về thủ tục cụ thể cho phép công dân nước thứ 3 nhập cảnh với mục đích khoa học.
Ngoài ra, tháng 5 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã thông qua Chỉ thị “Thẻ xanh EU”. Chỉ thị ưu tiên cấp giấy phép cư trú và làm việc đặc biệt theo thủ tục nhanh gọn cho các lao động trình độ cao từ các nước thứ 3 làm việc tại các nước thành viên EU. Người được cấp “Thẻ xanh EU” sẽ được tiếp cận tốt hơn tới thị trường lao động cũng như được hưởng một số quyền lợi kinh tế - xã hội và những điều kiện đoàn tụ gia đình, thậm chí tự do đi lại trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, ông Diederik Paalman (thành viên Ban Giám đốc ban Tư pháp, Tự do và An ninh của UB châu Âu) cho biết, yếu tố then chốt trong chính sách di cư toàn diện của EU lại là giúp người di cư hợp pháp hội nhập sâu rộng để phát huy mọi tiềm năng của mình. “Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến một xã hội gắn bó dựa trên sự tôn trọng và bao dung lẫn nhau, trong khuôn khổ pháp luật và những giá trị đạo đức chung của EU. Điều này có nghĩa đồng thời với việc tôn trọng tôn giáo và văn hóa truyền thống khác nhau ở mỗi nước, trên cơ sở tuân thủ luật pháp EU và những giá trị thuần túy về nhân cách sống, phẩm hạnh con người”, ông Paalman lý giải.
Hợp tác với EU để thúc đẩy di cư hợp pháp
Về cơ bản, người Việt Nam ra nước ngoài theo hầu hết các loại hình di cư như di cư lao động, hôn nhân - gia đình, du học… và nổi bật nhất là di cư lao động. Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế chậm hơn so với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Philippine, Thái Lan… Mặc dù đã có tham gia cung ứng lao động sang Đông Âu từ những năm 80, song vấn đề đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc chỉ thực sự diễn ra mạnh mẽ từ sau năm 2000, địa bàn chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Lào, Trung Đông. Việt Nam đã đưa lao động sang làm việc tại 12 quốc gia EU, gồm Bulgari, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Italia, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia và Anh nhưng thường mang tính thử nghiệm.
Việt Nam đã và đang hợp tác tốt với các nước, các tổ chức quốc tế liên quan trong việc khuyến khích di cư hợp pháp, đấu tranh ngăn chặn di cư bất hợp pháp và buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU đang được triển khai qua các diễn đàn quốc tế, các cơ chế hợp tác cấp vùng, khu vực và trên cơ sở hợp tác song phương. Trong những năm qua, việc hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên EU bằng các hiệp định song phương đã góp phần giải quyết tình trạng người Việt Nam nhập cư trái phép vào EU, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư hợp pháp, nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong việc quản lý di cư, kiểm soát biên giới của phía Việt Nam và tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống di cư bất hợp pháp.
Có thể nói, Việt Nam và EU cùng chung quan điểm về nỗ lực quản lý di cư hiệu quả, thúc đẩy di cư hợp pháp và đấu tranh ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Để ngăn chặn di cư bất hợp pháp trước hết cần hợp tác giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là đói nghèo, là sự chênh lệch về thu nhập, về cơ hội việc làm… Chủ trương của EU là đầu tư cho phát triển ngay tại nước gốc nhằm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư tiềm năng, qua đó góp phần ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Trong khi đó, theo một vị lãnh đạo của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), việc xin thị thực nhập cảnh các nước EU của công dân Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Điều đó đã làm giảm đi những cơ hội của người di cư Việt Nam, ảnh hưởng đến những đóng góp tiềm năng của người di cư Việt Nam đối với nền kinh tế của các quốc gia EU. Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn EU tăng cường hợp tác, mở cửa thị trường lao động cho người lao động Việt Nam, xem xét các chương trình hợp tác đào tạo nghề cho lao động Việt Nam.
Cẩm Vân
Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế, hiện nay có trên 200 triệu người sống ngoài lãnh thổ nơi họ sinh ra và mang quốc tịch, chiếm trên 3% dân số toàn cầu. Người di cư là một nhân tố quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến cho bức tranh tổng thể về di cư có nhiều biến chuyển. Nếu như trước đây dòng di cư truyền thống là từ các nước nghèo sang các nước giàu, từ nông thôn ra thành thị thì giờ đây đã xuất hiện những dòng di cư luân hồi từ những nước có trình độ phát triển tương đồng, kể cả từ nước giàu sang nước nghèo. |
Di cư quốc tế ở Việt Nam là một hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với quá trình phát triển của đất nước, trong đó nổi lên vấn đề di cư vì mục đích kinh tế. Đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 3,2 triệu người, có mặt tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có trên 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam gửi về nước ước tính khoảng 1,6 tỷ USD mỗi năm. |